Một Bờ Tây khác sau làn khói súng
(Dân trí) - Bờ Tây là quê hương của vô số những địa điểm tâm linh, là kho thần thoại với những hầm mộ của các giáo trưởng, là trái tim của người Do Thái cùng những thổ dân của bộ lạc Judea, Samaria. Đây còn là một trong những mấu chốt của hòa bình Trung Đông.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama phải mất khoảng 14 tháng mới đạt được một tiến triển trong vấn đề Palestin-Israel và dường như các cuộc đàm phán hòa bình giữa Palestin và Israel sẽ được bắt đầu trong vài ngày tới. Hiện vẫn chưa rõ các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào những vấn đề chuyên môn ở mức độ nào, nhưng chắc chắn cái tên Bờ Tây (West Bank) sẽ được nhắc đến rất nhiều vì ở đó có một vấn đề có lẽ là gai góc nhất - Jerusalem.
Israel đã chiếm khu Đông Jerusalem của người Arập từ năm 1967 và sau đó sáp nhập khu vực này vào Israel và tuyên bố toàn bộ thành phố là “thủ đô thống nhất và vĩnh viễn của Israel”; trong khi đó, chính quyền Palestin muốn khu Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestin trong tương lai. Palestine muốn xây dựng một nhà nước độc lập với toàn vẹn chủ quyền tại khu Bờ Tây và Dải Gaza; trong khi đó, Israel muốn Palestine là một nhà nước phi quân sự và chịu kiểm soát về không phận và biên giới với nước ngoài. Thời hạn Israel ngừng xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây trong vòng 10 tháng sẽ chấm dứt vào mùa thu này. Washington lo ngại rằng nếu Israel nối lại việc xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ của Palestine, đây sẽ là dấu hiệu chấm dứt tiến trình hòa bình.
Nói như vậy để thấy Bờ Tây có vai trò quan trọng như thế nào trong tiến trình hòa bình Trung Đông.
Bờ Tây là khu vực phía Tây của sông Jordan do Quốc Vương Jordan nắm quyền kiểm soát vào giữa những năm 1948 và 1967. Đây là vùng đất mà cả một quãng thời gian dài trước đó, đường biên giới không mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, vào đúng khoảng thời gian này, Bờ Tây bị tách khỏi lãnh thổ của Palestine khi Israel và Jordan đạt được một thỏa thuận đình chiến.
... và thành phố Bethlehem ngày nay
Bờ Tây có khoảng 2,8 triệu dân sinh sống, trong đó 2,4 triệu là người Palestine và hơn 400.000 là người định cư Israel (bao gồm cả những người sống ở Đông Jerusalem) và các nhóm dân tộc thiểu số như người Samaria. Ngoài số dân Arập cố định, còn có một số bộ lạc người Arập du cư sống trong những ngôi lều bằng vải bạt ở sa mạc Judea, nuôi cừu và dê. Khu vực nhiều dân cư sinh sống nhất là vùng ven núi, chạy dài từ Bắc đến Nam, nơi đóng đô của các thành phố Đông Jerusalem, Nablus, Ramallah, Bethlehem, và Hebron.
Thành cổ Jerusalem có diện tích 1km2
Thành cổ Jerusalem hình thành từ Thiên niên kỉ thứ tư trước Công Nguyên, trở thành kinh đô dưới nhiều triều đại (trong đó thuộc người Do Thái cổ), sau này lần lượt thuộc quyền quản lý của Vương quốc Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Ảrập ... và từ năm 1967 là dưới quyền kiểm soát của Israel. Thành cổ Jerusalem có diện tích 1km2. Những bức tường bao quanh được xây dựng dưới Đế chế Ottoman của Sultan Suleiman (1520-1566). Thành cổ có 11 cổng , có bốn khu phố cổ là những vùng khu vực linh thiêng của người Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Do thái (ngày nay, khu Do thái luôn bóng nhoáng khiến du khách khó tin khu vực này được xây năm 1.400).
Jerusalem được xem là vùng đất thánh, hội tụ ba dòng tôn giáo chính là đạo Hồi, đạo Thiên chúa giáo và đạo Do Thái. Đây cũng là tâm điểm của nhiều cuộc xung đột giữa các nước Arập và Israel kể từ khi nước này được thành lập năm 1948 và hiện vẫn đang là một trong những điểm dai dẳng của cuộc xung đột chưa có hồi kết giữa Israel và Palestin. Đối với người Do Thái, Jerusalem là trung tâm quốc giáo; với người Thiên Chúa giáo là nơi chứng kiến sự khổ nạn của đấng Cứu thế và với người Hồi giáo thì đây là nơi mà nhà tiên tri vĩ đại Mohammed đã lên trời trong chuyến dạ hành huyền bí.
Nằm ngay cạnh Jerusalem, thành phố Hebron là một trong những thành phố cổ nhất thế giới. Nếu Jerusalem quyến rũ du khách bằng sự bí hiểm mang nặng tính tôn giáo, thì những ấn tượng đầu tiên đối với bất kỳ ai đặt chân đến Hebron lại là những khu phố hẹp quanh co, những ngôi nhà đá mái bằng, những tiệm tạp hóa và đặc biệt là nhà thờ Hồi giáo al-Haram al-Ebrahimi. Nhà thờ này được xây dựng trên đỉnh của một cái hang mà người ta tin rằng là nơi cất giấu các hầm mộ của Abraham và gia đình ông. Dân sinh sống tại Hebron chủ yếu là người Arập theo đạo Hồi, mặc dù người Do Thái Israel đã định cư ở thành phố này từ năm 1967 và hiện vẫn còn một khu định cư Do Thái rất lớn gọi là Qiryat Arba nằm ở ngoại ô Hebron. Hebron còn có một số cơ sở công nghiệp sản xuất các mặt hàng từ sợi bông, lông thú...
Nhịp sống ở Jerusalem, Hebron hay bất kỳ vùng đất nào ở Bờ Tây đáng lẽ sẽ diễn ra thanh bình như ở bao khu vực khác trên thế giới. Nhưng trong bối cảnh cuộc xung đột Palestin-Israel và tình hình bất ổn ở Trung Đông nói chung, thân phận vùng lãnh thổ này là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trên thế giới.