Mỹ càng trừng phạt, người Nga càng ủng hộ ông Putin
(Dân trí) - Bất chấp tình hình khó khăn sau các lệnh trừng phạt của Mỹ, những tín hiệu ban đầu cho thấy nhiều người Nga vẫn rất bình tĩnh trước những thách thức và không ngừng ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin.
Alexei Nikolayev, một trong 56 triệu cử tri bỏ phiếu cho Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc bầu cử hồi tháng 3, đã suy tính về những hậu quả có thể xảy ra với nước Nga khi đồng rúp bị yếu đi: bao gồm giảm bớt các khoản chi ở nước ngoài, giá cả trong nước tăng lên và một giai đoạn “thắt lưng buộc bụng” mới sẽ đến với nước Nga.
Tuy vậy, Nikolayev, nhà thiết kế đồ họa 56 tuổi, cho rằng phương Tây, chứ không phải Tổng thống Putin, mới là người phải chịu trách nhiệm về những hậu quả trên. Ông Nikolayev cũng không hối tiếc vì đã bỏ phiếu cho Tổng thống Putin - chính trị gia mà ông tin rằng sẽ là người đưa nước Nga vượt qua những giai đoạn thử thách.
“Thực sự tệ hại và không mấy dễ chịu, nhưng điều đó không làm thay đổi lập trường chính trị của tôi. Thực tế nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng điều đó cùng củng cố thêm những gì tôi suy nghĩ. Chính họ (phương Tây) đang tìm cách phá hoại nước Nga”, ông Nikolayev nói.
Chia sẻ của ông Nikolayev được đưa ra trong bối cảnh đồng rúp của Nga đã giảm 10% giá trị so với đồng USD kể từ cuối tháng 7, chủ yếu là do các lệnh trừng phạt mới của Mỹ áp đặt lên Moscow.
Theo nhà xã hội học Stepan Goncharov tại trung tâm khảo sát ý kiến dư luận Levada, nhiều người Nga cũng có chung quan điểm với ông Nikolayev, rằng Tổng thống Putin không phải là người chịu trách nhiệm cho những vấn đề mà Nga đang phải đối mặt.
Tại Nga, sự sụt giảm về giá trị của đồng rúp đã gây ra những khó khăn nhất định. Giá các mặt hàng nhập khẩu có thể sẽ tăng lên trong khi các chuyến đi nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn.
Irina Turina, phát ngôn viên của Liên hiệp Công nghiệp Du lịch Nga, cho biết các hãng lữ hành đã chứng kiến sự sụt giảm từ 10-15% về nhu cầu du lịch của người dân hồi tuần trước do sự thiếu ổn định của đồng rúp.
“Những người vẫn chưa thanh toán hết tiền cho chuyến nghỉ dưỡng của họ cũng vội vã trả nốt phần còn lại mặc dù họ không bắt buộc phải làm như vậy”, bà Turina nói với Reuters, đồng thời cho biết mọi người lo ngại rằng các hãng lữ hành sẽ tính toán lại số tiền chưa được thanh toán của khách theo tỉ lệ ngoại tệ cao hơn.
“Những người chưa đặt mua các gói du lịch đang tạm dừng để suy nghĩ thêm. Vấn đề ở đây không chỉ là khoản tiền cần thanh toán cho chuyến đi, mà bạn cũng phải tiêu tiền khi đi du lịch và có những nơi chỉ chấp nhận tiền USD”, bà Turina cho biết thêm.
Sự lạc quan
Bất chấp tình hình khó khăn sau các lệnh trừng phạt của phương Tây, những tín hiệu ban đầu cho thấy nhiều người Nga vẫn rất bình tĩnh, thậm chí sẵn sàng đương đầu với những thách thức từ sự sụt giảm của đồng rúp.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuần trước cho biết việc Mỹ áp lệnh trừng phạt với Nga không liên quan tới những động thái của Nga tại các “điểm nóng” như Ukraine hay Syria, mà xuất phát từ động cơ của Washington hòng kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế Nga.
Quan điểm trên của đại diện Bộ Ngoại giao Nga cũng nhận được sự đồng tình từ nhiều người Nga. Một số người khác thậm chí vẫn lạc quan ngay cả khi giá trị đồng rúp sụt giảm và không tỏ ra quá bất ngờ vì họ từng chứng kiến những việc như vậy xảy ra trước đây.
“Không có gì là mãi mãi, rốt cuộc mọi chuyện sẽ thay đổi. Mọi thứ luôn thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn. Tôi nghĩ những ngày tươi đẹp đó không còn xa nữa, tôi tin là như vậy”, Gennady Tsurkan, một người dân Moscow, chia sẻ.
Tình trạng mất giá của đồng rúp hiện nay được đánh giá là không nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng tiền tệ xảy ra với Nga vào thời điểm sau năm 2014. Khi đó, Nga từng phải đối mặt với sự xuống dốc của nền kinh tế đúng vào thời điểm nước này sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ.
So với 4 năm trước đây, tác động của sự mất giá tiền tệ hiện nay đối với Nga đã bớt nghiêm trọng hơn. Kể từ năm 2014, các công ty của Nga đã hạn chế các khoản vay từ nước ngoài. Nga cũng cắt giảm các khoản nợ tại thị trường phương Tây và nhập khẩu ít hơn số hàng hóa buộc phải thanh toán bằng đồng USD.
Mặc dù tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Putin bị giảm trong vài tháng gần đây, tuy nhiên các cuộc khảo sát dư luận cho thấy nguyên nhân xuất phát từ chính sách cải cách tiền lương hưu chưa ổn thỏa, chứ không phải do đồng rúp bị yếu đi.
Cũng theo kết quả từ các cuộc thăm dò, việc đồng rúp mất giá có thể tạo thêm tâm lý bất an trong nội bộ người dân Nga, tuy nhiên chưa thể kết luận đó sẽ là chất xúc tác tạo nên những cuộc biểu tình hay ảnh hưởng tới bối cảnh chính trị của Nga hiện nay dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin.
Ông Nikolayev, một người ủng hộ Tổng thống Putin, vẫn rất bình thản.
“Cũng giống như ánh nắng hay tuyết vậy. Tôi không thể can thiệp được vào chuyện đó. Có thể tôi sẽ phải uống một loại rượu khác. Có thể tôi sẽ chỉ được mua một đôi giày thay vì hai đôi. Mọi chuyện có thể tệ, nhưng sẽ không đến mức quá tồi tệ”, nhà thiết kế Nikolayev nhấn mạnh.
Thành Đạt
Tổng hợp