1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mối nguy đến từ Taliban, có còn mới?

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton mới đây cảnh báo tình hình ở Taliban gây “đe dọa nghiêm trọng” cho an ninh tại nước Mỹ và trên toàn cầu. Và Mỹ không phải đã lo ngại quá thái về vấn đề Taliban và tình hình ở Pakistan.

Mối nguy đến từ Taliban, có còn mới? - 1
Trong diễn biến mới nhất, Taliban đã rút khỏi Buner về sào huyệt của chúng ở thung lũng Swat.
 
Tình hình Pakistan, trầm trọng đến mức nào?

 

Vào tháng Hai vừa qua, sau khi phe Taliban chiếm được huyện Swat ở miền Tây Bắc Paksitan, chính phủ Islamabad đã buộc phải ký hiệp định ngừng bắn với phe này, đổi lấy việc thiết lập các tòa án Hồi giáo. Nhưng bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đó, lực lượng Taliban nay lại đang mở rộng tầm kiểm soát ở Pakistan.

 

Trong diễn biến gần đây, Taliban đã chiếm toàn bộ huyện Buner, nằm sát bên huyện Swat. Điều đáng nói là hàng trăm chiến binh Hồi giáo, trang bị tận răng, đã không mấy khó khăn khi tiến vào khu vực chỉ cách thủ đô Islamabad chưa đầy 100 km. Điều nghiêm trọng là Taliban còn tuyên bố muốn mở rộng việc áp dụng luật Hồi giáo Sharia ra toàn bộ lãnh thổ Pakistan. Đây là đạo luật rất nghiêm ngặt mà họ đã áp đặt tại huyện Bunner, như lệnh cấm đàn ông không được cạo râu, cấm phụ nữ không được đi chợ.

 

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cảnh báo về mối đe doạ đối với sự tồn tại của Pakistan và sợ rằng một ngày nào đó, phe Taliban sẽ kiểm soát toàn bộ Pakistan. “Tôi nghĩ chính phủ Pakistan thoái vị trước Taliban và những kẻ cực đoan”. Bà kêu gọi người Pakistan lên tiếng mạnh mẽ về chính sách của nhà cầm quyền - lời kêu gọi được đánh giá là khá bất thường. Bà cho rằng chính sách của Pakistan là “nhượng bộ thêm lãnh thổ cho phiến quân, cho Taliban, cho al-Qaeda, cho các phe nhóm liên quan tới mạng lưới khủng bố này”.

 

Tại sao Mỹ lo lắng?

 

Việc phe Taliban mở rộng vùng kiểm soát ở Pakistan đang gây lo ngại ngày càng nhiều cho chính quyền của Tổng thống Obama, vì Washington xem đây là một mối đe dọa đối với sự tồn tại của cường quốc hạt nhân duy nhất trong khối các nước Hồi giáo và cũng là đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố từ năm 2001.

 

Tổng thống Obama đã xem Afghanistan là ưu tiên số một và đã loan báo gửi thêm 21.000 quân tới nước này. Chiến lược mới của Mỹ cũng bao gồm Pakistan, vì theo Washington, không có sự tham gia tích cực của Pakistan thì không thể nào giải quyết được vấn đề Afghanistan. Thách thức lớn nhất là vùng biên giới Pakistan vẫn là hậu cứ của quân phiến loạn Afghanistan, cứ địa của quân Taliban Pakistan cùng mạng lưới khủng bố al-Qaeda hoạt động chống chính phủ Isalamabad.

 

Việc phe Taliban mở rộng vùng kiểm soát ở Pakistan diễn ra vào lúc tình hình chiến sự gia tăng ở Afghanistan vào thời điểm mùa xuân và vào lúc mà nước này đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 8 tới đây.

 

Ngay từ khi biết rằng huyện Buner sớm muộn gì cũng sẽ lọt vào tay quân Taliban, Mỹ đã có phản ứng rất mạnh. Sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ, Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, đô đốc Michael Mullen, hôm 22/4 đã đến Islamabad để thảo luận với tổng tư lệnh quân đội Pakistan.

 

Taliban, tại sao nguy hiểm?

 

Không chỉ người dân Pakistan hay Afghanistan, mà cả các nước lân cận đang phải từng ngày sống dậy nỗi ám ảnh về một chế độ ngự trị ở Kabul của Afghanistan chỉ 5 năm, nhưng đã để lại những dấu ấn hà khắc trên từng ngõ ngách của thủ đô cổ kính này. 

 

Ít ai biết rằng Taliban từng một thời được chính những người dân ở đây ngưỡng mộ sau thời gian lần đầu tiên được biết đến vào năm 1994. Thời gian đầu, ảnh hưởng của Taliban với nhiều người dân Afghanistan cũng phải khiến những phe phái Hồi giáo thánh chiến ở nước này ngạc nhiên. Nhưng quá tự mãn về “sức mạnh phi thường” cộng thêm những mưu đồ của người cầm đầu, Taliban nhen nhóm một kế hoạch chiếm đóng khác thường. Quá tuyệt đối với ý tưởng về một nhà nước Hồi giáo thuần khiết nhất thế giới đã biến lực lượng này thành một Taliban cực đoan. 

 

Taliban ra lệnh cấm các hoạt động phù phiếm như TV, nhạc nhẽo và phim ảnh, trong khi nỗ lực trấn áp tội phạm đã được tăng cường bằng việc cho ra đời luật Hồi giáo, bao gồm cả tử hình và chém đầu công khai. Một loạt các đạo luật cấm các em gái đến trường và phụ nữ xuất hiện tại công sở đã đẩy lực lượng này vào cuộc xung đột với cộng đồng quốc tế. Những vấn đề này dần dần đã châm ngòi những ngọn lửa oán giận trong người dân Afghanistan. Nên mặc dù đã kiểm soát được 90% lãnh thổ Afghanistan trong 5 năm, chế độ Taliban chỉ được thừa nhận ngoại giao từ ba nước: Pakistan, Arập Xêút và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất.

 

Năm 2001, các thủ lĩnh của lực lượng này bị người Mỹ loại khỏi chiếc ghế quyền lực, nhưng Taliban đang được tổ chức lại, được trang bị vũ khí tốt hơn và xúc tiến các cuộc tấn công nhằm chiếm lại các vùng đất kể cả ở miền Nam Afghanistan bằng cách dựa vào các căn cứ của họ ở Pakistan. Mỹ thừa nhận Taliban “đã kết hợp thành một lực lượng nổi dậy có sức chiến đấu bền bỉ” gần 8 năm sau khi liên quân do Mỹ cầm đầu phát động cuộc tấn công nhằm vào Afghanistan.

 

Nhật Mai

Tổng hợp