1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nepal

Một bác sĩ có cứu được cả nền hoà bình?

(Dân trí) - Ngày 21/7 việc Ram Baran Yadav, tiến sĩ y khoa, được bầu làm Tổng thống là bước mở đường cho đất nước Nepal thành lập chính phủ mới. Liệu một bác sĩ có cứu được cả nền dân chủ của nước cộng hòa non trẻ nhất trên thế giới này?

Cuộc đại phẫu chỉ mới bắt đầu

 

Tiến sĩ Ram Baran Yadav, ứng cử viên đảng Quốc đại Nepal (NC), chỉ trúng cử với đa số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai. Phát biểu ngay sau khi có kết quả, vị tổng thống vừa tròn 60 tuổi này thừa nhận Nepal đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như sự chuyển giao quyền lực và hoàn thiện  thể chế cũng như việc ra đời một bản hiến pháp mới. "Sự nhất trí giữa các đảng sẽ làm cho nhân dân hạnh phúc hơn, nếu chúng ta cùng nỗ lực để phát triển đất nước thì đất nước của chúng ta sẽ trở nên thịnh vượng hơn”, ông nói.

 

Nhưng vấn đề ở chỗ để có được sự nhất trí ấy, tiến sĩ Yadav phải trực tiếp bắt tay vào cuộc đại phẫu. Chính trường Nepal sau bầu cử lại đứng trước khó khăn mới vì sau khi đáp lại lời kêu gọi liên minh thành lập chính phủ mới của tân tổng thống, đảng lớn nhất trong Quốc hội lập hiến (CA) là Đảng Cộng sản Nepal (CPN-M) từ chối đứng ra thành lập Chính phủ.

 

CPN-M coi liên minh mới  giữa NC với Đảng Cộng sản thống nhất (CPN-UML) và đảng Phong trào Các quyền dân tộc Madhesi (MPRF) trong cuộc bầu cử tổng thống là "vô đạo và không trung lập". Quyết định này được đưa ra sau khi ứng cử viên tổng thống của đảng này là Ram Raja Prasad Singh bị thất bại trước ông Ram Baran Yadhav trong cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức ngày 21/7.

 

Sự tham gia của CPN-M được xem là động lực chính duy trì tiến trình hòa bình Nepal sau một thập kỷ nội chiến đã làm 130.000 người thiệt mạng. Vì vậy, các nhà phân tích chính trị nhận định rằng quyết định của CPN-M không tham gia thành lập chính phủ là một đòn giáng vào tiến trình hoà bình ở Nepal, có nguy cơ đẩy chính trường nước này vào bất ổn kéo dài. Theo họ, lúc này là thời điểm rất quan trọng đối với Nepal và tân Tổng thống Ram Baran Yadav: nó có thể gây trở ngại cho tiến trình hòa bình đang diễn ra và sẽ là khó khăn đối với một chính phủ không có sự tham dự CPN-M.

 

Bên ngoài phòng đại phẫu

 

Việc thành lập chính phủ mới đã gặp trở ngại. Nhưng từ sau khi các nghị sĩ quốc hội Nepal bỏ phiếu chấm dứt chế độ quân chủ kéo dài 240 năm, các chính đảng Nepal đã lúng túng trước nhiệm vụ soạn thảo hiến pháp.

 

Quốc hội lập hiến Nepal có nhiệm vụ soạn thảo một bản hiến pháp phản ánh nguyện vọng của các nhóm sắc tộc tại nước này. Hiện ở Nepal có tới hơn 50 nhóm sắc tộc, vì vậy, việc soạn thảo ra một bản hiến pháp "được lòng các bên" không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. "Đây là một thách thức lớn nhất mà các chính trị gia Nepal phải đối mặt. Chúng tôi không có điều khoản trưng cầu dân ý nhằm giải quyết tình trạng bế tắc đối với việc thông qua từng điều khoản của hiến pháp, vì vậy, mọi việc đều phải được thông qua với sự nhất trí", một quan chức của CPN-UML thừa nhận.

 

Trong khi Đảng Quốc đại Nepal muốn có một hệ thống quốc hội với Tổng thống là người đứng đầu nhà nước về mặt nghi lễ, thì lực lượng Maoist lại muốn có một tổng thống có quyền lực, trong khi Đảng UPN-UML muốn có một vị thủ tướng do nhân dân bầu còn vị tổng thống thì chỉ thực thi những nhiệm vụ có tính chất nghi lễ.

 

Các chính đảng hiện cũng đang phải đối phó với những khó khăn khi đưa các nhóm vũ trang đang hoạt động tại các khu vực khác nhau ngồi vào bàn thương lượng.

 

Như vậy, có thể thấy khó khăn và thách thức đã chờ đợi Tân tổng thống - tiến sĩ Ram Baran Yadav từ trước khi ông đặt mình vào vị trí quan trọng nhất ở Nepal.

 

Tiểu sử Ram Baran Yadav

Sinh ngày 4/2/1948 tại Nam Terai (cách thủ đô Katmandu 125 km) 

Người sắc tộc Madheshi

Bằng cấp: Trường đại học Y khoa Calcutta (Ấn Độ)

Bằng Tiến sĩ tại Viện Giáo dục và Nghiên cứu Y tế, Chandigarh.

Chính trị: Bắt đầu tham gia vào những năm 1960

Những năm 1990: Tham gia Phong trào phục hồi dân chủ

Từ 1991-1994: Bộ trưởng Y tế

Trước bầu cử: Tổng thư ký của đảng Quốc đại (một trong 3 chính đảng chủ chốt)

 

Nguyễn Viết

Tổng hợp tư liệu nước ngoài

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm