1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mổ xẻ nguyên nhân Tổng thống Duterte "dị ứng" Mỹ

(Dân trí) - Với tuyên bố "chia tay" với Mỹ, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã khiến dư luận thế giới bất ngờ. Tuy nhiên, theo giới quan sát, đây chỉ là sự "dồn nén" lâu nay của chính trị gia này về mối quan hệ giữa Philippines và Mỹ.


Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Ảnh: AFP)

Khi có mặt tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh hôm 20/10, nhiều khán giả nghĩ rằng họ sẽ được nghe những đoạn phát biểu về Trung Quốc của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Tuy nhiên, sau tất cả, bài phát biểu này lại không "nhằm" vào Bắc Kinh mà để củng cố những bình luận trước đó của Tổng thống Duterte về quan hệ giữa Philippines và Mỹ, với đỉnh điểm là tuyên bố "tách" khỏi sự phụ thuộc vào Washington trong lĩnh vực kinh tế và quân sự.

Với những người chưa biết tới cựu Thị trưởng thành phố Davao, có lẽ họ rất bất ngờ trước bài phát biểu với lời lẽ "chống" Mỹ của Tổng thống Duterte. Tuy nhiên, các cố vấn và những người thân cận với ông luôn nhấn mạnh rằng quan điểm "không ưa" Mỹ của Tổng thống Duterte rất sâu sắc và quan hệ song phương không thể sớm trở lại quỹ đạo suôn sẻ như trước.

Trả lời phỏng vấn trang mạng Diplomat không lâu sau chuyến thăm Trung Quốc, một cố vấn của Tổng thống Duterte cho biết: "Khó có thể giải thích về quan điểm của ông ấy vì nó là sự tổng hợp từ chính sách, tính cách cá nhân, lịch sử, xuất xứ". Có lẽ để hiểu rõ hơn quan điểm về Mỹ của Tổng thống Duterte, cần phải nhìn lại quá khứ của chính trị gia này, cũng như những giai đoạn trong lịch sử của quốc gia Đông Nam Á.

Xuất thân

Một phần quan điểm không ưa Mỹ của Tổng thống Duterte bắt nguồn từ xuất thân của ông. Dù sinh ra trong một gia đình có truyền thống chính trị, song ông Duterte là Tổng thống đầu tiên tới từ miền Nam Philippines, nơi người dân theo đạo Hồi chiếm đa số so với các nơi khác của Philippines. Trong cuộc phỏng vấn mới đây trên báo Wall Street Journal, chị của Tổng thống Duterte, bà Jocellyn Duterte, tiết lộ rằng chính bà của họ, một người theo đạo Hồi, đã truyền cho ông Duterte tư tưởng Mỹ phải chịu trách nhiệm vì biến Philippines thành thuộc địa trong nửa đầu thế kỷ 20.

Tổng thống Duterte cũng tự nhận mình là người theo cánh tả, xu hướng được củng cố khi ông nghiên cứu khoa học chính trị dưới thời Jose Maria Sison - người đã thành lập Đảng Cộng sản Philippines vào những năm 1960. Do vậy, tư tưởng chống thực dân được cho là một tác động tới quan điểm của Tổng thống Duterte về Mỹ.

Thái độ "chống thực dân" trong thế giới quan của Tổng thống Duterte không chỉ xuất hiện trong các bài phát biểu của ông mà nó còn được gắn chặt với "chính sách đối ngoại độc lập" hiện nay của Philippines. Theo đó, Manila sẽ giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và hướng sang các quốc gia khác, gồm cả Trung Quốc.

Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay ngày 4/10 viết trên mạng xã hội Facebook rằng, Mỹ đã thất bại khi tìm cách sử dụng những "chuỗi vô hình" buộc Manila "hướng tới sự quy phục và lệ thuộc". Ông Yasay cho rằng "chính sách cây gậy và củ cà-rốt" của Mỹ cho Philippines đã được sử dụng hiệu quả trong nhiều năm để buộc người Philippines vào lộ trình đáp ứng "nhu cầu và lợi ích của Mỹ". Ông khẳng định: "Vì vậy, Tổng thống Duterte đang tìm cách giải phóng chúng ta khỏi quá trình này".

Những sứt mẻ trong quá khứ

Dù quan điểm của Tổng thống Duterte về Mỹ bắt đầu từ nguồn gốc của ông song thái độ ngày càng quyết liệt được xây dựng dựa trên những lần "va chạm" giữa chính trị gia này với Washington trong quá khứ. Một ví dụ cụ thể là vào tháng 5/2002, Tổng thống Duterte lúc đó đang là Thị trưởng thành phố Davao. Khi đó, ông cho rằng Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã can thiệp để "thợ săn tiền thưởng" Michael Meiring, một người Mỹ, trốn thoát sau khi người này vô tình kích hoạt thiết bị nổ trong phòng khách sạn của ông ở thành phố Davao.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cũng đã xác nhận rằng vụ việc Meiring "vẫn còn trong tâm trí Tổng thống Duterte". Bộ trưởng Lorenzana nói: "Vụ việc đó xảy ra từ lâu song ông ấy vẫn đề cập tới cảm giác khi Mỹ đưa lực lượng tới thành phố Davao mà không báo trước rồi đưa một người đang trong diện điều tra rời khỏi Philippines".

Ngoài ra, Tổng thống Duterte cũng có thái độ không hài lòng với hệ thống nhập cư của Mỹ. Ông từng được cho là đã bị từ chối cấp thị thực, vụ việc được cho là có sự liên hệ giữa mối quan ngại của Washington tới các vụ sát hại ở thành phố Davao. Bên cạnh đó, cũng có thông tin cho rằng giới chức về di trú của Mỹ trước kia đã coi thường ông Duterte. Một trong những sự vụ mà ông đề cập trong bài phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư và Thương mại ở Bắc Kinh là về việc ông bị thẩm vấn bởi một quan chức nhập cư người Mỹ gốc Phi ở sân bay quốc tế Los Angeles trong lúc trên đường tới Brazil vì thiếu giấy tờ. "Đó là lần cuối cùng tôi tới Mỹ", ông Duterte nói.

Với những "va chạm" nêu trên, không có gì quá ngạc nhiên trong quá trình làm Thị trưởng thành phố Davao, Tổng thống Duterte từng công khai quan điểm phản đối quá trình hợp tác an ninh Mỹ - Philippines, bất chấp việc cuộc tập trận chiến lược Balikatan diễn ra ở vịnh Davao và Lầu Năm Góc muốn sử dụng sân bay ở thành phố này cho các sứ mệnh do thám của máy bay không người lái.

Bất bình hiện tại


Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng gọi Đại sứ Mỹ Philip Goldberg là gã đồng tính. (Ảnh: Getty)

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng gọi Đại sứ Mỹ Philip Goldberg là "gã đồng tính". (Ảnh: Getty)

Tổng thống Duterte được cho là không hài lòng với chính quyền hiện nay của Tổng thống Mỹ Barack Obama, đặc biệt là khi Đại sứ Philip Goldberg đề cập tới chuyện "không hay" trong thời điểm ông đang vận động tranh cử. Tháng 6 vừa qua, Đại sứ Goldberg đã chỉ trích câu nói đùa của ông Duterte về việc ông muốn hãm hiếp nhà truyền giáo xinh đẹp người úcAustralia, nạn nhân bị tấn công tình dục và sát hại trong vụ bạo động ở nhà tù tại thành phố Davao năm 1989.

Khi đã trở thành Tổng thống, ông Duterte vẫn tiếp tục công kích Đại sứ Goldberg, đồng thời cho rằng quan chức ngoại giao này đưa ra lời chỉ trích vào thời điểm chuẩn bị tổng tuyển cử ở Philippines là hành động "can thiệp" gián tiếp.

Trong khi đó, các cố vấn của Tổng thống Duterte cho biết ông vẫn rất tức giận vì những tuyên bố của mình trước đây bị đưa ra khỏi bối cảnh hoặc cố tình hiểu sai. Ví dụ như trong lần đầu tiên mà báo chí phương Tây cho rằng Tổng thống Duterte đã lăng mạ Tổng thống Obama bằng từ tiếng Philippines "putangina", vốn là từ lóng ở quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, cụm từ này cũng được sử dụng ở Philippines chỉ để bày tỏ sự tức giận. Chưa kể, cụm từ này được nói ra là nhằm tới phóng viên lúc đó, không phải nhằm vào Tổng thống Obama.

Ngoài ra, Tổng thống Duterte cũng cảm thấy chính quyền Mỹ không tôn trọng ông theo cách mà họ chỉ trích về cuộc chiến chống ma tuý, một trong những ưu tiên trong nước của ông. Trong cuộc phỏng vấn với kênh Al Jazeera hôm 16/10 trước chuyến thăm Bắc Kinh, Tổng thống Duterte thừa nhận rằng Mỹ có những mối quan ngại của họ song cách mà Washington đưa ra quan điểm không thực sự "tinh tế". Theo ông, Mỹ có thể lựa chọn đưa ra quan ngại ở những diễn đàn quốc tế, thay vì đe dọa rằng nếu Tổng thống Duterte không chấm dứt cái mà họ coi là vi phạm nhân quyền, Washington sẽ cắt giảm viện trợ. Tổng thống Duterte nói: "Điều đó thực sự không thể chấp nhận được. Đó là sai lầm rất nghiêm trọng".

Thời gian tới khi hai nước thay đại sứ mới ở mỗi quốc gia, và Tổng thống Mỹ sẽ tới Manila trong năm 2017 để tham dự các hội nghị ASEAN. Đây được coi là những cơ hội để hai bên "giảng hoà". Hơn nữa, bản thân ông Duterte mỗi khi đưa ra những phát ngôn gay gắt về quan hệ với Mỹ lại lập tức tìm cách "chữa cháy" cho bình luận của ông.

Tuy nhiên, các trợ lý của Tổng thống Duterte cũng thừa nhận rằng họ không chắc ông sẽ thay đổi quan điểm về Mỹ trong nhiệm kỳ 6 năm. Một trợ lý giấu tên nói: "Chúng ta cần phải xem điều chỉnh các bất đồng như thế nào và quá trình đó sẽ mất thời gian”.

Ngọc Anh

Theo Diplomat