1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ cập nhật mục tiêu trong chiến sự Nga - Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Washington muốn Nga phải tổn thất nhiều hơn mục tiêu mà Moscow muốn có được từ chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Mỹ cập nhật mục tiêu trong chiến sự Nga - Ukraine - 1

Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách Mỹ Colin Kahl (Ảnh: Iowa News).

Phát biểu tại cuộc hội thảo diễn ra tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) ngày 14/6, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách Mỹ Colin Kahl cho biết: "Chúng tôi tiếp tục cung cấp cho Ukraine những gì họ cần để chiến đấu". Ông chỉ ra, đến nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã viện trợ quân sự hơn 5,3 tỷ USD cho Ukraine, trong đó 4,6 tỷ USD tính riêng từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự chống lại Ukraine hồi cuối tháng 2.

Ông Kahl nhấn mạnh, mục đích của Mỹ là "đảm bảo Ukraine có thể tự phòng vệ, vượt qua xung đột, tăng vị thế trên bàn đàm phán". Ngoài ra, mục tiêu của Washington là "buộc Nga trả giá nhiều hơn so với những ích lợi mà họ mong muốn đạt được trong cuộc xung đột này". Mặt khác, ông Kahl khẳng định, Mỹ không nhằm mục tiêu "thay đổi chính quyền ở Nga". Quan điểm trên gợi nhớ đến tuyên bố hồi tháng 4 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sau chuyến thăm Kiev. "Chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu đến mức không thể làm những việc như đã từng làm ở Ukraine", Bộ trưởng Austin nói hôm 25/4.

Về tình hình chiến sự, ông Kahl cho rằng, cả Nga và Ukraine đều phải gánh tổn thất lớn sau hơn 3 tháng giao tranh. Theo quan chức Lầu Năm Góc, dù áp đảo về hỏa lực, binh sĩ, nhưng Nga mới chỉ giành được những bước tiến "chiến thuật" ở Ukraine và sẽ không thể đạt được mục tiêu kiểm soát toàn bộ Ukraine. Phần lớn các cuộc giao tranh đang diễn ra ở các thành phố, nơi Ukraine đã lập ra các lớp phòng thủ do thiếu hỏa lực, ông Mikhail Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine cho hay.

Trả lời câu hỏi liệu khi nào và bằng cách nào xung đột Nga - Ukraine sẽ chấm dứt, ông Kahl nói, Mỹ sẽ không nói trước về vấn đề gì sẽ được đưa ra đàm phán và khi nào.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre đầu tuần này cho biết, Washington hi vọng tình hình ở Ukraine sẽ kết thúc bằng các cuộc đối thoại. Bà Jean-Pierre một lần nữa khẳng định: "Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi sẽ giúp Ukraine có được vị thế tốt nhất trên bàn đàm phán".

Các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine đến nay vẫn bế tắc, hai bên đổ lỗi cho nhau khiến tiến trình này trì trệ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, ông sẵn sàng đàm phán chấm dứt xung đột, nhưng Ukraine không bao giờ nhượng bộ về lãnh thổ. Ông cũng nói rằng, ông chỉ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin để đàm phán.

Về phía Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết, cuộc gặp giữa 2 nguyên thủ chỉ có thể diễn ra khi đàm phán được nối lại và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo ông Lavrov, cách tiếp cận của nhà lãnh đạo Ukraine đối với các cuộc đàm phán sẽ khó đem lại những điều tích cực cho cả Moscow lẫn Kiev.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 8/6 cũng nêu rõ: "Lập trường của Điện Kremlin rất rõ ràng, bất kỳ cuộc gặp mặt cấp cao nhất đều phải được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và đảm bảo diễn ra hiệu quả. Tuy nhiên, các động thái từ phía Kiev đã cho thấy họ không có ý định tiến hành đàm phán, do đó việc chuẩn bị cho một cuộc họp thượng đỉnh giữa hai tổng thống là không cần thiết".

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine