1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Vì sao ông Putin khôi phục tổng cục giáo dục lòng yêu nước cho binh sĩ Nga?

(Dân trí) - Trong một động thái được cho là nhằm khôi phục lại truyền thống của Liên Xô, Tổng thống Vladimir Putin gần đây đã ký sắc lệnh thành lập một tổng cục chính trị mới trong quân đội Nga với mục tiêu thúc đẩy “tinh thần yêu nước” của binh sĩ Nga.

Quân đội Nga diễu binh qua Quảng trường Đỏ (Ảnh: EPA)
Quân đội Nga diễu binh qua Quảng trường Đỏ (Ảnh: EPA)

Theo Straitstimes, sắc lệnh của Tổng thống Putin đã ảnh hưởng tới khoảng 1 triệu quân nhân Nga và là bằng chứng cho thấy Nga đang củng cố sức mạnh sau cuộc đối đầu kéo dài với phương Tây. Trong khi đó, Nga vẫn đang tiếp tục đầu tư mạnh cho lực lượng vũ trang.

Khoảng một thế kỷ trước đây, chính quyền Liên Xô cũng từng thành lập một tổng cục chính trị trong quân đội và nhiệm vụ duy nhất của các sĩ quan thuộc tổng cục này là đảm bảo rằng quân đội Liên Xô luôn trung thành với đảng cầm quyền. Mạng lưới các sĩ quan, những người chịu trách nhiệm tăng cường lòng yêu nước và sự trung thành của binh sĩ, tiếp cận rất sâu vào từng đơn vị trong quân đội Liên Xô. Họ giữ vị trí ngang hàng với chỉ huy của từng đơn vị và có hai nhiệm vụ chính: một là đảm bảo các chỉ thị của đảng đều được tuân thủ, hai là báo cáo về các trường hợp binh sĩ hoặc sĩ quan bị cho là “không đáng tin cậy về chính trị”.

Mạng lưới các sĩ quan thuộc tổng cục chính trị là lực lượng song song tách biệt trong quân đội Liên Xô và là cái nôi nuôi dưỡng các lãnh đạo chính trị. Cố Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev từng là một sĩ quan như vậy trong Thế chiến II. Tuy nhiên sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, tổng cục chính trị này cũng không còn nữa.

Việc Tổng thống Putin khôi phục lại tổng cục chính trị trong quân đội Nga với sứ mệnh thúc đẩy lòng yêu nước của các binh sĩ dường như xuất phát từ động lực thực tế hơn là về vấn đề tư tưởng.

“Trong bối cảnh thông tin toàn cầu hóa cùng tâm lý đối đầu với phương Tây như hiện nay, vai trò của sự đoàn kết về tinh thần cũng như tư tưởng chính trị trong quân đội và xã hội ngày càng trở nên quan trọng”, ông Alexander Kanshin, người từng là một trong những công tố viên hàng đầu của quân đội Nga và hiện là thành viên của ủy ban hoạch định chính sách quân đội, nhận định.

“Sự thành lập (tổng cục) này là cần thiết nhằm cải tổ về cơ bản và làm vững mạnh thêm cấu trúc chính trị của toàn bộ lực lượng vũ trang. Đơn vị này sẽ tổ chức, thực hiện và chịu trách nhiệm về mặt tư tưởng của quân đội Nga”, ông Kashin cho biết thêm.

Ông Viktor Bondarev, Chủ tịch ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga, cho rằng các thế lực thù địch đang tìm cách hạ uy tín và hình ảnh của nước Nga cũng như quân đội Nga, trong khi hiện chưa có cơ quan nào phụ trách về công tác giáo dục tư tưởng và lòng yêu nước cho binh sĩ như thời kỳ Liên Xô trước đây, do vậy tổng cục chính trị có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh quốc gia. Theo ông Bondarev, tinh thần yêu nước của quân đội Nga vẫn rất cao. Tuy nhiên, bối cảnh địa chính trị hiện nay đặt Nga vào những thách thức mới, do vậy cần hình thành cách tiếp cận có hệ thống về giáo dục tư tưởng, đạo đức và lòng yêu nước.

Quyết tâm của Tổng thống Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu (giữa) và cựu Tư lệnh Quân khu phía Tây Andrey Kartapolov tham gia lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Hải quân ở St. Petersburg. Ông Kartapolov nay được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Liên bang Nga (Ảnh: AFP)
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu (giữa) và cựu Tư lệnh Quân khu phía Tây Andrey Kartapolov tham gia lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Hải quân ở St. Petersburg. Ông Kartapolov nay được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Liên bang Nga (Ảnh: AFP)

Theo Dmitry Drize, phó tổng biên tập nhật báo Kommersant, việc Tổng thống Putin khôi phục chính ủy trong quân đội là dấu hiệu cho thấy “sự dần quay trở lại thời kỳ Liên Xô”. Từ năm 2005, ông Putin đã tuyên bố “sự sụp đổ của Liên Xô là thảm kịch địa chính trị chấn động nhất của thế kỷ”. Kể từ đó, ông Putin đã nỗ lực để khôi phục sức mạnh của Nga như thời kỳ Liên Xô trước đây.

Không chỉ sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ, chính quyền Tổng thống Putin cũng tìm cách ngăn Georgia, Ukraine và một số nước thuộc Liên Xô trước đây thắt chặt quan hệ với phương Tây. Nga cũng tham gia các cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu và là một bên trong tiến trình tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Syria.

Mặc dù Tổng thống Putin, người đồng thời giữ vai trò là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Nga, không tiết lộ về quy mô của tổng cục vừa thành lập, nhưng rõ ràng nhà lãnh đạo Nga coi đây là việc rất nghiêm túc. Theo sắc lệnh của Tổng thống Putin, Thượng tướng Andrey Kartapolov sẽ trở thành thứ trưởng Quốc phòng Nga kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Liên bang Nga.

Động thái trên của Tổng thống Putin diễn ra khi nhiều tổ chức thanh niên được thành lập tại Nga với mục đích kêu gọi giới trẻ nhập ngũ. Nổi bật trong số này là phong trào xã hội quân sự ái quốc trẻ toàn Nga Yunarmiya - một phong trào ngày càng lan rộng và được xem giống như một đơn vị quân sự thông thường của Nga.

“Đó là xu hướng quay trở về chủ nghĩa Liên Xô và làm dấy lên nhiều câu hỏi”, nhà báo quân sự Nga Aleksandr Golts nhận định.

Sáng kiến siết chặt kiểm soát tư tưởng chính trị trong quân đội Nga diễn ra đồng thời với sự mở rộng của lực lượng vũ trang. Ngân sách quốc phòng hiện tại của Nga ước tính khoảng 66 tỷ USD/năm. Tổng thống Putin hiện cũng không còn e ngại khi công bố tham vọng quân sự của Nga. Trong bài phát biểu gần đây, ông Putin xác nhận sẽ tăng cường sức mạnh của lực lượng hải quân Nga bằng việc biên chế thêm các tàu mới.

“Trong năm 2018, hải quân của chúng ta sẽ nhận 26 tàu mới, bao gồm cả các tàu chiến mang tên lửa hành trình Kalibr”, ông Putin nói, đề cập tới tên lửa từng được sử dụng trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria với khả năng bay ở tầm rất thấp và xuyên thủng hệ thống phòng không của đối phương.

Ngoài hải quân, các kế hoạch mở rộng đối với lực lượng không quân và mặt đất của Nga cũng đang được thực hiện. Theo giới phân tích quân đội Nga đang quyết tâm trở thành một lực lượng mà phương Tây phải dè chừng và đây cũng là chiến lược từng được sử dụng trong thời kỳ Liên Xô cũ.

Thành Đạt

Tổng hợp