1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mong mỏi trước lúc lâm chung của người già Nhật Bản

(Dân trí) - Đối mặt với sự thiếu thốn về giường bệnh, nhiều người già Nhật Bản buộc phải chọn cách ra đi tại chính ngôi nhà của họ thay vì ở bệnh viện dù biết rằng điều này có thể sẽ là gánh nặng đối với gia đình.

Ông Katsuo Saito chấp nhận điều trị tại nhà do thiếu giường bệnh (Ảnh: Reuters)
Ông Katsuo Saito chấp nhận điều trị tại nhà do thiếu giường bệnh (Ảnh: Reuters)

Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh máu trắng hồi tháng 7, ông Katsuo Saito quyết định không điều trị mà lựa chọn phương pháp giảm đau. Trải qua khoảng thời gian khó khăn khi phải chật vật tìm kiếm giường bệnh tại bệnh viện, ông quyết định dành những tuần cuối cùng của cuộc đời để an dưỡng tại nhà.

“Vẫn còn khoảng 20 người trong danh sách chờ (giường bệnh)”, ông Saito, 89 tuổi, chia sẻ với Reuters tại căn hộ trên tầng 5 của ông ở thủ đô Tokyo - nơi ông sống một mình.

Theo thống kê của phòng khám Yamato, hơn 80% người Nhật muốn trút hơi thở cuối cùng ở bệnh viện. Nhiều người tại Nhật Bản không muốn ra đi tại nhà vì họ cảm thấy bệnh viện vẫn là nơi an toàn hơn. Hơn nữa, họ cũng không muốn trở thành gánh nặng cho các thành viên trong gia đình khi phải bỏ công chăm sóc.

Trong bối cảnh chi phí chăm sóc y tế tăng lên và dân số ngày càng già đi, Nhật Bản được kỳ vọng sẽ giải quyết bài toán thiếu giường bệnh trong tương lai. Tuy nhiên, theo một quan chức Bộ Y tế Nhật Bản giấu tên, viễn cảnh này khó có thể xảy ra.

Việc thiếu giường bệnh tại Nhật Bản một phần bắt nguồn từ thời gian nằm viện kéo dài. Theo Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD), số ngày nằm viện trung bình của bệnh nhân tại Nhật Bản trong năm 2015 là 16,5 ngày, trong khi tại Anh con số này chỉ là 6 ngày.

Gói bảo hiểm quốc gia Nhật Bản chỉ cho phép cấp giường bệnh đơn cho một số trường hợp đặc biệt. Những đối tượng hưu trí mắc ung thư phổi giai đoạn cuối như ông Yasuhito Sato, 75 tuổi, không nằm trong diện được hưởng chế độ này.

“Một số người rất giàu, như chính trị gia hoặc ca sĩ, có thể giải quyết tất cả mọi thứ bằng tiền. Họ có thể ở trong những phòng bệnh riêng”, ông Sato cho biết.

Ra đi tại nhà

Ông Mitsuru Niinuma bên cạnh con chó mà ông yêu quý (Ảnh: Reuters)
Ông Mitsuru Niinuma bên cạnh con chó mà ông yêu quý (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, việc chọn cách ra đi tại nhà đang ngày càng trở thành phương án được nhiều người chấp nhận trong bối cảnh giường bệnh trở nên khan hiếm hơn tại Nhật Bản do dân số bị già hóa. Tại Nhật Bản, cứ 4 người sẽ có 1 người trên 65 tuổi. Giới chức y tế dự đoán nước này sẽ thiếu hơn 470.000 giường bệnh từ nay cho tới năm 2030.

Để đáp ứng nhu cầu của những người chọn chết ở nhà, nhiều phòng khám và bệnh viện đã cung cấp dịch vụ cho nhóm đối tượng này. Bác sĩ Yuu Yasui, người sáng lập phòng khám Yamato, cho biết ông hy vọng có thể cung cấp thêm dịch vụ chăm sóc tại nhà cho những người ở giai đoạn “gần đất xa trời” tại Nhật Bản. Kể từ năm 2013 đến nay, phòng khám Yamato đã trông nom cho hơn 500 trường hợp tại nhà trước khi họ qua đời.

“Tôi nghĩ thật tốt khi có một bác sĩ tới hỗ trợ những người muốn dành những ngày cuối cùng và đối diện với cái chết ở nhà - cũng là nơi gắn bó với họ khi còn sống”, bác sĩ Yasui cho biết.

Bác sĩ Yuu Yasui thăm khám cho ông Yasuhiro Sato (Ảnh: Reuters)
Bác sĩ Yuu Yasui thăm khám cho ông Yasuhiro Sato (Ảnh: Reuters)

Đối với Mitsuru Niinuma, 69 tuổi, ông muốn dành những ngày cuối đời ở nhà để có thêm thời gian sống bên cạnh cháu trai và con chó mà ông rất mực yêu quý.

“Chăm sóc tại nhà cho phép con người vận dụng đến mức tối đa sức sống còn lại của bản thân để kéo dài thời gian lâu nhất có thể. Điều đó không dễ làm nếu nằm ở bệnh viện”, ông Niinuma nói.

Trong trường hợp của Yasuhito Sato - người không có bạn bè hay gia đình bên cạnh, ông đã sống một cuộc đời cô độc và chỉ có những điều dưỡng viên tới nhà chăm sóc ông trước khi ông qua đời.

“Ổn thôi. Tôi sẽ không phải là gánh nặng của ai cả. Tôi sẽ lặng lẽ sống một cuộc đời khác. Một mình”, ông Sato nói.

Khi Sato trút hơi thở cuối cùng vào ngày 13/9, những người có mặt trong căn hộ của ông chỉ là các bác sĩ, phụ tá và những người làm dịch vụ tang lễ. Không có bạn bè hay người thân.

Thành Đạt

Tổng hợp