Mỹ bị cô lập ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vì quyết định Golan
(Dân trí) - Mỹ đã vấp phải chỉ trích của các nước tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 27/3 vì quyết định của Tổng thống Donald Trump công nhận cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 27/3 đã triệu tập cuộc họp khẩn theo đề nghị của Syria liên quan đến những tranh cãi về quyết định của Mỹ công nhận cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel hồi đầu tuần.
Trong thư đề nghị triệu tập cuộc họp, Syria gọi quyết định của Mỹ là "vi phạm trắng trợn" các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Tại cuộc họp, Phó Đại sứ Nga Vladimir Safronkov cho rằng, quyết định của Mỹ là vi phạm nghị quyết Liên Hợp Quốc và có thể gây ra bất ổn ở Trung Đông. Đại sứ Anh Karen Pierce cũng nói rằng, quyết định của Mỹ trái với quyết định năm 1981.
Trước đó, các thành viên EU trong Hội đồng Bảo an, gồm Anh, Pháp, Đức, Bỉ và Ba Lan, cũng bày tỏ quan ngại về "những hậu quả lớn khi công nhận việc sáp nhập cao nguyên Golan vào lãnh thổ Israel cũng như hậu quả đối với khu vực".
Các nước Ả rập gồm Ả rập Xê út, UAE, Bahrain, Qatar và Kuwait chỉ trích quyết định của Mỹ về cao nguyên Golan và nói rằng đây là lãnh thổ của Ả rập bị chiếm đóng.
Israel chiếm đóng cao nguyên Golan từ Syria trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967 và sáp nhập khu vực này vào lãnh thổ năm 1981 nhưng không được quốc tế công nhận.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình từ năm 1974 để giám sát lệnh ngừng bắn giữ Syria và Israel ở cao nguyên Golan.
Tại cuộc họp hôm qua, nhà ngoại giao Mỹ Rodney Hunter khẳng định, quyết định công nhận cao nguyên Golan thuộc Israel không ảnh hưởng đến lệnh ngừng bắn này hay ảnh hưởng đến việc triển khai sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở đây.
Trong một động thái đảo ngược chính sách hàng chục năm qua của Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25/3 đã ký sắc lệnh chính thức công nhận cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel.
Quyết định này ngay lập tức đã kéo theo làn sóng giận dữ của thế giới Ả rập cũng như hàng loạt quốc gia trên thế giới. Nhiều chính khách cảnh báo, quyết định đó có thể làm leo thang căng thẳng ở Trung Đông.
Minh Phương
Theo Reuters