1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ - Ấn Độ: Đồng mộng, đã đủ để đồng sàng?

(Dân trí) - Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến công du Ấn Độ 4 ngày để “hâm nóng” quan hệ ngoại giao và thúc đẩy thương mại song phương. Ông Biden muốn khơi dậy những quan tâm chung với Ấn Độ trong một khu vực có sự nổi lên đáng lo ngại của Trung Quốc.

Giới chức Mỹ đang nỗ lực kéo Ấn Độ thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Giới chức Mỹ đang nỗ lực kéo Ấn Độ thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Đây là vị Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Ấn Độ trong 3 thâp kỷ qua với trọng tâm bàn thảo về các vấn đề địa chính trị. Vì vậy, trong suốt chuyến thăm kéo dài 4 ngày, vị “phó tướng” của chính quyền Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần khẳng định quyết tâm của Washington đẩy mạnh chính sách “tái cân bằng châu Á” nhằm không để Trung Quốc chiếm thế thượng phong ở khu vực. Trong cuộc dịch chuyển an ninh này, Ấn Độ được Mỹ coi là nhân tố có vai trò lớn.

Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, hai bên đã thảo luận một loạt vấn đề quan trọng, từ quan hệ thương mại đầu tư đến chương trình hạt nhân dân sự. Ông Biden bày tỏ cam kết của Tổng thống Obama và cá nhân ông trong việc mở rộng quan hệ Mỹ - Ấn, đồng thời nhấn mạnh chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ sẽ bổ sung cho chính sách “tái cân bằng châu Á” của Mỹ. Theo kế hoạch, trong 10 năm tới, Mỹ sẽ tái cơ cấu sức mạnh quân sự từ châu Âu và Đại Tây Dương về châu Á - Thái Bình Dương theo tỷ lệ 40/60.

Đây không phải lần đầu Mỹ nỗ lực “hâm nóng” quan hệ với Ấn Độ. Từ năm 2010, ông Obama đã là Tổng thống Mỹ đầu tiên ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông Obama cũng là người đã mạnh dạn từ bỏ chính sách trước đây của Mỹ phản đối Ấn Độ tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Bên cạnh đó, Đối thoại chiến lược Mỹ - Ấn, được bắt đầu từ năm 2011, đã đạt được hàng loạt thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng và từ đầu năm 2012, chiến lược quốc phòng của Mỹ cũng đã khẳng định tầm quan trọng của “quan hệ đối tác chiến lược lâu dài” với Ấn Độ nếu Mỹ muốn đạt được mục tiêu tái cân bằng ở châu Á- Thái Bình Dương.

Nguyên nhân sâu xa phía sau giai đoạn “nồng ấm” trong quan hệ ngoại giao này là sự nổi lên của Trung Quốc tại khu vực. Nói cách khác, Washington mong muốn dùng “bàn tay” của New Delhi để góp phần kiềm chế sự vươn lên có phần hung hãn của Bắc Kinh.

“Giấc mộng” này của Mỹ dường như đã nhận được đồng cảm và chia sẻ từ Ấn Độ, khi bản thân New Delhi cũng không mấy mặn mà với việc Bắc Kinh “ngồi chiếu trên” ở khu vực. Sở dĩ là vì mối quan hệ Ấn - Trung trước nay vẫn nóng lạnh thất thường, hữu nghị trước mặt song ngấm ngầm cạnh tranh sau lưng.

Cụ thể, tại các diễn đàn chính thức, hai bên vẫn bày tỏ nguyện vọng quan hệ hữu nghị song trên thực tế, quan hệ giữa hai nước vẫn luôn tồn tại nhiều vấn đề nan giải, trong đó có tranh chấp biên giới và mối quan hệ ngày càng thân thiện của Trung Quốc với Pakistan. Về biên giới, từ năm 2006 đến nay, Ấn Độ đã phải chịu nhiều sức ép từ Trung Quốc ở  khu vực Arunachal Pradesh và biên giới tự nhiên trên dãy Himalaya. Trước đó, chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ cũng góp phần tạo ra những tình huống cạnh tranh tiềm ẩn với Trung Quốc, chẳng hạn như việc hai nước tranh giành đầu tư ở Myanmar, hay việc Ấn Độ tổ chức tập trận tại vịnh Bengal và mở rộng ảnh hưởng ở Biển Đông.

Với những khúc mắc trên, rõ ràng New Delhi có thể chia sẻ được cảm giác “khó ở” của Washington trước viễn cảnh Trung Quốc tiếp tục bành trướng và tăng cường hiện diện tại khu vực. Tuy nhiên, vẫn khó để có thể tin rằng giấc mộng về một Trung Quốc bị kiềm chế đã là một chất kết dính đủ mạnh để kéo Mỹ và Ấn Độ xích lại gần nhau trong một liên minh chiến lược.

Trước hết là ản chất liên kết ngoại giao giữa Ấn Độ và Mỹ tồn tại sẵn những khác biệt, do những tham vọng chính trị trong nước cũng như lịch sử mất lòng tin giữa hai bên.

Kể từ khi giành độc lập từ Anh vào năm 1947, Ấn Độ chưa bao giờ có được mối quan hệ ngọt ngào với Mỹ xuất phát từ việc New Delhi giữ thái độ trung lập trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Mối quan hệ này trở nên nhạy cảm hơn khi Ấn Độ mua vũ khí của Liên Xô và sau này là Nga, trong khi Mỹ lại bán vũ khí cho quốc gia Pakistan láng giềng khó chịu của Ấn Độ.

Ngay hiện tại, khi quan hệ song phương đã được nâng tầm lên thành “Quan hệ đối tác” nhưng New Delhi cũng không tán thành nhiều quan điểm của Nhà Trắng trong vấn đề ngoại giao quốc tế, như chủ trương cứng rắn đối với chương trình hạt nhân của Iran hay việc rút quân khỏi Afghanistan. Đó là chưa kể việc Ấn Độ cũng đang nghi ngờ Mỹ không thực sự bảo vệ lợi ích cốt lõi của Ấn Độ. Trong quan hệ song phương, Ấn Độ nhận thức đầy đủ rằng Mỹ có những tính toán riêng của mình và rằng, liên kết New Delhi - Washington chủ yếu nhằm mục đích giúp Mỹ bảo vệ các lợi ích chiến lược ở Afghanistan, hay truyền bá các giá trị và nguyên tắc của phương Tây ở châu Á chứ không phải để bảo vệ các lợi ích của Ấn Độ.

Trong khi đó, khi xét về quan hệ Trung - Ấn, bên cạnh những mâu thuẫn và cạnh tranh phức tạp, không thể phủ nhận hai quốc gia láng giềng vẫn chia sẻ một số lợi ích chiến lược chung, một phần xuất phát từ vị trí địa chính trị gần gũi.

Với mong muốn duy trì chính sách tránh xung đột với nước láng giềng lớn, Niu Delhi luôn đề cao sự ổn định trong quan hệ với Bắc Kinh. Điều này không chỉ giúp New Delhi tạo dựng được sân chơi chung về cả kinh tế và chính trị ở cấp khu vực cũng như quốc tế, mà còn giúp đẩy mạnh hơn nữa cấp độ hợp tác giữa hai cường quốc đang phát triển vốn đã trở thành đối tác chiến lược của nhau trong nhiều vấn đề quốc tế. Không thể phủ nhận là Trung Quốc và Ấn Độ đã tìm thấy nhiều điểm chung tại các diễn đàn toàn cầu về chống biến đổi khí hậu, cải cách hệ thống tài chính quốc tế... Hiện tại, Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Ấn Độ với các hợp đồng trị giá hàng chục tỷ USD mỗi năm và trong tương lai thậm chí còn có thể trở thành đối tác lớn hơn.

Với những lợi ích và xung đột đan cài phức tạp với Mỹ và Trung Quốc như vậy, có thể hiều vì sao chính quyền New Delhi trong nhiều năm qua vẫn duy trì thế đứng tương đối trung lập giữa hai “ông lớn” Mỹ và Trung Quốc.

Vì thế, trong quá trình tìm kiếm đối tác cho chiến lược “tái cân bằng châu Á”, Mỹ không nên quá hy vọng vào Ấn Độ cho dù thời gian gần đây New Delhi có dấu hiệu xích lại gần Mỹ và xa rời Trung Quốc vì những lo ngại an ninh do Bắc Kinh tạo ra. Giới phân tích cho rằng, dù New Delhi ít phải ứng chịu thách thức từ Washington hơn là từ Bắc Kinh, song Ấn Độ cũng sẽ chỉ xích lại gần Mỹ ở giới hạn vừa đủ để áp ứng lợi ích quốc gia.

Về bản chất, tam giác Mỹ-Ấn-Trung đang tiến hành một cuộc chơi phức tạp theo hướng vừa hợp tác vừa kiềm chế, vừa củng cố lòng tin chiến lược song vẫn nghi ngại lẫn nhau. New Delhi có thể chia sẻ giấc mộng kiềm chế Trung Quốc của Mỹ, song cũng sẽ không sẵn sàng “ngồi lên cùng một chiếu” với Washington.

Đức Vũ