1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Một công đôi việc

Quả bóng căng trong quan hệ Nga - Gruzia có vẻ như được Gruzia chủ động "xì hơi": Gruzia đã trao bốn sĩ quan Nga bị bắt ngày 27/9 cho đại diện Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) tại Tbilisi.

Tuy nhiên, cơn giận của Moscow dường như không dễ nguôi: ngày 2/10, Bộ Giao thông Nga tuyên bố bắt đầu từ 3/10 đình chỉ tất cả các liên lạc đường sắt, thủy, bộ và cả liên lạc bưu điện với Gruzia.

 

Những ngày qua, quan hệ hai nước xấu đi chưa từng thấy. Đáp lại việc Gruzia bắt giam các sĩ quan Nga, Moscow cho rút gần hết ngoại giao đoàn, quân đội Nga tại các cơ sở quân sự ở Gruzia được lệnh sẵn sàng hành động nếu bị khiêu khích. Từ "chiến tranh" đã được các quan chức Nga cao cấp nhất đề cập tới.

 

Phát biểu tại Hội đồng An ninh Nga chiều 1/10, Tổng thống Vladimir Putin gọi việc bắt giam bốn sĩ quan Nga của Gruzia là "hành động khủng bố nhà nước" và "bắt cóc con tin". Tuy vậy, Tổng thống Putin cũng lệnh cho quân đội Nga phải tiếp tục rút khỏi Gruzia nhằm ngăn chặn những chỉ trích rằng Nga không tôn trọng những thỏa thuận ký với Gruzia hồi năm ngoái, theo đó Nga sẽ rút hết quân ở hai căn cứ quân sự Gruzia trước cuối năm 2008.

 

Mục tiêu của cuộc "khủng hoảng gián điệp" lần này là gì? Bộ trưởng Quốc phòng Gruzia Irakli Okruashvili không che giấu trong một phát biểu trên truyền hình: Gruzia muốn thế giới thấy cuộc xung đột tại Abkhadia và Nam Ossetia "không phải là khủng hoảng dân tộc, mà là đối đầu giữa Nga với Gruzia". Gruzia muốn rằng khi các lực lượng quân sự Nga rút khỏi các vùng xung đột thì chính quyền Nga cũng phải tự động rút khỏi những cuộc thương lượng giữa các bên ly khai với chính quyền Gruzia.

 

Cho đến nay, vấn đề hai lãnh thổ tự trị Abkhadia và Nam Ossetia vẫn là tồn tại lớn nhất trong quan hệ Nga - Gruzia. Hoàn cảnh lịch sử khiến trên lãnh thổ Gruzia xuất hiện những khu tự trị với đa số dân Nga. Từ sau khi Liên Xô tan rã, Abkhadia và Nam Ossetia đã đẩy mạnh cuộc vận động ly khai với Gruzia. Tổng thống Putin từng tuyên bố ủng hộ sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Gruzia, nhưng trong vấn đề dân tộc trên, ông kêu gọi phải căn cứ vào nguyện vọng của chính người dân.

 

Tuy nhiên, từ khi lên nắm quyền, tổng thống thân phương Tây Mikhail Saakashvili đã cam kết sẽ thống nhất Gruzia và đẩy mạnh việc gia nhập NATO để tìm sự hậu thuẫn cho mục đích này. Vụ bắt giữ các sĩ quan Nga còn diễn ra cùng lúc với việc đệ trình dự thảo luật mở rộng NATO lên Thượng viện Mỹ tuần qua. Dự luật dành cho Gruzia 10 triệu USD để đẩy mạnh tiến độ gia nhập NATO. Không phải ngẫu nhiên mà ông Putin nói Gruzia thoải mái hành xử như vừa qua là vì được "các nhà bảo trợ nước ngoài đỡ đầu".

 

Như vậy, Gruzia vừa giành được phiếu ủng hộ của Thượng viện Mỹ cho dự thảo mở rộng NATO, vừa đánh động lần nữa vấn đề Abkhadia và Nam Ossetia. Phản ứng của người Nga có vẻ chưa dừng lại ở việc phong tỏa kinh tế Gruzia. Trong tuần này, ông Putin sẽ làm việc với Đuma và Hội đồng liên bang Nga về quan hệ với Gruzia.

 

Theo Duy Văn

Tuổi trẻ