1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đánh giá tình hình thế giới hiện nay:

Mức độ phức tạp mới

Mặc dù trên danh nghĩa đã “rửa tay gác kiếm” từ lâu, nhưng cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger ở tuổi 92 vẫn luôn luôn bận bịu với công việc liên quan tới chính trị quốc tế.

Mức độ phức tạp mới - 1

Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger.

Không ít những nguyên thủ quốc gia tới thăm Mỹ tìm kiếm cơ hội tiếp xúc với ông để đàm đạo về các chủ đề mà họ biết ông có thể đưa ra được các ý kiến bổ ích. Mặc dầu sức không còn khỏe nhưng Kissinger vẫn tiếp tục viết sách, diễn thuyết trong các hội thảo và trả lời phỏng vấn báo chí.

Mới đây, ông đã tiếp hai phóng viên Gabor Steingart và  Astrid  Dorner  của tờ báo Đức Handelsblatt để đưa ra những nhận định của mình về tình hình quốc tế hiện nay.

Handelsblatt: Thưa ông Kissinger, sau khi cuốn sách của ông “Trật tự thế giới” được ấn hành thì trên thế giới lại chỉ gia tăng thêm những sự thiếu trật tự – và nó càng ngày càng trở nên mông muội, tàn bạo và hỗn loạn. Đâu là những động lực tạo ra khủng hoảng đó?

Henry Kissinger: Cuốn sách của tôi rất nhiên không phải là sự tiên đoán tương lai trực tiếp. Tôi đã thử mô tả một trạng thái và những nguy cơ có thể liên đới với nó. Chính vì thế nên tôi không ngạc nhiên khi hiện tại trên thế giới lại nảy nòi thêm tình trạng thiếu trật tự nhiều hơn.

Theo ý kiến của tôi, chuyện liên quan tới những vấn đề nền tảng: lần đầu tiên trong lịch sử trên những châu lục khác nhau lại diễn ra cùng một lúc những sự kiện như thế. Con người biết được những gì diễn ra ở khu vực này hay khu vực khác của thế giới trong bất cứ thời điểm nào. Điều đó đẩy nhanh và làm phức tạp hóa tất cả các quá trình.

Thứ hai, tại các khu vực khác nhau của thế giới đang diễn ra những thay đổi rất khác nhau. Chúng không có những đặc thù chung. Và vì thế, cũng không có những nguyên tắc chung để theo đó mà tìm cách giải quyết những vấn đề này.

Tuy thế, tình trạng đối địch giữa phương Đông và phương Tây, cũng như xung đột giữa phương Bắc với phương Nam, đều cùng có một cơ chế gần như đã rất rõ ràng và vì thế có thể đoán định trước được. Khu vực nào đang khiến ông cảm thấy lo lắng nhất?

- Trung Đông! Tại đó đã có 3 hay 4 cuộc cách mạng xảy ra đồng thời.  Giờ ở đó đang tồn tại những cuộc xung đột nhằm chống lại các quốc gia hiện hữu, những cuộc xung đột giữa các giáo phái, các sắc tộc, cũng như những cuộc xung đột đã vượt ra ngoài ranh giới này hay ranh giới khác. Và còn thêm những cuộc tấn công vào cả một hệ thống. Tất cả những chuyện như thế đang diễn ra ở cùng một khu vực đó!

Trung Quốc cũng đang nổi lên…

- Trung Quốc đang ngày một trở nên hùng mạnh hơn, tạo ra những thay đổi thế cân bằng đang tồn tại trên trường quốc tế. Cũng phải nói thêm rằng, chính người Trung Quốc cũng đang phải trải qua những thay đổi lớn.

Nước Nga của ông Putin đang quay trở lại vũ đài toàn cầu.

- Nước Nga lại thêm một lần tìm lại vai trò của mình trong một bầu không khí không quen thuộc. Và chuyện đó có thể tạo ra thêm một vấn đề đối với phương Tây.

Ông nói thế có nghĩa là gì?

- Châu Âu hiện đại so với một trăm năm trước đã thay đổi đến không còn nhận ra được nữa. Nó đang tiến tới một hình thái thống nhất mới nào đó nhưng hiện vẫn chưa thể tạo ra hình ảnh chính trị cho nỗ lực đó. Châu Âu vẫn chưa tạo ra được chiến lược dài hạn cho sự phát triển của chính mình. Hiện nay tất cả những yếu tố đó đã trùng hợp theo thời gian. Tôi nhìn thấy ở trong đó một mức độ phức tạp mới.

Ông trong cuốn sách “Trật tự thế giới” của mình đã viết về những mối đe dọa nảy sinh từ tình trạng hỗn loạn và sự tùy thuộc lẫn nhau chưa từng thấy trước đây giữa các quốc gia khác nhau. Liệu có phải nói tới việc các xã hội Tây phương đã quá chật chội hay đã đổ vỡ hoàn toàn?

- Dù gì thì cho tới thời điểm hiện nay các phía khác nhau vẫn chưa thống nhất được về cách hiểu chung đối với những cuộc khủng hoảng đang diễn ra và về sự phân tích chung các mối nguy cơ. Đấy là còn chưa nói tới việc chung tay giải quyết các vấn đề đó. Vậy là thực sự có thể nói tới một sự “đổ vỡ” nào đó.

Tuy nhiên, nó có tính tâm lý nhiều hơn là bản chất tự nhiên. Việc xuất hiện mạng internet - điều đó ngày càng hiện hình rõ nét hơn – làm thay đổi thế giới hiện đại một cách căn bản.  Người ta thu nhận thông tin một cách rất dễ dàng khi nhìn vào màn hình chứ không phải nhìn vào trang giấy. Điều đó làm cho thông tin trở nên trực tiếp và nhiều cảm xúc hơn, tuy nhiên, toàn bộ quá trình lại ít gắn với nhận thức.

Ông có thể mô tả chính xác hơn tác động của mạng internet tới chính sách đối ngoại không?

- Trên mạng interner có thể hết lần này đến lần khác chạm vào một nguồn tin, đến mức giờ đây ngày một ít những động lực phân chia các sự kiện trên thế giới thành những thứ loại khác nhau  và đưa ra những luận giải khác nhau. Số lượng lớn các sự kiện thường cản trở việc phân tích chúng.

Ngoài ra, giờ đây các thủ lĩnh chính trị lại có thêm nhiều lý do để phản ứng trước tâm trạng xã hội ngay lập tức. Điều đó dẫn đến việc người ta xử lý các vấn đề theo cách khác so với trước đây, thậm chí chỉ so với 20 năm trước thôi. Tôi còn chưa nói tới việc thế giới hiện nay đã trở nên tồi tệ hơn trước. Không, đơn giản là nó đã trở nên khác trước.

Hãy giúp chúng tôi tạo ra thêm trật tự cho thế giới phức tạp hiện nay. Cựu thủ tướng Anh Tony Blair đã trả lời phỏng vấn CNN rằng ông ấy nhìn thấy mối liên hệ giữa chiến tranh ở Iraq với sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS). Ông cũng nghĩ như thế?

- Cuộc tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11-9-2001 đã trở thành bước khởi đầu cuộc chiến của xu thế Hồi giáo cực đoan nhằm vào phương Tây. Phương Tây đã coi đó như một hành vi khủng bố được thực hiện do một nhóm nhỏ.

Tuy nhiên từ đó tính chất đối đầu giữa các bên đã thay đổi. Những đặc tính căn bản của IS khác với Al Qeada. IS có cơ sở lãnh thổ để hành xử như một quốc gia bình thường. Nhìn từ góc độ khác, IS lại là một phong trào tôn giáo, hoạt động không tập trung – với yếu tố quan trọng hơn là hệ tư tưởng, chứ không phải là hệ thống nhà nước.

Phương Tây phải làm gì đây với IS? Sau các vụ khủng bố ở Paris cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố đã trở thành vấn đề then chốt với cả châu Âu.

- Tôi nghĩ, chúng ta sẽ không thể tìm ra giải pháp ngoại giao cho vấn đề IS. Cần phải đè bẹp IS vì một khi nó còn tồn tại  thì nó sẽ phổ biến hệ tư tưởng về việc mọi xã hội khác đều là bất hợp pháp và nó sẽ cố gắng xây dựng thể chế Khalifah ở Cận Đông.

Trong những trường hợp như thế ngoại giao chỉ có thể đóng vai trò quan trọng theo cái nghĩa cần phải liên kết những xã hội khác nhau đang bị đe dọa và thành lập một hệ thống ngăn cản IS  tấn công mình.

Ông đã luôn là con người của các cuộc hòa đàm và ngoại giao. Liệu ông có tin rằng những quốc gia hiện đang có vẻ như còn ở ngoài cuộc như Arab Saudi, Iran hay thậm chí là  Israel cũng có thể giúp đạt được một thỏa thuận nào đó? Không phải trực tiếp với các phần tử khủng bố mà với những gia tộc giàu có hay những nhóm nhóm đang đứng sau IS. Chẳng gì thì trại David  vẫn nhiều khi trở thành nơi có thể đạt được những kết quả mà rất khó hy vọng có được ở những nơi khác.

- Tôi luôn luôn cho rằng, để có những cuộc thương thảo giàu nội dung cần ở các bên phải có một số lượng nào đó những mục tiêu và giá trị chung, nhưng ở IS thì tôi lại không nhìn thấy có điều đó. Liệu có thể đạt được một thỏa thuận chung nào đó giữa phương Tây với thế giới Hồi giáo mà lại không có sự tham gia của IS không? Nếu giả sử rằng thế giới Hồi giáo chấp nhận tính hợp pháp của thể chế thế giới với nền tảng là các quốc gia thì tôi có thể nói là được và cần phải tiến hành những cuộc thương thảo như thế.

Ông có thể đưa ra lời khuyên gì cho các bên trong quá trình đó?

- Những chấn động ở Trung Đông sẽ không thể chấm dứt thiếu một cái gì tương tự như Hòa ước Westfalen, từng chấm dứt cuộc chiến ba mươi năm giữa  các nhóm quốc gia khác nhau với những động cơ khác nhau, dẫn tới thành lập một hệ thống các nước khác nhau mà về sau trong suốt mấy trăm năm đã tạo nên nền móng của quan hệ quốc tế.

Ngay bây giờ nó vẫn được coi là tư tưởng cơ sở. Liệu có thể có được một cái gì tương tự không? Có thể. Nhưng “cái gì đó” sẽ không xuất hiện  từ các cuộc thương thảo trực tiếp với IS…

Tại Mỹ hiện đang diễn ra cuộc chạy đua tổng thống rất quyết liệt. Ông có trông mong rằng nước Mỹ sau bầu cử sẽ lại giữ vai trò chủ đạo trên thế giới không?

- Có. Hãy thử nhìn xem, tất cả các ứng cử viên, trong đó có Hillary Clinton, đều ủng hộ việc làm cho cứng rắn hơn chính sách đối ngoại của nước Mỹ.

Nếu ông có một ước muốn gì đối với thế giới hiện nay thì đó sẽ là ước muốn gì?

- Tôi muốn để xã hội liên lục địa có thể cùng nhau tìm ra câu trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của nó trên thế giới.

Theo Phương Hà (lược thuật)

Đại đoàn kết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm