1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ cam kết bảo vệ từng tấc đất NATO

Minh Phương

(Dân trí) - Trong bối cảnh quan hệ Nga - phương Tây leo thang, Mỹ cam kết sẽ "bảo vệ từng tấc đất" của các thành viên NATO.

Mỹ cam kết bảo vệ từng tấc đất NATO - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc họp với lãnh đạo nhóm B9 gồm các nước ở sườn đông NATO hôm 22/2 (Ảnh: AP).

"Cam kết của Mỹ với NATO rất rõ ràng. Điều khoản 5 (Hiến chương NATO) là một cam kết thiêng liêng mà Mỹ đã đưa ra. Chúng tôi sẽ bảo vệ theo đúng nghĩa đen từng tấc đất của NATO, từng tấc đất của NATO", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu hôm 22/2.

Tuyên bố được đưa ra trước thềm cuộc họp của Tổng thống Biden với lãnh đạo 9 nước gồm Bulgaria, Cộng hòa Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania, Slovakia (nhóm B9) ở sườn đông NATO và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Warsaw, Ba Lan.

Chủ nhân Nhà Trắng cũng nhấn mạnh, lãnh đạo nhóm B9 là "tuyến đầu" trong phòng thủ tập thể của NATO.

Điều 5 trong Hiến chương NATO nêu rõ, bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào một hoặc nhiều quốc gia thành viên NATO sẽ bị coi là chống lại toàn bộ liên minh quân sự gồm 30 thành viên do Mỹ dẫn dắt. Điều khoản phòng thủ tập thể của NATO mới chỉ được kích hoạt một lần, sau vụ tấn công khủng bố ở Mỹ vào ngày 11/9/2001. Các lực lượng của NATO sau đó đã được triển khai tới Afghanistan.

Trong thông cáo chung sau cuộc họp hôm qua, các lãnh đạo nhóm B9 nhấn mạnh, họ ủng hộ NATO tăng cường hiện diện quân sự trên lãnh thổ đất nước họ nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ Nga. Thông cáo cũng nói rằng, các nước này coi Nga là mối đe dọa trực tiếp và lớn nhất đến an ninh.

Ngoài ra, thông cáo cũng khẳng định lại sự ủng hộ dành cho Ukraine. "Ukraine có quyền chính đáng đối phó các hành động quân sự của Nga để giành lại toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực của Ukraine đến cùng, chừng nào còn cần thiết", tuyên bố chung cho hay.

Tuyên bố chung có chữ ký của đại diện Hungary, quốc gia phản đối một số lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu nhằm vào Nga. Trước cuộc họp hôm qua, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto kêu gọi ngừng bắn và hòa đàm ở Ukraine để ngăn chặn xung đột leo thang và lan rộng.

Nhà Trắng hôm qua cũng ra thông cáo cho biết, Mỹ và nhóm B9 ủng hộ và hỗ trợ Ukraine, người dân Ukraine đến khi cần.

Cuộc họp giữa Mỹ và các đồng minh, đối tác diễn ra trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine tiếp tục chiều hướng leo thang. Hôm 20/2, ông Biden bất ngờ có chuyến thăm Kiev và khẳng định cam kết hỗ trợ Ukraine.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong Thông điệp liên bang ngày 21/2 cáo buộc phương Tây châm ngòi cho cuộc chiến ở Ukraine. Ông nói, phương Tây đã phớt lờ những quan ngại của Moscow về việc NATO mở rộng hiện diện quân sự, đe dọa đến an ninh quốc gia của Nga. Do vậy, Moscow "không còn lựa chọn nào khác" ngoài chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Các mốc chính trong chiến sự Nga - Ukraine

Tháng 2/2022: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.

Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.

Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.

Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov. Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.

Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk. Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.

Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.

Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ. Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.

Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.

Ngày 8/10, cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm. Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.

Tháng 11: Sau khi bị Ukraine cắt đứt đường tiếp tế hậu cần, Nga buộc phải rút quân khỏi thành phố Kherson ở chiến trường miền Nam về bờ phía đông sông Dnipro.

Tháng 12: Tiền tuyến không có nhiều sự thay đổi lớn. Nga phải đối mặt với nhiều vụ tấn công nhằm vào cơ sở quân sự sâu trong lãnh thổ. Moscow cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ việc.

Tháng 1/2023: Nga dồn lực tấn công vào chiến trường miền Đông, quyết kiểm soát các khu vực trọng yếu từ tay Ukraine, đặc biệt là Bakhmut. Nga đã giành được một số khu vực lân cận, tạo thế gọng kìm quanh Bakhmut.

Phương Tây viện trợ các xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Trước đó, Mỹ và các nước châu Âu đã hỗ trợ Kiev nhiều khí tài, như hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS.

Theo Fox News, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine