1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Michael Bloomberg - Chính trị gia giàu nhất nước Mỹ

Ở tuổi 65, Michael Bloomberg hầu như đã có mọi thứ: một gia tài trị giá hàng tỉ USD, một tập đoàn khổng lồ có sức cạnh tranh mạnh mẽ và một vị trí trang trọng trong chính trường Mỹ. Thế nhưng, ngài Thị trưởng thành phố New York vẫn chưa muốn dừng lại.

Dùng tiền "đánh" vào chính trường

 

Trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ năm 2005 của tạp chí Forbes, Michael Bloomberg xếp thứ 34 với gia tài ước tính 5 tỉ USD, tức là chỉ bằng khoảng 10% tài sản của nhân vật số 1 Bill Gates.

 

Tuy nhiên, trong giới chính trị gia Mỹ, không ai có thể sánh được ngài Thị trưởng New York về khía cạnh giàu có. Ông có nhiều hơn 800 triệu USD so với nhân vật xếp thứ nhì Henry Ross Perot, người từng tranh cử tổng thống Mỹ vào các năm 1992 và 1996. So với Thống đốc Arnold Schwarzenegger của tiểu bang California, Bloomberg giàu hơn gấp 6 lần, 5 tỉ so với 800 triệu của Arnold. Ngài Thị trưởng New York hiện sở hữu hàng loạt biệt thự trên khắp thế giới và thường tự mình lái trực thăng riêng trong những dịp đi đó đây.

 

Thực ra, Michael Bloomberg không phải là chính trị gia tỉ phú hiếm hoi tại Mỹ và trên thế giới. Tại Ý có Thủ tướng Silvio Berlusconi, tại Thái Lan có Thủ tướng Thaksin Shinawatra và tại Nga là cựu Phó thủ tướng Vladimir Potanin. Tất nhiên, làm chính trị thì khó có thể trở thành tỉ phú được. Ông Berlusconi trở nên giàu có nhờ nắm trong tay một tập đoàn truyền thông, ngài Thaksin thì đầu tư vào công nghệ viễn thông còn ông Potanin phất lên nhờ ngành khai khoáng.

 

Michael Bloomberg cũng vậy, ông đã giàu có trước khi trở thành người đứng đầu New York, thành phố lớn nhất nước Mỹ. Gia tài đồ sộ mà ông có được hôm nay chủ yếu nhờ vào tập đoàn truyền thông mang tên mình - Bloomberg L.P.

 

Tại Mỹ, Michael Bloomberg cũng là ví dụ điển hình trong số những người giàu biết dùng tiền để thực hiện tham vọng chính trị. Trong chiến dịch tranh cử năm 2001, ông chủ của Bloomberg L.P. đã làm một "cơn bão tiền" khi tung ra 41 triệu USD tiền túi, nhiều hơn tổng số tiền của tất cả các ứng viên còn lại.

 

Khi đã leo lên đỉnh cao quyền lực, hình ảnh của ông tiếp tục được củng cố bằng những đồng tiền thơm phức. Mỗi năm, người đàn ông giàu có này chi khoảng 100 triệu USD cho các hoạt động văn hóa, giáo dục và y tế.

 

Sau gần 4 năm ngồi trên chiếc ghế quyền lực tại New York, Michael Bloomberg đã tạo dựng được một vị thế vững chắc bên ngoài thương trường. Nhiều người đánh giá ông là một nhà lãnh đạo tài năng và có tấm lòng nhân ái. Tuy nhiên, bên trong lòng thành phố New York vẫn có rất nhiều lời phàn nàn. Lớp dân nghèo nói rằng một ngài thị trưởng quá giàu có sẽ không thể hiểu và thông cảm đối với họ.

 

Bloomberg cũng bị nhiều người đặt cho biệt danh là "kẻ giết chết niềm vui" do ông có nhiều chính sách mạnh tay. Sau khi lên nắm quyền, ông đã ban hành lệnh cấm hút thuốc trong quán bar và vũ trường, buộc những người nghiện thuốc lá phải chạy ra phố mỗi khi muốn kéo vài hơi thuốc.

 

Hành trình chinh phục đỉnh cao

 

Khác với một Bill Gates "ít học", Michael Bloomberg là một doanh nhân thành đạt có một nền tảng học vấn hoàn hảo. Sinh ra trong một gia đình bình dân, ông sớm được tiếp xúc với sách vở thông qua cửa hàng sách nơi cha ông làm việc. Năm 1964, Bloomberg lấy bằng kỹ sư điện tại Đại học Johns Hopkins và sau đó 2 năm, với tấm bằng cao học quản trị kinh doanh của Trường Harvard danh tiếng, ông dễ dàng kiếm được một chân làm việc ở phố tài chính Wall.

 

Từ chỗ đứng ban đầu này, ông đã vạch kế hoạch cho con đường thăng tiến của mình. Bước thứ nhất, Bloomberg nhảy qua Công ty Salomon Brothers. Gần 9 năm sau, công ty này đổi chủ và ông bị gạt ra. Thất nghiệp nhưng lúc này thì Bloomberg đã đủ độ lì để đương đầu với sóng gió. Ông sử dụng số tiền kiếm được sau khi bán cổ phần tại Salomon để thành lập công ty mang tên mình vào năm 1982.

 

Ban đầu, Bloomberg L.P. tập trung chủ yếu vào lĩnh vực cung cấp thông tin và dữ liệu về tài chính cho các doanh nghiệp. Nhờ mối quan hệ sẵn có với nhiều doanh nhân tại phố Wall, Bloomberg nhanh chóng giành được hợp đồng cung cấp thông tin khá béo bở.

 

Từ bước đi ban đầu đó, Bloomberg L.P. nhanh chóng trở thành một tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ phát thanh, truyền hình đến xuất bản, từ Internet đến giáo dục. Hiện Bloomberg L.P. cung cấp thông tin và dữ liệu về tài chính, lịch sử, giá cả... 24 giờ mỗi ngày thông qua 180.000 cổng truyền cho 260.000 khách hàng tại 126 quốc gia.

 

Trong vài năm gần đây, Bloomberg L.P. đã qua mặt Hãng tin Reuters của Anh về số lượng thông tin bán ra. Khách hàng của hãng là 350 tờ báo, tạp chí và trung tâm thông tin trên khắp thế giới. Đài Truyền hình Bloomberg cũng ngày một lớn mạnh, phát sóng qua 10 mạng và với 7 ngôn ngữ khác nhau, trở thành đối thủ đáng gờm của những "đại gia" như CNN, BBC. Bloomberg hiện sử dụng tới 8.000 lao động (trong đó hơn 1.700 là phóng viên và biên tập viên) và có tới 110 văn phòng trên khắp 5 châu. Chương trình đào tạo đại học qua mạng Internet của Bloomberg cũng hết sức thành công, đã thu hút tới 83.000 người tham gia trong 33 khóa học từ trước đến nay.

 

Trong tập đoàn khổng lồ đó, Michael Bloomberg sở hữu tới 72% cổ phần và với sự lớn mạnh không ngừng của Bloomberg L.P., gia tài của ngài Thị trưởng New York cũng ngày một phình to ra. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ muốn dừng lại.

 

"Tôi muốn tiếp tục chinh phục. Tôi muốn được ngưỡng mộ nhiều hơn nữa", Bloomberg quả quyết. Với gia tài đồ sộ và với vị thế hết sức trang trọng hiện nay, việc chiếm được lòng ngưỡng mộ của công chúng có vẻ như không khó lắm đối với Michael Bloomberg. Và khi được ngưỡng mộ nhiều hơn, không chừng tham vọng chính trị của ngài thị trưởng giàu có sẽ còn đi xa hơn nữa.

 

Theo Châu Minh Linh

Thanh niên/BBC, Bloomberg