1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Máy bay Mỹ giám sát Biển Đông: "Chuyển trục" giờ mới bắt đầu?

Mỹ bắt đầu điều máy bay do thám tối tân đến Biển Đông, đồng thời chia sẻ dữ liệu đó theo thời gian thực với Philippines.

Thêm động thái của Mỹ với châu Á-Thái Bình Dương

Theo tin ngày 26/2, Mỹ bắt đầu điều động máy bay do thám tối tân nhất P-8A Poseidon rời căn cứ ở Philippines để tuần tra trên Biển Đông, hải quân Mỹ cho biết ngày 26/2.

Mỹ cũng đã hứa sẽ chia sẻ thông tin thời gian thực với Philippines về những gì đang xảy ra trên Biển Đông trong lúc Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động (cải tạo bất hợp pháp).

Hải quân Mỹ cho biết, P-8A đã được chứng minh năng lực hoạt động trong cả hai khu vực, ven bờ và ngoài khơi. "Đó là một cơ hội tuyệt vời khi làm việc cùng với các thành viên lực lượng vũ trang Philippines", Trung úy Hải quân Mỹ Matthew Pool, chỉ huy bay cho biết. "Chia sẻ khả năng của chiếc máy bay này với đồng minh của chúng tôi chỉ củng cố thêm quan hệ giữa chúng ta".

Mỹ vẫn tuyên bố khống đứng về bên nào trong các bên tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi giải quyết vấn đề thông qua đàm phán thương lượng trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Washington cũng kêu gọi chặn đứng các hành động khiêu khích trên Biển Đông, nhưng Bắc Kinh phản đối sự can thiệp của Mỹ vào sự vụ khu vực. Bắc Kinh chỉ trích Mỹ "bênh" Việt Nam và Philippines thông qua chiến lược "xoay trục sang châu Á".
 
Máy bay do thám P-8A Poseidon của Mỹ
Máy bay do thám P-8A Poseidon của Mỹ

P-8A đã được triển khai ở Philippines trong 3 tuần, chiếc máy bay này đã có 180 giờ bay do thám trên Biển Đông. Đại tá Restituto Padilla, người phát ngôn lực lượng vũ trang Philippines cho biết: "Chúng tôi mong đợi máy bay trinh sát được triển khai nhiều hơn ở Philippines và tăng tần suất cất cánh."

Song song với hoạt động của P-8A Poseidon, vừa qua hải quân Mỹ cũng tuyên bố trong năm 2015, họ sẽ đưa thêm nhiều khí tài hiện đại đến các căn cứ của Nhật Bản. Trong số đó phải kể đến tuần dương hạm cỡ lớn lớp Ticonderoga - USS Chancellorsville.

Tuần dương hạm này sẽ gia nhập lực lượng hải quân triển khai tiền phương (FDNF) của Mỹ tại căn cứ hải quân Yokosuka, gần thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Nhiệm vụ của USS Chancellorsville là tăng sức phòng không cho lực lượng Mỹ trước các tên lửa diệt hạm của Trung Quốc và gia tăng sức mạnh cho đồng minh Nhật Bản.

Ngoài ra, Mỹ cũng lên kế hoạch triển khai thêm nhiều hệ thống radar cảnh báo sớm hiện đại bậc nhất đến các căn cứ quân sự của nước này hoặc sẽ hạ đặt ở những địa điểm mà Tokyo mong muốn.

Chuyển trục giờ mới bắt đầu?

Các hành động liên tiếp của Mỹ cho thấy Washington bắt đầu xốc lại chiến lược chuyển trục định hướng châu Á - Thái Bình Dương, vốn đang bị chỉ trích là chưa thực sự quyết liệt như những gì mà Tổng thống Obama - người vạch ra chiến lược hô hào.

Thực tế những gì chính quyền của Tổng thống Obama thể hiện khiến nhiều đồng minh của họ ở châu Á - Thái Bình Dương cảm thấy không được yên tâm. Xét trong năm 2014, nửa đầu năm, Mỹ liên tiếp có những hành động gia tăng ảnh hưởng tới khu vực này, thậm chí có nhiều phát ngôn không kiêng nể Bắc Kinh trong sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981.
 
Tuần dương hạm cỡ lớn lớp Ticonderoga - USS Chancellorsville

Tuần dương hạm cỡ lớn lớp Ticonderoga - USS Chancellorsville

Tuy nhiên, nửa cuối năm 2014, các hoạt động của Mỹ thưa dần và không xứng với những gì mà Tổng thống Obama đã tuyên bố, khi coi chiến lược chuyển trục này là quan tâm hàng đầu của Mỹ. Thay vào đó, Washington phát động cuộc đối đầu với Nga xung quanh chính biến Ukraine.

Tiếp đến, chính quyền Obama cũng phát động cuộc chiến với Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và mở ra một liên minh mới. Những vấn đề này khiến các đồng minh châu Á - Thái Bình Dương cho rằng Mỹ đã có quá nhiều mối lo.

Bản thân các chính khách của Quốc hội lưỡng viện cũng cho rằng chính quyền Obama không thực hiện được những gì đã nói trong kế hoạch kìm chế, cô lập Trung Quốc, trong khi ngày càng khiến Bắc Kinh và Moscow siết chặt với nhau.

Phải nói rằng Quốc hội lưỡng viện sau khi được kiểm soát bởi phe Cộng hòa, sức ép buộc Tổng thống Obama phải thực hiện tích cực những tuyên bố của mình ngày càng lớn.

Trong thông điệp năm mới mà Tổng thống Obama tuyên bố, ông vẫn tái khẳng định châu Á - Thái Bình Dương là mối quan tâm hàng đầu, là định hướng cho tương lai bền vững của Mỹ.

Và nhiều nhà nhận định đã cho rằng năm 2015 sẽ là năm bản lề, khi diễn ra liên tiếp những hành động được cho là tích cực, quyết liệt của Mỹ tới khu vực này, trong bối cảnh Bắc Kinh cũng bắt đầu sốt sắng cho kế hoạch thay đổi hiện trạng Biển Đông của họ.

Theo Đỗ Phong (tổng hợp)
Đất Việt