Mỹ chặn được Su-30SM nhưng bất lực trước S-300
Chính quyền Hoa Kỳ vừa lên tiếng phản đối việc Nga bán máy bay chiến đấu Su-30SM và các hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran. Tuy nhiên, Washington chỉ có thể chặn được hợp đồng Su-30SM, còn S-300 thì không.
Mỹ muốn chặn Nga bán S-300 và Su-30SM cho Iran
Ngày 7-4 vừa qua, Mỹ đã lên tiếng phản đối việc Nga có ý định bán các máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ 4 là Su-30SM và các hệ thống phòng không S-300 cho Iran.
Trợ lý của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là ông Tom Shannon tuyên bố, việc Moscow cung cấp các lô hàng đó cho Tehran là hành động không đúng, bởi chúng không được sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, căn cứ theo nội dung của nghị quyết số 1929, ban hành vào tháng 6-2010.
Tháng 6-2010, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ban hành nghị quyết số 1929 về trừng phạt Iran trong lĩnh vực hạt nhân. Nghị quyết này đã cấm các nước bán cho Iran các loại vũ khí mang tính chất tấn công.
Trong số hàng loạt biện pháp cấm vận vũ khí đề ra để chống Iran, nghiêm khắc hơn cả là cấm xuất khẩu tới Tehran các chiến đấu cơ, xe tăng và các loại xe quân sự bọc thép, pháo cỡ nòng lớn, trực thăng tấn công và tên lửa, cùng các hệ thống phóng tên lửa.
Theo giới công nghiệp quốc phòng Nga, hợp đồng về việc Iran mua các chiến đấu cơ đa năng Su-30SM sẽ được ký kết trong năm 2016, còn các hệ thống phòng không S-300 cũng sẽ được cung cấp ngay trong năm nay.
Bình luận về ý kiến của Bộ Ngoại giao Mỹ, đại diện Bộ Ngoại giao Nga đã thẳng thừng tuyên bố, Washington không có quyền và cũng không thể gây ảnh hưởng tới hợp đồng của Moscow bán các hệ thống phòng không S-300 cho Tehran.
Ông Zamir Kabulov, Vụ trưởng Vụ châu Á - 2 của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Washington thích nói gì thì nói nhưng không có khả năng phá vỡ hợp đồng này, bởi những tổ hợp tên lửa phòng không S-300 không thuộc danh mục trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Nhà ngoại giao Nga còn nói thêm rằng, giữa Moscow và Tehran hiện chưa ký hợp đồng mua bán máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM, nên hiện giờ chính quyền của ông Putin không thể bình luận gì về điều này.
Chặn Su-30SM thì được nhưng S-300 thì không thể
Tuy nghiêm khắc nhưng Nghị quyết 1929 không cấm Iran được mua các loại vũ khí mang tính chất phòng thủ như các hệ thống tên lửa phòng không (ngoại trừ các tổ hợp tên lửa vác vai), thiết bị radar, phương tiện trinh sát, thông tin liên lạc, quản lý và thiết bị chống định vị vô tuyến.
Do đó, kể cả là trước đây, Nga vẫn có thể bán các hệ thống S-300 cho Iran nhưng vào năm 2010, Tổng thống Nga khi đó là ông Medvedev (ông Putin khi đó là Thủ tướng) đã quá “cẩn thận” nên đã ký quyết định hủy bỏ hợp đồng với Iran, dẫn đến việc Tehran kiện Moscow, đòi bồi thường 4,2 tỷ USD.
Sau khi nhóm P5+1 và Iran đạt được thỏa thuận khung về vấn đề hạt nhân của Iran vào tháng 4-2015, ngay sau đó, Tổng thống Nga Putin đã ký quyết định khôi phục lại tính hợp pháp của hợp đồng S-300, nhưng đối với hợp đồng mua sắm Su-30SM trong tương lai thì lại khác.
Thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran, được chính thức ký kết tại Vienna ngày 15-7-2015, đã quyết định không tháo gỡ ngay tức thì các biện pháp cấm vận cung cấp vũ khí trong gói trừng phạt chống Iran, Tehran vẫn bị cấm vận vũ khí đến hết năm 2020.
Theo nội dung thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức), nước này vẫn bị Liên Hợp Quốc cấm vận vũ khí đến hết năm 2020.
Tuy Tehran và Moscow kiên trì đề nghị dỡ bỏ ngay lập tức lệnh cấm vận vũ khí này, nhưng các nước ủy viên phương Tây cương quyết không đồng ý.
Do đó, vào thời điểm này, mặc dù phương Tây đã nối lại một phần quan hệ ngoại giao, kinh tế với Iran nhưng hợp đồng mua sắm vũ khí mang tính chất tấn công như máy bay Su-30SM vẫn thuộc danh mục bị cấm. Do đó, Mỹ có thể kiến nghị chặn hợp đồng này của Moscow và Tehran.
Theo Ngọc Toàn
PetroTimes