1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ bật đèn xanh cho đặc nhiệm nữ

Các vụ tấn công tình dục trong quân đội Mỹ có thể liên quan đến lệnh cấm phụ nữ trực tiếp tham chiến lâu nay.

Giới lãnh đạo quân sự Mỹ đang sẵn sàng phá bỏ những rào cản cuối cùng để mở đường cho phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các nhiệm vụ chiến đấu trong tương lai không xa.
 
Nữ binh sĩ Mỹ huấn luyện tại căn cứ quân sự Fort Campbell ở bang Kentucky
Nữ binh sĩ Mỹ huấn luyện tại căn cứ quân sự Fort Campbell ở bang Kentucky
Ảnh: AP

Sẽ có nữ biệt kích hải quân?

Theo kế hoạch được Lầu Năm Góc công bố ngày 18-6, phụ nữ Mỹ có thể được huấn luyện để tham gia lực lượng đặc nhiệm Ranger thuộc lục quân vào năm 2015 và trở thành biệt kích hải quân (SEAL) 1 năm sau đó. Theo hãng tin AP, kế hoạch này kêu gọi thiết lập những tiêu chuẩn như nhau về mặt thể chất và tinh thần cho cả nam và nữ để gia nhập các lực lượng đặc nhiệm nhất định trong quân đội. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chuck Hagel đã ra lệnh xúc tiến kế hoạch.

 Những tiêu chuẩn cho phép phụ nữ tham gia lực lượng đặc nhiệm Ranger sẽ được ban hành vào tháng 7-2015, theo kế hoạch. Nếu được bật đèn xanh, tháng 3-2016 sẽ là thời điểm để những phụ nữ đủ tiêu chuẩn có thể bắt đầu huấn luyện thành biệt kích hải quân. Các lãnh đạo quân sự cũng đề xuất đưa một số nữ sĩ quan cao cấp sang các lực lượng đặc nhiệm để bảo đảm số thành viên nữ trẻ và có cấp bậc thấp hơn nhận được sự hỗ trợ trong quá trình huấn luyện.

Riêng hải quân Mỹ có ý định cho phụ nữ tham gia huấn luyện trong lực lượng ven sông của mình vào tháng tới với mục tiêu triển khai họ làm nhiệm vụ vào tháng 10. Dù không phải là đơn vị đặc nhiệm nhưng lực lượng ven sông có tham gia cận chiến và tiến hành các chiến dịch an ninh trên thuyền nhỏ. Đến tháng 7-2014, hải quân dự kiến hoàn tất cuộc nghiên cứu về việc cho phép phụ nữ tham gia lực lượng SEAL.

Không dừng lại ở đó, quân đội Mỹ còn đang tính toán phí tổn của việc mở cửa đón phụ nữ vào các lực lượng đặc nhiệm, nhất là những vị trí trên tàu hải quân. Lý do là thiết kế của nhiều tàu loại này không đáp ứng đủ nhu cầu riêng tư của phụ nữ nên cần có sự chỉnh sửa.

Lệnh cấm gây bất bình đẳng

Kế hoạch trên được đưa ra theo sau hàng loạt vụ tấn công tình dục trong các lực lượng vũ trang Mỹ. Đầu năm nay, tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nhận định các vụ tấn công tình dục có thể liên quan đến lệnh cấm phụ nữ trực tiếp chiến đấu lâu nay. Theo ông, lệnh cấm này tạo ra sự bất bình đẳng giới trong quân ngũ, dẫn đến thái độ thiếu tôn trọng phụ nữ.

Vào tháng 1-2013, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó là ông Leon Panetta và tướng Dempsey đã ký lệnh dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ tham gia chiến đấu trực tiếp. Quyết định trên phản ánh thực tế chiến trường ở Iraq và Afghanistan, nơi phụ nữ dù không tham chiến nhưng vẫn được giao những vai trò như quân y, quân cảnh và sĩ quan tình báo ngoài chiến trường. Trong số hơn 6.700 quân nhân Mỹ thiệt mạng ở Iraq và Afghanistan, khoảng 150 người là phụ nữ.

Phụ nữ hiện chiếm khoảng 14% trong số 1,4 triệu quân nhân thường trực của Mỹ. Hơn 280.000 phụ nữ đã được phái đến Iraq, Afghanistan và những nước láng giềng để hỗ trợ cho 2 cuộc chiến này. Vào năm ngoái, quân đội Mỹ “mở cửa” khoảng 14.500 vị trí cho phụ nữ. Dù vậy, phụ nữ vẫn chưa được phép đảm nhận phần lớn trong số gần 240.000 việc làm trong quân đội Mỹ, nhất là công việc trong những đơn vị thường hoạt động gần chiến trường.

Theo Hoàng Phương
Người Lao Động