1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hội nghị thượng đỉnh G8 - St Petersburg

Một nước Nga mới biểu dương sức mạnh

(Dân trí) - Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển G8 sẽ được tổ chức ở Strelna, gần cố đô St Petersburg của nước Nga từ ngày 15 đến 17/7/2006. Đây là Hội nghị thượng đỉnh chính thức đầu tiên của G8 được tổ chức tại quốc gia kế thừa vị thế của Liên bang Xô viết cũ, là dịp để người Nga biểu dương một vị thế mới.

Không cần bàn cãi gì nữa, cuộc gặp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo (bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Nga) đang nắm giữ trong tay quyền lực kinh tế và chính trị của thế giới là tâm điểm của thời sự toàn cầu. Ở Strelna, các chính khách sẽ bàn thảo về những vấn đề vĩ mô của thế giới và người Nga đã đưa ra 3 chủ đề chính: an ninh năng lượng, các bệnh dịch truyền nhiễm và giáo dục.

Xem ra đó chưa thể là một sự khái quát đầy đủ các biến động của những năm đầu thế kỷ 21 bởi vấn nạn chủ nghĩa khủng bố đã không được đặt trọng tâm dù nước chủ nhà cho biết sẽ dành cho chủ đề này một sự quan tâm nhất định. 

Một nước Nga mới

Hồi năm 1996, Nga đã có một cơ hội tương tự. Các phụ tá của Tổng thống Boris Yeltsin đã dàn xếp một cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt Nhóm G7 + Nga để thảo luận về các vấn đề an ninh hạt nhân. Năm đó, nước Nga rất khác.

Một thập kỷ sau, khi các nhà lãnh đạo G8 quay lại, nước Nga đã thay đổi một cách sâu sắc.

Chủ nghĩa ly khai đã bị đẩy lùi. Đất nước này đã bước vào giai đoạn ổn định chính trị và các chỉ số kinh tế cho thấy bằng chứng của sự tăng trưởng. Trên thực tế, giờ đây Nga đã trả hết các khoản nợ mà họ đã vay trong thập kỷ qua và đang trên đường trở thành nước tài trợ. Theo con số thống kê mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Nga đạt 7,1% năm 2004; dự trữ ngoại tệ mạnh lên tới 171 tỷ USD năm 2005 và được cho là sẽ vượt 200 tỷ USD vào cuối năm 2006, ngay cả với khả năng xảy ra sự sụt giảm của giá dầu thô.

Hơn thế, ngày 1/7/2006, Ngân hàng Trung ương Nga đã dỡ bỏ những hạn chế cuối cùng đối với các hoạt động lưu thông tiền tệ qua lãnh thổ Nga, xóa bỏ các yêu cầu đối với việc dự trữ thông qua các loại hình giao dịch tiền tệ. Với quyết định này, đồng Rúp của Nga (RUB) đã trở thành đồng tiền có thể chuyển đổi trên thị trường ngoại hối toàn cầu.

Đây được đánh giá là cải cách quan trọng nhất trong tiến trình cải cách sâu rộng về kinh tế và tài chính mà Nga đã theo đuổi kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998. Việc cải cách cơ chế ngoại hối thể hiện niềm tin của nước Nga vào sức mạnh của mình mà cụ thể là những thành tựu phát triển kinh tế khả quan đã đạt được. Bên cạnh đó, nước Nga muốn củng cố vị thế kinh tế, chính trị của mình thông qua việc đưa RUB dần trở thành một đồng tiền mạnh trong hoạt động đầu tư, thương mại toàn cầu và nâng cao hình ảnh đất nước trong con mắt các nhà đầu tư. 

Tâm điểm - An ninh năng lượng

Sẽ không thừa nếu phải nhắc lại việc Nga sở hữu tài nguyên dầu mỏ lớn thứ ba trên thế giới, chiếm gần 10% trữ lượng toàn cầu, hay 27% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu ngoài các nước OPEC. Nga là nước xuất khẩu dầu và là nước khai thác dầu lớn thứ hai của thế giới, chỉ đứng sau Arập Xêút. Về trữ lượng khí đốt, Nga là nước đứng đầu với 38% nguồn khí đốt của thế giới là nằm trong lãnh thổ Nga và chiếm 30% xuất khẩu khí đốt toàn cầu. Châu Âu đang muốn Nga ký kết một hiệp định đảm bảo nguồn cung khí đốt nhưng đổi lại họ sẽ phải dành cho nước này sự thừa nhận vị thế chính trị đã bị "bỏ quên" suốt 15 năm nay. Một cuộc thương lượng sẽ diễn ra sớm bởi châu Âu cần có khí đốt của Nga để sưởi ấm trong mùa Đông. 

Vì những lợi ích của các thành viên G8 rất khác nhau về nhiều vấn đề chủ chốt, Cremli nhận thấy rằng cuộc họp thượng đỉnh ở Strelna sẽ không chỉ toàn là những cuộc đối thoại thân thiện. Mối bất hòa toàn cầu này thể hiện rõ hơn trên vấn đề năng lượng. Nga đã dọa các đối tác G8 của mình bằng việc úp mở rằng tuyến đường dẫn dầu và khí của Nga không còn bắt đầu ở phía Tây nữa mà ở phía Đông và Nam. Tức là Trung Quốc và cũng có thể cả Ấn Độ sẽ được ưu tiên.

Khi vấn đề giá dầu mỏ được nêu lên, Moscow không thể chia sẻ quan điểm coi giá dầu cao là một thảm họa quốc gia của Mỹ hay các nước tiêu thụ dầu chủ yếu khác. Ngoài ra, căng thẳng cũng đang tăng lên tới ngưỡng của một trận chiến thật sự để giành quyền xuất khẩu hạt nhân giữa Nga, Pháp và Mỹ.

Không còn là sự phấn khích của buổi ban đầu khi Nga được tham gia các cuộc họp của G8. Nhờ vai trò cung cấp năng lượng, sức mạnh hạt nhân, vốn tri thức và sức mạnh kinh tế đang lên của mình, nước Nga hiện nay tự tin hơn về vai trò của họ trong cộng đồng quốc tế và đặc biệt trong G8. Họ sẵn sàng đón chào các đối tác của mình đến với hội nghị thượng đỉnh bởi họ biết rằng đối với câu lạc bộ này họ đã trở thành một phần không thể thiếu được.

Nam Sơn