(Dân trí) - Covid-19 đang tạo ra hai bức tranh đối lập toàn cầu. Những nước được tin là đã có thể kiểm soát đại dịch thì hiện giờ lại phải gồng mình chống dịch, trong khi những điểm nóng khác hạ nhiệt khó hiểu.
MỘT NĂM COVID-19 DIỄN BIẾN KHÓ LƯỜNG TOÀN CẦU
Covid-19 đang tạo ra hai bức tranh đối lập toàn cầu. Những nước được tin là đã kiểm soát được đại dịch lại phải gồng mình chống dịch, trong khi những điểm nóng khác hạ nhiệt khó hiểu.
NHỮNG THÀNH QUẢ BỊ THÁCH THỨC
Cách đây một năm, hãng tin Bloomberg đã lập ra một bảng xếp hạng khả năng ứng phó Covid-19 (Covid-19 Resilience Ranking). Đây là bảng đánh giá cuộc chiến ứng phó Covid-19 của 53 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới dựa trên nhiều yếu tố khác nhau từ kiểm soát dịch đến số ca tử vong, độ phủ vaccine và mức độ mở cửa trở lại.
Bảng xếp hạng này liên tục biến động do tác động của các yếu tố như chương trình tiêm chủng, sự xuất hiện của biến chủng Delta và gần đây là việc nhiều nước nới lỏng hạn chế để theo đuổi chiến lược sống chung với Covid-19.
Kết quả theo dõi cho thấy, trong khi nhiều quốc gia, thành phố hết lần này đến lần khác chật vật đối phó với cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng, thì một số nơi đã tìm ra cách để kiểm soát tình hình, hoặc thông qua các phương pháp khoa học, hoặc sự gắn kết xã hội hoặc đơn giản chỉ là rút ra bài học từ quá khứ.
Ban đầu, những nơi đứng đầu bảng xếp hạng là nơi đã triển khai các chiến lược dập dịch cứng rắn, bao gồm cách ly, kiểm soát biên giới. Tuy vậy, sau đó, những nơi nhanh chóng triển khai tiêm chủng vaccine và nhanh chóng bình thường hóa trở lại các hoạt động kinh tế, xã hội lại "ghi điểm" nhiều hơn.
Biến động dường như vẫn chưa dừng lại ở đó khi một số nơi, đặc biệt là các nước châu Âu, bắt đầu tái phong tỏa do dịch bùng phát mạnh trở lại. Những biến động này cho thấy, không có quốc gia, vùng lãnh thổ được coi là hình mẫu chống dịch có thể duy trì thành quả đó trong một năm qua.
New Zealand và Singapore từng xếp hàng đầu về khả năng ứng phó Covid-19 và duy trì cuộc sống gần như bình thường trong phần lớn năm 2022. Tuy nhiên, những thành trì này cuối cùng cũng bị chọc thủng bởi biến chủng Delta, buộc họ phải tái phong tỏa hay áp dụng trở lại các lệnh hạn chế. Mỹ, Israel cũng từng xếp đầu bảng nhưng dịch đã tái bùng phát, đặc biệt ở những người chưa tiêm chủng khiến giới chức ở đây lo ngại Covid-19 trở thành "đại dịch của người chưa tiêm chủng".
Nhóm sau của bảng xếp hạng cũng có sự biến động. Các nước như Mexico, Brazil từng xếp thấp nhất hồi đầu năm 2021 khi làn sóng Covid-19 càn quét. Mỹ Latinh đã tránh được làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng nhất do biến chủng Delta gây ra nhờ có tỷ lệ miễn dịch tự nhiên (kháng thể có được sau khi mắc Covid-19) cao cùng với chương trình tiêm chủng.
Một số nước Đông Nam Á tụt hạng trong bảng đánh giá ở nửa sau của năm nay do dịch bùng phát trở lại khi tốc độ chương trình tiêm chủng còn chậm. Trong khi đó, có những nơi cho thấy sự ổn định, vững vàng trước các làn sóng Covid-19 dù chưa từng chiếm vị trí số một như Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Ả rập Xê út, Canada, Hàn Quốc, Thụy Sĩ. Yếu tố giúp các nước này vượt qua các sóng Covid-19 được cho là gồm hệ thống y tế mạnh và sự đồng thuận xã hội.
Hai năm kể từ khi bùng phát, Covid-19 đang tạo ra bức tranh đại dịch đối lập trên toàn cầu, trong đó rõ nhất là xu hướng bùng phát trở lại ở châu Âu và sự hạ nhiệt thậm chí khó hiểu ở một số điểm nóng ở châu Á.
ÁC MỘNG TRỞ LẠI CHÂU ÂU
Đầu năm nay, nhiều lãnh đạo châu Âu tuyên bố, vaccine đã giúp đất nước họ thoát khỏi đại dịch Covid-19 để trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, sau một mùa hè tận hưởng "cuộc sống bình thường mới", nhiều nước châu Âu đang quay cuồng ứng phó làn sóng Covid-19 bùng phát mạnh trở lại, thậm chí ở cả những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao.
Áo trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp đặt lệnh phong tỏa đối với những người chưa tiêm phòng vaccine Covid-19 kể từ ngày 15/11. Theo đó, những người chưa tiêm chủng từ 12 tuổi trở lên sẽ không được ra khỏi nhà trừ khi có các lý do đặc biệt như mua nhu yếu phẩm hay khám chữa bệnh.
Áo cũng trở thành quốc gia đầu tiên ở Tây Âu bắt buộc tiêm chủng vaccine Covid-19 kể từ tháng 2/2022. Những người từ chối tiêm chủng có thể đối mặt với khoản phạt lên tới hơn 4.000 USD khi lệnh tiêm chủng bắt buộc có hiệu lực. Áo là một trong những quốc gia có độ phủ vaccine Covid-19 thấp nhất ở châu Âu. Hiện quốc gia gần 9 triệu dân này mới tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 66% dân số.
Tình hình ở Đức cũng không sáng sủa hơn. Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo, làn sóng Covid-19 thứ tư đang "tấn công tổng lực" nước này và rằng đợt bùng phát mới "tồi tệ hơn bất cứ điều gì mà Đức từng trải qua".
Đức hiện ghi nhận mỗi ngày hàng chục nghìn ca Covid-19 mới. Hôm 18/11, Đức có thêm hơn 65.000 ca mắc, cao chưa từng có kể từ khi dịch bùng phát. Tỷ lệ lây nhiễm ở Đức liên tục tăng kỷ lục mỗi ngày trong khoảng hai tuần qua. Ở bang phía đông Saxony, tỷ lệ lây nhiễm trong 7 ngày đã tăng lên gần 1.000/100.000 người, gần gấp ba lần tỷ lệ trung bình toàn quốc. Tuy tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Đức hiện chỉ bằng khoảng 1/5 so với mùa đông năm ngoái, nhưng với tốc độ lây lan này, giới chức ở đây lo ngại số người chết sẽ tăng trong thời gian tới khi hệ thống y tế bị quá tải.
Số ca nhiễm tăng vọt ở Đức được cho là do kết hợp của nhiều yếu tố gồm miễn dịch cộng đồng thấp, mức độ miễn dịch nhờ vaccine giảm sau thời gian dài và sự xuất hiện của biến chủng Delta. Khoảng 67% dân số trưởng thành của Đức đã được tiêm chủng đầy đủ hai mũi vaccine Covid-19 tiêu chuẩn. Chính phủ và giới chức y tế nước này đang nỗ lực đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, tuy nhiên, chủ yếu là tiêm chủng mũi tăng cường cho người đã tiêm đủ hai liều, trong khi một bộ phận người dân vẫn do dự tiêm chủng.
Để tăng độ phủ vaccine, chính phủ của bà Merkel đã đưa ra áp dụng các biện pháp hạn chế với người chưa tiêm chủng. Ví dụ, các nhà hàng, quán bar, địa điểm công cộng chỉ phục vụ những người đã tiêm chủng hoặc đã khỏi Covid-19. "Nếu chúng ta đợi đến lúc những phòng hồi sức chật kín mới hành động, tình hình sẽ trở thành thảm họa vì mọi thứ đã quá muộn", bà Merkel cảnh báo.
Ngoài Đức, Áo, nhiều quốc gia khác ở châu Âu như Pháp, Romania, Bulgaria cũng siết lại các biện pháp phòng dịch, chủ yếu nhằm vào những người chưa tiêm chủng, để đối phó làn sóng Covid-19 thứ 4 và nguy cơ làn sóng thứ 5 nghiêm trọng hơn nữa trong mùa đông này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, nếu tình hình hiện nay tiếp diễn, châu Âu có thể ghi nhận thêm 700.000 ca tử vong do Covid-19 trong mùa đông này, nâng tổng số ca tử vong do đại dịch ở khu vực lên 2,2 triệu người. WHO dự đoán, 49 trong số 53 quốc gia ở khu vực sẽ phải đối mặt với sức ép cao hoặc rất cao về nhu cầu giường chăm sóc tích cực (ICU) từ nay đến đầu tháng 3/2022.Đến thời điểm này, có lẽ châu Âu cũng như thế giới đã nhận ra một bài học rằng, chỉ vaccine thôi là chưa đủ. Theo các chuyên gia, khi độ phủ vaccine chưa đủ, các nước vẫn cần duy trì các biện pháp phòng dịch như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang.
Thế khó của châu Âu là những biện pháp hạn chế đang kéo theo làn sóng biểu tình. Hôm 21/11, ước tính hơn 35.000 người đã xuống đường ở thủ đô Brussels của Bỉ để biểu tình phản đối các biện pháp phòng dịch cứng rắn hơn. Cuối tuần qua, Hà Lan cũng chứng kiến hàng chục cuộc biểu tình bạo lực lan khắp đất nước để phản đối siết các lệnh hạn chế. Hà Lan đã phong tỏa một phần từ hôm 13/11 và đang cân nhắc áp lệnh cấm người chưa tiêm chủng đến các nhà hàng, quán bar và những địa điểm công cộng khác. Bạo lực cũng bùng phát ở vùng Guadeloupe thuộc Pháp khi những người biểu tình phản đối các biện pháp phòng dịch như bắt buộc nhân viên y tế phải tiêm chủng.
COVID-19 HẠ NHIỆT Ở CÁC ĐIỂM NÓNG CHÂU Á
Sự xuất hiện của biến chủng Delta từng khiến một số quốc gia ở châu Á trở thành điểm nóng Covid-19 hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, bức tranh Covid-19 ở khu vực này đang có những mảng màu tươi sáng hơn.
Số ca nhiễm và tử vong ở các "tâm dịch" như Ấn Độ, Indonesia giảm mạnh. Tại Ấn Độ, hôm 23/11, quốc gia tỷ dân này chỉ ghi nhận hơn 7.500 ca mắc mới, thấp nhất hơn một năm rưỡi qua bất chấp nhiều lễ hội lớn diễn ra và nhiệt độ giảm theo mùa. Con số này thấp hơn nhiều so hơn 400.000 ca mắc mới và khoảng 4.000 ca tử vong do Covid-19 trong một ngày ở giai đoạn đỉnh dịch ở Ấn Độ hồi tháng 4 năm nay.
Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra ở Indonesia, nơi từng quay cuồng với làn sóng Delta nửa đầu năm nay. Khoảng 3-4 tháng trở lại đây, số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 ở Indonesia có xu hướng giảm mạnh. Bộ Y tế Indonesia cho biết, trong ngày 22/11, nước này chỉ có thêm 186 ca nhiễm mới và 5 ca tử vong. Ở giai đoạn đỉnh dịch, Indonesia từng ghi nhận gần 60.000 ca mắc mới và hơn 1.000 ca tử vong trong ngày.
Xu hướng giảm nhiệt này được cho là nhờ mức độ miễn dịch cộng đồng ở hai nước này cao trong đó có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc Covid-19 và miễn dịch sau tiêm chủng vaccine.
Citra Indriani, chuyên gia dịch tễ của Đại học Gadjah Mada, cho biết 80% dân số Indonesia có thể đã có miễn dịch tự nhiên với virus SARS-CoV-2 sau làn sóng Covid-19 nghiêm trọng chưa từng có do biến chủng Delta gây ra hồi đầu năm nay. Trong khi đó, theo kết quả điều tra huyết thanh toàn quốc vào tháng 7/2021, gần 70% dân số Ấn Độ có kháng thể với SARS-CoV-2. Điều tra tháng 10 cho thấy, tại thủ đô New Delhi, 97% dân số ở đây có kháng thể với SARS-CoV-2.
Indonesia đã tiêm ít nhất một mũi vaccine cho hơn 135 triệu dân, tương đương 50% dân số, trong đó khoảng 90 triệu người đã tiêm đủ hai mũi. Khoảng 81% dân số Ấn Độ đã tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, khoảng 43% đã tiêm đủ hai liều.
Tuy vậy, giới chuyên gia cảnh báo, mức độ miễn dịch này cũng không đảm bảo Ấn Độ, Indonesia có thể tránh được làn sóng Covid-19 tiếp theo với lý do các biến chủng mới của SARS-CoV-2 có thể xuất hiện và phá vỡ miễn dịch cộng đồng này.
Shahid Jameel, một chuyên gia về virus tại Đại học Oxford, bình luận: "Tôi không dám chắc Ấn Độ đã đạt được đến điểm mà Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu bởi một biến chủng nguy hiểm hơn vẫn có thể xuất hiện ở bất cứ đâu và phá vỡ cân bằng này".
Tại Nhật Bản, Covid-19 giảm tốc một cách khó hiểu mặc dù các chuyên gia đã đưa ra giả thuyết cho điều này. Ba tháng kể từ khi biến chủng Delta xuất hiện khiến số ca Covid-19 ở Nhật Bản có thời điểm lên 26.000 ca/ngày, những tuần gần đây, Nhật Bản chỉ ghi nhận chưa đến 200 ca mắc mới mỗi ngày và thậm chí có ngày không có người chết vì Covid-19.
Theo các chuyên gia, kể cả độ phủ vaccine cao khoảng 76% dân số, việc chấp hành giãn cách hay đeo khẩu trang nghiêm chỉnh cũng khó có thể giải thích cho sự giảm tốc này.
Ituro Inoue, giáo sư thuộc Viện Di truyền Quốc gia Nhật Bản, đã đưa ra một giả thuyết liên quan đến chính sự biến đổi của Delta. Cụ thể , bộ gen của virus SARS-CoV-2 thay đổi với tốc độ khoảng 2 đột biến mỗi tháng. Theo ông Inoue, biến chủng Delta ở Nhật Bản đã tích lũy quá nhiều đột biến đối với các protein phi cấu trúc, có khả năng sửa lỗi của virus này tên là nsp14. Kết quả là virus phải "vất vả" để sửa lỗi theo thời gian, cuối cùng dẫn đến hiện tượng "tự diệt".
Theo các nghiên cứu trước đó, tỉ lệ dân số châu Á mang trong cơ thể loại enzyme phòng vệ APOBEC3A chuyên tấn công RNA virus, bao gồm virus SARS-CoV-2 gây Covid-19, cao hơn so với dân châu Âu và châu Phi. Các nhà nghiên cứu của Nhật Bản đã bắt đầu tìm hiểu cách thức protein APOBEC3A tác động đến protein nsp14 và liệu nó có thể ức chế hoạt động của virus corona hay không.
Bất chấp sự "biến mất" khó hiểu này, ông Inoue cảnh báo, điều đó không có nghĩa Nhật Bản miễn nhiễm với các làn sóng Covid-19 tiếp theo nếu biến chủng khác xâm nhập. "Chỉ vaccine thôi chưa đủ, tôi cho rằng các biện pháp kiểm soát nhập cảnh bây giờ là rất quan trọng", ông khuyến cáo.
KHÔNG THỂ XÓA SỔ COVID-19
Khi SARS-CoV-2 tiếp tục đột biến ở các quốc gia chưa được tiêm chủng, WHO cho rằng, thế giới có thể không bao giờ xóa sổ được hoàn toàn Covid-19 kể cả có vaccine. Thay vào đó, Covid-19 sẽ trở thành một bệnh đặc hữu khi thế giới tìm cách kiểm soát và sống chung với nó.
"Chúng ta sẽ không bao giờ loại bỏ hoặc xóa sổ được virus này. Tôi nghĩ SARS-CoV-2 sẽ tồn tại cùng chúng ta và sẽ biến đổi giống như virus gây ra đại dịch cúm", ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, bình luận hồi tháng 9.
Thực tế, nhiều nước ở châu Á - Thái Bình Dương như New Zealand, Australia cuối cùng cũng từ bỏ chiến lược "Zero Covid-19" (dập dịch hoàn toàn) để chuyển sang chiến lược chung sống an toàn với đại dịch.
"Với biến chủng Delta, hầu như không thể xóa sổ được. Kinh nghiệm ở Australia và New Zealand cho thấy họ đã rất nỗ lực nhưng đã đến thời điểm không thể tiếp tục biện pháp phong tỏa", Zhengming Chen, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Oxford (Anh), nhận định.
Theo ông Chen, dù số ca nhiễm tiếp tục tăng nhưng chương trình tiêm chủng đã làm giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của Covid-19 ở nhiều người bệnh, cho phép các quốc gia mở cửa trở lại. "Ở một số giai đoạn phải mở cửa, phải thực sự để số ca tăng lên nhưng có thể kiểm soát được. Chúng ta không thể phong tỏa vĩnh viễn chỉ vì virus đang lưu hành".
Tùy thuộc vào tình hình cụ thể và văn hóa riêng, mỗi nước lại có một chiến lược sống chung với Covid-19 khác nhau, mức độ mở cửa khác nhau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, yếu tố then chốt vẫn là tăng độ phủ vaccine kết hợp với các biện pháp phòng dịch ít nhất cho đến khi Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu.