1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ cần một "Ukraine" để xoay trục về Thái Bình Dương!

Với mục tiêu xoay trục về Châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ một lẫn nữa muốn quay trở lại và hiện diện tại khu vực đông đúc và phát triển nóng nhất thế giới hiện nay.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách xoay trục của Mỹ không chỉ đơn thuần là tiếp tục sát cánh cùng các nước đồng minh cũ, mở rộng và tăng cường ảnh hưởng, phụ thuộc với các đối tác mới; điều quan trọng là họ cần một lý do để đứng chân lâu dài và gây ảnh hưởng một cách mạnh mẽ. Một cuộc xung đột và phong trào cách mạng màu kiểu như cuộc chiến ở miền Đông Ukraine cũng là một lựa chọn không tồi với Mỹ.

Tất cả các cường quốc đều có không gian riêng và vùng đệm bất khả xâm phạm trong chiến lược địa chính trị của mình.
Tất cả các cường quốc đều có không gian riêng và vùng đệm bất khả xâm phạm trong chiến lược địa chính trị của mình.

Nhìn lại bản đồ địa chính trị rộng lớn của thế giới suốt hơn một thập kỷ qua, nếu chỉ là một người quan sát ở mức độ thường xuyên, không chuyên sâu. Chúng ta cũng có thể đưa ra một nhận định rằng: Ở bất kỳ điểm nóng xung đột nào mà Mỹ có dính líu, vai trò hòa giải của họ cũng khá mờ nhạt.

Trước tiên, hãy nhìn lại cuộc xung đột dài lê thê không biết khi nào mới kết thúc của Israel-Palestine mà Mỹ nhận “đỡ đầu” giải quyết. Sau bao nhiêu năm, nguyện vọng lập quốc và xác lập chính thể, những quyền và lợi ích cơ bản của người Palestine vẫn chỉ là ước mơ còn Israel thì cứ tiếp tục mở rộng mãi các khu định cư cho người Do thái.

Tiếp sau đó là cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, với hy vọng sẽ thoát khỏi ảnh hưởng của Nga và gia nhập vào ngôi nhà chung Châu Âu, xác lập những giá trị “tự do, dân chủ” kiểu Mỹ, một số người Ukraine đã mù quáng chống lại, tiêu diệt và cầm súng bắn thẳng vào đồng bào mình để giờ đây đất nước Ukraine xinh đẹp biến thành tan hoang, kinh tế lụi bại trong khi trông chờ một cách tuyệt vọng vào các đối tác phương Tây đang “ngó lơ” và người hùng “ban phát” dân chủ đang cố quay mặt đi hướng khác.

Và đương nhiên là bài học “tiền nhãn” của đất nước Syria, bị chia năm sẻ bảy, các phe cánh nổi lên, cuộc sống nhân dân lầm than, tan tác đến nỗi phải liều mình bỏ xứ đi tị nạn chỉ vì một lý do hết sức mơ hồ, được nghe phương Tây rao giảng các giá trị dân chủ phi thực tế.

Quay về hiện tại, khi Mỹ “xoay trục” về châu Á - Thái Bình Dương thì có người sẽ tin rằng Mỹ sẽ trở thành người duy trì hòa bình, giúp khu vực này ổn định. Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng: dựa theo các kết quả “tốt đẹp” mà Mỹ gây ra ở Trung Đông (Iraq, Libya, Syria,...) thời gian gần đây, thật khó để tin vào thiện chí của Mỹ.

Vậy Mỹ đang làm gì ở biển Đông? Ngoài việc “lên án mạnh mẽ” chỉ bằng những phát ngôn ngoại giao “suông” thì những hành động thực tế của họ không thể xem là nỗ lực để “tái cân bằng” với Trung Quốc. Có ý kiến nói Mỹ không còn đủ khả năng để chạy đua vũ trang với Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương, khi mà Mỹ còn đang căng mình đấu với Nga ở mặt trận Trung Đông và Đông Âu. Ý kiến khác thì nói Mỹ có thể có khả năng, nhưng họ vẫn đang chờ cơ hội “bùng nổ” cùng với một (vài) “con thiêu thân” nào đó, như trong các ván bài địa chính trị gần đây của Mỹ.

Tại Đông Âu, Mỹ có Gruzia và đặc biệt là Ukraine xung phong đấu với Nga để Mỹ chỉ đạo từ xa. Nhưng ở Thái Bình Dương, Mỹ vẫn “vật vã” để tìm cho ra một phiên bản Ukraine như vậy. Không chỉ các nước ASEAN mà ngay cả các đồng minh của Mỹ (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) cũng đều từ chối vai trò “xung kích trong mặt trận chống Trung Quốc”.

Nhà cầm quyền Ukraine (hậu cách mạng Maidan) từng tuyên bố rằng: “họ tình nguyện là tiền đồn chống Nga cho Mỹ và Châu Âu” nhưng Mỹ tìm đâu thấy một nhà cầm quyền nào “lý tưởng” như vậy ở Thái Bình Dương?

Tất nhiên, các láng giềng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương đều không lạ gì dã tâm của “chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh”. Nhưng họ cũng hiểu rằng đối phó với một láng giềng đang thời hùng mạnh như thế này thì “sự liều mạng của Chí Phèo” là không đủ. Nhật Bản - quốc gia có tranh chấp lãnh thổ trực tiếp với Trung Quốc - cũng theo đuổi chính sách đàm phán và giữ gìn ổn định khu vực chứ không leo thang quân sự với Trung Quốc (hoặc nếu có thì cũng rất kín đáo, thầm lặng).

Các quốc gia Đông Nam Á thì hầu như toàn bộ đều theo đuổi chính sách cân bằng quan hệ Mỹ - Trung. Chẳng có quốc gia nào là muốn giải quyết tranh chấp biển đảo với Trung Quốc bằng con đường mà Mỹ đang khơi gợi .

Làm những việc vừa sức và trong khả năng của mình, đó dường như là cách mà ASEAN chọn ứng xử để cố gắng hết sức giữ nguyên hiện trạng chứ không tự đẩy mình vào thế đối đầu trực diện với Trung Quốc một cách đầy rủi ro.

Sự xoay trục của Mỹ ở Biển Đông cả vùng Thái Bình Dương chỉ có thể trở nên hữu ích cho an ninh và ổn định ở khu vực nếu Mỹ từ bỏ chính sách ngàn đời là “lái buôn chiến tranh” của mình. Rõ ràng, nếu thực tâm muốn tái cân bằng với Trung Quốc ở Thái Bình Dương, Mỹ phải tận dụng sức mạnh sẵn có của mình để gây áp lực với Trung Quốc thay vì cứ “xúi giục, kích động” các bên như hiện tại.

Không có gì ngạc nhiên khi trong thời gian tới, Mỹ vẫn tiếp tục chiến thuật “nói nhiều, làm ít” để lôi kéo khu vực Thái Bình Dương vào cuộc chạy đua vũ trang không hồi kết với Trung Quốc. Đó luôn là chính sách địa chính trị của Mỹ và chính sách này hiện chưa thành công, vì một nguyên do cơ bản: chỉ còn thiếu một... “Ukraine” nữa thôi!

Theo

PetroTimes