1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

MERS, Sewol và chuyện xử lý khủng hoảng

Hơn 2.000 trường học đóng cửa, 2.500 người bị cách ly, 95 ca nhiễm và 7 ca tử vong vì Hội chứng suy hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) ở Hàn Quốc.

Song song với cuộc chiến chống lại virus MERS, chính phủ Hàn Quốc đang phải căng mình đối phó với làn sóng chỉ trích của người dân về cách thức xử lý khủng hoảng, nhất là khi nhiều người vẫn chưa nguôi nỗi đau về vụ chìm phà Sewol khiến hàng trăm người thiệt mạng mới xảy ra cách đây một năm.

Kể từ khi dịch MERS bùng phát ngày 20/5, nhiều người dân ngày càng mất lòng tin, thậm chí tức giận với cung cách đối mặt với khủng hoảng của lãnh đạo. Ngành y tế nước này đã để cho bệnh nhân MERS đầu tiên “lang thang” tới 4 bệnh viện suốt 9 ngày rồi mới “bắt” đúng bệnh cho người này. Trước khi bị chẩn đoán nhiễm MERS, bệnh nhân đã “kịp” làm cho hàng chục người bị lây nhiễm virus từ những lần ho, hắt xì hơi. Những người bị nhiễm virus từ bệnh nhân này lại tản ra các bệnh viện khác nhau. Trong khi đó, các quan chức ngành y tế nhất quyết từ chối tiết lộ tên các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân MERS cho đến ngày 5/6.

Người dân tại Seoul đeo khẩu trang phòng MERS. (Ảnh:
Người dân tại Seoul đeo khẩu trang phòng MERS. (Ảnh: THX/TTXVN)

Do mù mờ thông tin, người dân Hàn Quốc chọn cách ở nhà, tránh tụ tập đông người. Rạp chiếu phim, cửa hàng bách hóa, siêu thị đều sụt giảm mạnh doanh thu. Nhiều sự kiện thể thao bị hủy hoặc hoãn. Nhiều trường học ở vùng dịch đã đóng cửa cho dù điều này không thực sự cần thiết. Các đường phố ở thủ đô Seoul và các toa tàu điện ngầm vắng khách cho dù đang là thời điểm lễ Tạ ơn của Hàn Quốc – kỳ nghỉ lớn nhất trong năm.

Các nhà phân tích nhận định: Người dân phản ứng thái quá với dịch chủ yếu do cách xử lý của chính phủ. Ông Dohyeong Kim, giáo sư người Hàn Quốc chuyên ngành y tế toàn cầu thuộc trường Đại học Texas ở Dallas, Mỹ nhận định: “Phần lớn sự hoảng sợ của người dân lúc này không phải là do MERS mà là do không tin vào khả năng xử lý dịch của chính phủ. Để giành lại sự ủng hộ của dư luận, chính phủ nên minh bạch mọi thứ thông qua các nguồn tin đại chúng khác nhau, nỗ lực thông tin cho người dân thay vì có ý định che giấu”.

Đó cũng chính là những gì người dân Hàn Quốc đang kêu gọi trên các phương tiện xã hội, báo chí. Gần nửa đêm ngày 4/6, Thị trưởng Seoul Park Won-Soon đột ngột tổ chức cuộc họp báo khẩn, trong đó ông phàn nàn với báo chí rằng ông không thể liên lạc được với ai trong Bộ Y tế để hỏi về tình hình MERS. Ông tuyên bố sẽ tự lập đội phản ứng riêng cấp thành phố cho Seoul.

Bộ Y tế Hàn Quốc đã xin lỗi vì đã phản ứng lỏng lẻo và không phù hợp. Nhưng lời xin lỗi không làm người dân hài lòng, đặc biệt là khi họ vẫn chưa quên ký ức về việc phản ứng chậm trễ của chính phủ trong vụ chìm phà Sewol. Cách đây mới một năm, chiếc phà Sewold đã bị lật trên biển khi chở hàng trăm học sinh.

Về vụ chìm phà, ông Dohyeong Kim nói: “Chính quyền của bà Park không thể hiện bất kỳ sự chuyên nghiệp nào trong quy trình xử lý vụ việc, trong giải cứu nạn nhân, liên lạc với gia đình nạn nhân và thông tin cho dư luận”.

Phản ứng của chính phủ Hàn Quốc trong cuộc khủng hoảng MERS không khác gì thời điểm xảy ra vụ chìm phà Sewol. Nhiều người coi dịch MERS là “cuộc khủng hoảng dịch bệnh kiểu Sewol”. Ngành y tế Hàn Quốc đã đánh mất cơ hội kiềm chế dịch khi họ chỉ giám sát những người ở cùng phòng với bệnh nhân đầu tiên. Nếu họ hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn, dịch MERS đã không lan rộng đến thế. Còn trong vụ Sewol, chính phủ Hàn Quốc đã lãng phí khoảng “thời gian vàng” – tức là những giờ đầu tiên sau khi phà chìm – để giảm thiểu số nạn nhân tử vong. Theo bài xã luận trên tờ The Korea Times, tất cả là do thiếu năng lực và thiếu trách nhiệm.

Điểm giống thứ hai giữa hai cuộc khủng hoảng là Hàn Quốc không có một cơ quan kiểm soát để giám sát và điều phối hành động xử lý khủng hoảng, dẫn tới chỗ thừa nhân lực, chỗ thiếu nhân lực. Hồi xảy ra dịch SARS năm 2003, Hàn Quốc kiềm chế thành công dịch là vì khi ấy có thủ tướng đứng ra làm nhiệm vụ điều phối các bộ ngành. Còn hiện nay, Hàn Quốc đã không có thủ tướng cả tháng nay.

Về mặt thông tin cho dư luận, chính phủ Hàn Quốc cũng bị chỉ trích vì tìm cách hạn chế thông tin trong vụ chìm phà. Còn trong dịch MERS, họ tìm cách giấu nhẹm tên các bệnh viện cho đến khi không thể chịu được sức ép dư luận, buộc phải công bố vì dịch bắt đầu lan nhanh. Họ nói không công khai tên 24 bệnh viện đó vì… sợ ảnh hưởng đến các bệnh viện về mặt thương mại, tức là sợ người dân tránh xa các viện này, gây sụt giảm doanh thu.

Trong lúc nước sôi lửa bỏng, cảnh sát Hàn Quốc lại đang dồn sức điều tra những người bị cáo buộc phát tán tin đồn thiếu căn cứ trên Internet. Họ cũng điều tra xem ai là người rỏ rỉ tài liệu liệt kê tên các bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân MERS. Dư luận Hàn Quốc cho rằng chính phủ nên dồn nguồn lực vào việc dập dịch, thông tin minh bạch cho người dân một cách nhanh chóng, thay vì phân tán lực lượng vào những cuộc điều tra không cần thiết vào lúc này.

Có thể nói, cách duy nhất để kiềm chế sự hoảng loạn ngày càng tăng là minh bạch thông tin. Nếu không, nỗi sợ của người dân sẽ trở thành mối đe dọa lớn hơn cả MERS.

Theo Thùy Dương