Mỹ - Ấn Độ ký các thỏa thuận quan trọng sau thảm đỏ ở Washington
(Dân trí) - Trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hàng loạt thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực như chất bán dẫn, khoáng sản, công nghệ, không gian và quốc phòng đã được ký kết.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Narendra Modi đã ca ngợi "một kỷ nguyên mới" trong mối quan hệ giữa hai quốc gia sau khi Nhà Trắng trải thảm đỏ đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 22/6 giờ địa phương.
"Hai quốc gia vĩ đại, hai người bạn lớn và hai cường quốc. Chúc mừng", Tổng thống Biden nói với Thủ tướng Modi trong bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước.
Mặc dù hai nước không phải là đồng minh chính thức theo hiệp ước và mối quan hệ hai bên đôi khi căng thẳng, nhưng Washington muốn New Delhi trở thành một đối trọng chiến lược nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.
Mặc dù không nhà lãnh đạo nào trực tiếp chỉ trích Bắc Kinh trong các tuyên bố chính thức, nhưng theo các nguồn tin, cả hai đều ám chỉ Bắc Kinh.
"Những đám mây đen của sự ép buộc và đối đầu đang phủ bóng đen ở Ấn Độ- Thái Bình Dương", ông Modi nói. "Sự ổn định của khu vực đã trở thành một trong những mối quan tâm chính trong quan hệ đối tác của chúng ta", nhà lãnh đạo này nhấn mạnh thêm.
Sau cuộc hội đàm riêng trong hơn 2 giờ, cả hai bên đã ra tuyên bố chung, trong đó bao gồm cảnh báo về căng thẳng gia tăng và các hành động gây bất ổn ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và tự do hàng hải.
"Những thách thức và cơ hội mà thế giới phải đối mặt trong thế kỷ này đòi hỏi Ấn Độ và Mỹ phải hợp tác và cùng nhau lãnh đạo", Tổng thống Biden nói khi chào đón ông Modi đến Nhà Trắng.
Bữa tối cấp nhà nước, được tổ chức trong một lều lớn trên bãi cỏ phía Nam của Nhà Trắng, có sự góp mặt của một số giám đốc điều hành ở Thung lũng Silicon bao gồm CEO Tim Cook của Apple, CEO Sundar Pichai của Google, CEO Sam Altman của OpenAI...
Với bữa tối mang hơi hướng Ấn Độ, Tổng thống Biden đã theo truyền thống của Nhà Trắng là phục vụ khách nước ngoài những món ăn mang âm hưởng quê nhà với hương vị Mỹ.
Hàng loạt thỏa thuận quan trọng
Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ nhưng mối quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc, EU và các nước láng giềng Bắc Mỹ còn lớn hơn rất nhiều.
Vì vậy, với chuyến thăm này, Thủ tướng Modi đang tìm cách nâng cao vị thế của Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,4 tỷ người và là nền kinh tế lớn thứ 5 trên trường thế giới với tư cách là một cường quốc sản xuất và là nhà ngoại giao trong khi điều hướng mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc.
Và thành quả đạt được là hàng loạt thỏa thuận đã được ký kết trong các lĩnh vực chất bán dẫn, khoáng sản quan trọng, công nghệ, hợp tác không gian, trong đó có các thỏa thuận về quốc phòng và thương mại nhằm chống lại ảnh hưởng trên toàn cầu của Trung Quốc.
Trong đó, về thương mại, cả hai nhất trí chấm dứt 6 vụ mâu thuẫn tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ấn Độ cũng đồng ý dỡ bỏ thuế suất đối với các sản phẩm của Mỹ như đậu gà và táo.
Ấn Độ cũng nhất trí tham gia sáng kiến Đối tác An ninh khoáng sản (MSP) do Mỹ dẫn đầu nhằm tạo ra chuỗi cung ứng cho nguồn nguyên liệu này. Ngoài ra, công ty Epsilon Carbon của Ấn Độ sẽ đầu tư 650 triệu USD xây dựng nhà máy về linh kiện pin xe điện, thuê hơn 500 nhân viên trong 5 năm. Theo Nhà Trắng, sau khi được phê chuẩn, cơ sở này sẽ là khoản đầu tư lớn nhất của Ấn Độ vào ngành pin xe điện của Mỹ.
Trong khi đó, hãng sản xuất chíp Micron Technology của Mỹ sẽ đầu tư 825 triệu USD vào một nhà máy thử nghiệm và lắp ráp chíp mới tại bang Gujarat của Ấn Độ và tổng mức đầu tư có thể lên đến 2,75 tỷ USD.
Về đầu tư năng lượng mặt trời, một công ty mới do hãng sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời Vikram Solar của Ấn Độ hậu thuẫn thông báo sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD vào chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời Mỹ, đầu tiên là xây một nhà máy tại bang Colorado trong năm 2024.
Về lĩnh vực quốc phòng, hai bên ký một thỏa thuận cho phép công ty General Electric sản xuất động cơ phản lực ở Ấn Độ để cung cấp năng lượng cho máy bay quân sự của Ấn Độ, thông qua một thỏa thuận với Hindustan Aeronautics. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ phê chuẩn hợp đồng mua 31 máy bay không người lái MQ-9B SeaGuardian của General Atomics của Mỹ với giá khoảng hơn 3 tỷ USD.
Ấn Độ cũng đồng ý tham gia Hiệp định Artemis do Mỹ đứng đầu về thám hiểm không gian và hợp tác với NASA trong sứ mệnh chung tới Trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2024.
Ngoài ra, cả hai cũng nhất trí thiết lập Cơ chế phối hợp lượng tử Ấn-Mỹ nhằm thúc đẩy nghiên cứu chung giữa lĩnh vực công và tư của hai nước trong mảng công nghệ máy tính tiên tiến.