1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Một huyền thoại, một biểu tượng chống phân biệt chủng tộc

Nelson Mandela là con người huyền thoại, một biểu tượng chống phân biệt chủng tộc không chỉ của quốc gia Nam Phi. Ông đã có 67 năm đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp của hòa bình, nhân đạo, công bằng xã hội và hòa giải dân tộc.

Nelson Mandela tại London (Anh) ngày 28/8/2007. (Ảnh:
Nelson Mandela tại London (Anh) ngày 28/8/2007. (Ảnh: AFP-TTXVN)

Đánh giá cao những cống hiến của ông, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã lấy ngày 18/7 hàng năm (là ngày sinh của ông) làm “Ngày Quốc tế Mandela”, nhằm tập hợp tình đoàn kết của cộng đồng thế giới trong việc gìn giữ các giá trị của tự do và công lý mà tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã đấu tranh.

Nelsson Mandela - biểu tượng chống chủ nghĩa thực dân và phân biệt chủng tộc

Nelson Mandela – nhà chính trị vĩ đại với câu nói “đấu tranh là cuộc sống của tôi” đã trở thành biểu tượng của tự do và bình đẳng.

Ông vĩ đại không chỉ bởi quá trình đấu tranh, những năm tháng bất khuất trong chốn lao tù, hành trình xóa bỏ chế độ Apartheid hay nỗ lực hòa giải dân tộc. Ông còn bất tử bởi đã xây dựng những nền móng vững chắc cho nền dân chủ ở Nam Phi.

Nelson Mandela sinh ngày 18/7/1918, trong một gia đình tù trưởng thuộc bộ tộc Thembu nói tiếng Xhosa tại một ngôi làng nhỏ ở Mũi Đông của Nam Phi.

Nelson Mandela đã theo học tại nhiều trường đại học ở Nam Phi, nơi ông là sinh viên các ngành chính trị học, nhân chủng học và luật học, đồng thời tham gia các hoạt động chính trị.

Trong thời kỳ này, ông nghiên cứu chủ nghĩa Mác -Lênin và gia nhập đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), trở thành thành viên sáng lập của Liên đoàn Thanh niên trực thuộc ANC.

Sau khi phái dân tộc chủ nghĩa Afrikaner trong đảng Dân tộc lên nắm quyền vào năm 1948 và bắt đầu thực hiện chính sách Apartheid, ông đã nổi lên như một nhà hoạt động chính trị kiệt xuất của ANC và được bầu làm Chủ tịch Đảng bộ tỉnh Transvaal lúc bấy giờ.

Ảnh chụp ông Mandela năm 33 tuổi.
Ảnh chụp ông Mandela năm 33 tuổi.

Ông đã trở thành lá cờ đầu trong cuộc đấu tranh giải cứu đất nước Nam Phi khỏi chia rẽ, áp bức và kỳ thị bằng nhiều phương pháp, những chủ yếu là bất bạo động.

Là mối đe dọa lớn nhất của chính quyền da trắng, Mandela đã trải qua nhiều năm tháng trong nhà tù, trong đó có 27 năm bất khuất trong ngục tù trên đảo Robben. Ngày 11/12/1990, khi Mandela bước ra khỏi nhà tù, một tương lai tưới sáng đã đến với dân tộc Nam Phi.

Ông tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid mạnh mẽ hơn. Ngày 17/6/1991, Quốc hội Nam Phi đã phê chuẩn đạo luật hủy bỏ sắc lệnh phân biệt chủng tộc. Điều này đồng nghĩa với việc chủ nghĩa Apartheid kéo dài hơn một thế kỉ ở Nam Phi bị cáo chung.

Tháng 7/1991, Nelson Mandela được bầu làm Chủ tịch Đại hội Dân tộc Phi (ANC) và ngày 10/5/1994, sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử dân chủ không phân biệt bầu da đầu tiên ở Nam Phi, ông đã trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của đất nước cầu vồng.

Dưới sự lãnh đạo của ông, Nam Phi từng bước phá bỏ tàn tích của thành trì nạn phân biệt chủng tộc, đi vào con đường xây dựng nền dân chủ, vì quyền con người. Ông đi vào lịch sử nhân loại như một biểu tượng kiệt xuất cho sự tự do, hòa giải và tha thứ.

Trên chính trường quốc tế, Mandela được tôn vinh như một người anh hùng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và chống phân biệt chủng tộc. Còn ở trong nước, ông được gọi một cách trìu mến là “Người cha của dân tộc”.

Không lợi dụng công lao và ảnh hưởng quá lớn của mình, ông làm Tổng thống trong đúng một nhiệm kỳ và rời chính trường vào năm 1999 để trao quyền chọn người kế nhiệm vào tay cử tri, đặt nền móng vững chắc cho nền dân chủ ở Nam Phi.

Ông đã được trao hơn 250 giải thưởng cao quí, trong đó có Giải thưởng Nobel Hòa bình.

Ngày quốc tế Nelson Mandela

Đánh giá cao những cống hiến của ông, tháng 9/2009, Đại hội đồng LHQ đã chính thức tuyên bố lấy ngày 18/7 hàng năm, ngày sinh của ông, là Ngày Quốc tế Mandela, hay còn gọi đơn giản là Ngày Mandela. Thông điệp của Ngày Mandela là “Mandela đã dành 67 năm cuộc đời cho cuộc đấu tranh vì công bằng xã hội. Chúng ta hãy dành 67 phút trong ngày này để thay đổi thế giới quanh mình”.

Ảnh chụp ông Mandela năm 33 tuổi.
Người dân Nam Phi đã ghép một tấm thảm khổng lồ rực rỡ sắc màu trên diện tích 1020m2 từ hàng nghìn tấm thảm hoặc chăn mềm nhỏ trong dự án “67 tấm thảm” tại thủ đô Pretoria trong ngày 21/4. (Ảnh: AFP-TTXVN)
 
Đây là nỗ lực nhằm phá kỷ lục Guinness về tấm thảm ghép lớn nhất thế giới. Hoạt động văn hóa này nằm trong khuôn khổ dự án Ngày Nelson Mandela của nước này.
 
Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon khẳng định, Ngày quốc tế Nelson Mandela là hồi chuông thúc giục nhân loại tích cực tham gia vào việc xây dựng hòa bình, ổn định và công bằng xã hội trên toàn thế giới. Và theo ông, đây là món quà ý nghĩ nhất dành tặng cho Nelson Mandela, người đã cống hiến cả cuộc đời cho những giá trị cao quí nhất của nhân loại.

Từ đó, cứ vào ngày này hàng năm, rất nhiều nơi lại tổ chức ngày kỉ niệm với nhiều hình thức khác nhau song cùng hướng tới một mục tiêu để thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.

Mới đây, ngày 14/7/2015, Đại sứ quán nước CH Nam Phi tại Việt Nam và Bệnh viện Huyết học -Truyền máu Trung ương tổ chức buổi hiến máu giúp các bệnh nhân của bệnh viện. Hoạt động này nằm trong chuỗi các chương trình nhân Ngày Quốc tế Nelson Mandela.

Đại sứ Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam, bà Kogomosto Ruth Magau cho rằng, ý nghĩa của Ngày Nelson Mandela là tạo nên một phong trào trên toàn thế giới vì những điều tốt đẹp, bắt đầu bằng những hoạt động nhỏ bé của cả nhân và là chất xúc tác cho mọi người trên thế giới nhận thức được rằng, mỗi chúng ta đều có khả năng thay đổi thế giới.

Chúng ta nỗ lực thực hiện các hoạt động nhân đạo để tiếp tục hoàn thành những cam kết của Nelson Mandela, tiếp thêm sức mạnh cho những người kém may mắn và làm cho thế giới này tốt đẹp hơn.

Mặc dù cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Madela đã mãi ra đi, những đóng góp không mệt mỏi của ông luôn là nguồn cảm hứng để cộng đồng thế giới cùng chung tay thực hiện những chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng, vì tình yêu hòa bình của mọi người trên thế giới.

Theo (TTXVN)/baotintuc.vn