1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ cảnh cáo trừng phạt các nước mua vũ khí của Nga, Trung Quốc

Mỹ nói trừng phạt các nước mua vũ khí Nga, Trung Quốc nhằm giảm thiểu đe dọa với công nghệ Mỹ, không phải tạo thế độc quyền trong thị trường vũ khí toàn cầu.

Mỹ có thể sẽ trừng phạt bất kỳ đối tác nào mua bán vũ khí với các quốc gia có khả năng đe dọa đến hệ thống quốc phòng của Mỹ, như với Nga và Trung Quốc, báo South China Morning Post  dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị - quân sự Clarke Cooper ngày 10-2.

“Chúng tôi không muốn cơ hội hợp tác sản xuất với các đối tác bị đe dọa vì Moscow hay Bắc Kinh có thể tìm cách, hoặc lợi dụng việc hợp tác nghiên cứu và sản xuất, hoặc đơn giản là đánh cắp các công nghệ và thông tin đặc biệt đó” - trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Cooper nói.

Ông Cooper nhắc đến hợp đồng mua bán hệ thống phòng không S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga là “ví dụ triệt để” cho cách áp dụng CAATSA. Ankara đã bị loại khỏi chương trình hợp tác phát triển máy bay chiến đấu tàng hình F-35, khiến cho nền công nghệ quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tổn thất hàng tỉ USD.

“Nếu một vũ khí nào đó được mua từ Nga có thể gây ra mối đe dọa, việc trừng phạt sẽ có thể được xem xét. Không có ngoại lệ và cũng không có phân biệt nào trong đối tượng áp dụng” - ông Cooper nói.

Mỹ cảnh cáo trừng phạt các nước mua vũ khí của Nga, Trung Quốc - 1

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị - quân sự Clarke Cooper, cảnh báo sẽ áp dụng Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt, không có ngoại lệ. Ảnh: THE NEW YORKER

Ông nhắc lại rằng “lựa chọn tốt nhất” vẫn là để Mỹ trở thành đối tác quốc phòng. Điều này sẽ góp phần phát triển thực chất quan hệ song phương và thỏa thuận sẽ bao gồm cả hợp tác huấn luyện và bảo dưỡng vũ khí sau chuyển giao. Đặc biệt, với các quốc gia Đông Nam Á, Mỹ còn mong muốn phát triển quan hệ và gia tăng hoạt động tại biển Đông.

“Việc này mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Các quốc gia ASEAN muốn đảm bảo một không gian khu vực vì sự phát triển thịnh vượng và ổn định, cũng như đảm bảo duy trì tự do hàng hải trong khu vực” - ông Cooper nhấn mạnh. 

Tuyên bố trên là phản hồi của ông Cooper trước câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Mỹ trong áp dụng Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) và cách tiếp cận của Washington đối với các nước mong muốn mua vũ khí trang bị của Nga và Trung Quốc.

Ông Cooper giải thích đạo luật CAATSA được Quốc hội thông qua để bảo vệ công nghệ được Mỹ chia sẻ với các đối tác, trong trường hợp các nước này có ý định phát triển vũ khí tương thích với nhiều hệ thống khác nhau.

Ông Cooper khẳng định mục đích của các biện pháp này là giảm thiểu mối đe dọa tiềm tàng đối với các “công nghệ độc đáo” do Mỹ phát triển chứ không phải tạo ra thế độc quyền trong thị trường vũ khí toàn cầu. 

Ông cũng nhấn mạnh Mỹ không có ý định thay đổi “cách tiếp cận thống nhất” trong xây dựng hệ thống quốc phòng riêng của các nước đối tác.

Theo Văn Kiếm

Pháp luật TP.HCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm