1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ cần Ấn Độ để kìm Trung Quốc

Trung Quốc không thấy vui gì khi chứng kiến Mỹ - Ấn Độ tăng cường hợp tác đối phó mình. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 18-10 khẳng định chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn tăng cường hợp tác với Ấn Độ, xem nước này là đối tác quan trọng trước sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á.

New Delhi cần đóng vai trò lớn hơn

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở Washington hôm 18-10, ông Tillerson nhấn mạnh: "Quan hệ đối tác chiến lược mới nổi giữa New Delhi và Washington dựa trên cam kết chung của việc thực thi pháp luật quốc tế, tự do hàng hải, các giá trị toàn cầu và thương mại tự do. Những vấn đề an ninh khiến Ấn Độ lo ngại cũng sẽ là mối bận tâm của Mỹ".

Ông Tillerson kêu gọi Ấn Độ đóng vai trò an ninh lớn hơn ở khu vực khi cho rằng New Delhi và Washington cần hỗ trợ các quốc gia khác bảo vệ chủ quyền, xây dựng mối liên kết rộng hơn và có tiếng nói lớn hơn trong khu vực nhằm thúc đẩy lợi ích và sự phát triển kinh tế của họ.

Đáng chú ý, tuyên bố trên được đưa ra không lâu trước khi ông Tillerson dự kiến thăm Ấn Độ vào tuần tới và ngay sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình công bố những mục tiêu tham vọng mà Trung Quốc theo đuổi trong bài phát biểu khai mạc Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản hôm 18-10. Ngay cả khi ông Donald Trump dự kiến có chuyến thăm chính thức Bắc Kinh đầu tiên vào tháng tới, ông Tillerson vẫn không ngần ngại chỉ trích những hành động khiêu khích của Trung Quốc trên biển Đông là trực tiếp thách thức luật pháp và các quy tắc quốc tế mà Mỹ và Ấn Độ ủng hộ.

"Mỹ muốn có quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc nhưng chúng tôi sẽ không chùn bước trước những thách thức mà Trung Quốc gây ra với trật tự dựa trên các quy tắc hay khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của các nước láng giềng, gây bất lợi cho Mỹ và những người bạn của chúng tôi" - ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Chưa hết, ông Tillerson cảnh báo các nguồn tài trợ của Trung Quốc đang khiến các quốc gia phải gánh những khoản nợ "khổng lồ" và không tạo ra công ăn việc làm. Vì thế, ông cho biết Mỹ đã bắt đầu các cuộc thảo luận về việc tạo ra những lựa chọn thay thế đối với hoạt động tài trợ hạ tầng ở châu Á của Trung Quốc, dù không hé lộ chi tiết.


Tổng thống Donald Trump mừng lễ Diwali của Ấn Độ với các nhân viên cấp cao gốc Ấn tại Nhà Trắng hôm 18-10 Ảnh: PTI

Tổng thống Donald Trump mừng lễ Diwali của Ấn Độ với các nhân viên cấp cao gốc Ấn tại Nhà Trắng hôm 18-10 Ảnh: PTI

Chia sẻ nỗi lo về BRI

Nói về bài phát biểu trên, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở là ưu tiên hàng đầu của cả Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Tillerson, trong đó Ấn Độ đóng vai trò quan trọng. Theo trang Business Standard (Ấn Độ), bài phát biểu của ông Tillerson là kết quả của nhiều tháng thảo luận trong lòng chính phủ Mỹ về cách tiếp cận tốt nhất để xử lý thử thách và tận dụng cơ hội ở Nam Á.

Ông Rick Rossow, một chuyên gia về chính sách Mỹ - Ấn tại CSIS, cho rằng những gì ông Tillerson phát biểu cho thấy Mỹ ủng hộ lập trường của Ấn Độ đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Theo chuyên gia này, Ấn Độ là quốc gia đầu tiên công khai bày tỏ nỗi lo về những dự án phát triển nói chung liên quan đến BRI, nhất là Hành lang kinh tế Pakistan - Trung Quốc. Việc Mỹ không hài lòng về BRI cũng cho thấy điểm chung giữa Washington và New Delhi về chính sách khu vực.

Dĩ nhiên là Trung Quốc không thấy vui gì khi chứng kiến Mỹ - Ấn Độ tăng cường hợp tác đối phó mình. Phản ứng trước bài phát biểu của ông Tillerson, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington khẳng định Bắc Kinh đóng góp và bảo vệ trật tự thế giới dựa trên các quy tắc và tìm cách tăng cường hợp tác quốc tế. "Chúng tôi không bao giờ tìm kiếm bá quyền, bành trướng hay theo đuổi sự phát triển bằng cách gây tổn hại đến lợi ích của nước khác" - tuyên bố Đại sứ quán Trung Quốc nêu rõ.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ hy vọng Mỹ từ bỏ thành kiến khi đánh giá các hành động của Bắc Kinh ở nước ngoài.

Theo Sim Đỗ

Người lao động