Mua sắm - thú tiêu khiển của dân châu Á
Mua sắm chỉ để mua sắm đang trở thành thú vui của nhiều người dân châu Á, một cuộc khảo sát trực tuyến toàn cầu do ACNielsen tiến hành cho hay.
Cuộc trưng cầu trực tuyến tại 42 thị trường với 22.000 người tham gia cho thấy 74% số người tiêu dùng trên thế giới thừa nhận rằng đi mua sắm là trò tiêu khiển dù họ không cần mua gì hết.
Người Singapore, Hong Kong và Thái Lan đứng đầu bảng với hai lần lượn cửa hàng mỗi tuần.
Có tới 90% số người quốc đảo sư tử cho biết họ đi mua sắm để giải trí. Nước này chỉ đứng sau Nhật Bản trong top 10 quốc gia mà người dân cho rằng đi mua quần áo chẳng khác nào một phương pháp trị liệu.
Một phần ba số người Trung Quốc và một phần năm số dân Ấn Độ, hai cường quốc đang nổi, cho biết đi sắm quần áo là hoạt động ưa thích của họ.
"Mua sắm đã trở thành thú tiêu khiển tại nhiều nước châu Á và ngấm sâu vào lối sống của người Thái Lan, Hong Kong và Singapore, tới mức chính phủ các nước này đã biến đặc tính đó thành điểm thu hút khách du lịch", Ashok Charan, giám đốc quản lý của trung tâm nghiên cứu ACNielsen ở Singapore bình luận.
Ông nhấn mạnh rằng các trung tâm mua sắm tại nhiều nơi ở châu Á trở thành "điểm giải trí" và có kèm theo nhà hàng, rạp chiếu phim, trung tâm thể thao và một số trang thiết bị khác.
Các trung tâm mua sắm này đã đầu tư hàng trăm triệu USD để xây dựng các khu vực bán lẻ nhằm hút những du khách nặng túi.
Theo công ty tư vấn Bain & Co, thị trường bán lẻ châu Á tăng từ 2.600 tỷ USD năm 2004 lên đến 3.400 tỷ USD vào năm 2009, một phần nhờ vào số dân trung lưu tăng nhanh tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.
Việt Nam đã vượt 5 điểm và trở thành thị trường hấp dẫn thứ 3 của các nhà bán lẻ. "Việt Nam hiện tại giống như Ấn Độ 5 năm trước đây với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh và thị trường phân đoạn rõ ràng", Mike Moriarty, phó giám đốc Bán lẻ và Công nghiệp tiêu dùng của công ty tư vấn A.T. Kearney, cho hay.
Theo Ngọc Sơn
Vnexpress/AFP, Fortune