1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ điều máy bay trinh sát tân tiến nhất tuần tra Biển Đông

(Dân trí) - Mỹ hôm qua 26/2 lần đầu thừa nhận đã triển khai máy bay trinh sát săn ngầm hiện đại nhất P-8A Poseidon ở ngoài khơi Philippines, thực hiện sứ mạng tuần tra Biển Đông trong tháng này, giữa lúc Trung Quốc có những hành động ngang ngược tại vùng biển "nóng".

Máy bay trinh sát P-8A Poseidon còn được gọi là sát thủ săn tàu ngầm. (Ảnh:

Máy bay trinh sát P-8A Poseidon còn được gọi là "sát thủ săn tàu ngầm". (Ảnh: IB Times)

Báo chí phương Tây dẫn thông cáo của hải quân Mỹ hôm qua 26/2 cho biết, tính đến ngày 21/2, các phi cơ P-8A Poseidon đã được triển khai ở ngoài khơi Philippines trong 3 tuần và đã thực hiện hơn 180 giờ bay trên Biển Đông.

P-8A Poseidon (còn được gọi là “Hải thần” P-8A) là loại máy bay tuần tiễu trên biển đa chức năng do hãng Boeing nghiên cứu, chế tạo riêng cho nhiệm vụ tuần tra trên biển, trong đó tập trung chủ yếu là tính năng tác chiến chống ngầm.

P-8A có chiều dài 39 m, cao 12 m, sải cánh 35 m, trọng lượng rỗng 62 tấn, tải trọng bay tối đa 85 tấn, P-8A Poseidon sử dụng 2 động cơ phản lực CFM56-7B27A, hành trình tối đa trên 11.000 km, bán kính tác chiến 4800km, tốc độ bay tối đa là 900 km/h, tốc độ bay tuần tra thông thường 400km/h.

Theo phát ngôn viên của lực lượng vũ trang Philippines, Đại tá Restituto Padilla, Hải quân Mỹ từ năm 2012 đã triển khai máy bay trinh sát P-3C Orions từ các căn cứ ở Philippines theo một thỏa thuận an ninh song phương, trong đó lực lượng Mỹ luân chuyển đến nước đồng minh.

Đến năm ngoái, các máy bay P-8A thay thế cho Orions tới hoạt động ở Philippines nhưng 2 nước đồng minh trên không thông báo rộng rãi về sự thay đổi này. 

"Chúng tôi mong đợi Mỹ sẽ triển khai nhiều máy bay trinh sát ở Philippines hơn", ông Padilla nói.

"Đây là một cơ hội tốt để cùng hợp tác với các thành viên của lực lượng vũ trang Philippines… và tăng cường quan hệ đồng minh giữa hai nước", Trung tá Mỹ Matthew Pool, chỉ huy phi đoàn chiến đấu số 4, nhận định.

Theo Hải quân Mỹ, đây là dịp để thể hiện năng lực của P-8A trong môi trường ven biển và vùng biển khơi, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm với lực lượng quân đội Philippines.

Washington là đồng minh thân thiết nhất và lâu đời nhất của Manila. Hai nước đã cam kết chia sẻ thông tin tức thời về các diễn biến trong vùng biển Philippines trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng gia tăng hoạt động trên Biển Đông.

Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với 90% diện tích Biển Đông, bất chấp phản đối của nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Philippines và Việt Nam. 

Trung Quốc từng đưa ra tuyên bố chủ quyền phi lý với “đường lưỡi bò” nuốt trọn gần như toàn bộ Biển Đông, nơi có khoảng 5.000 tỉ USD hàng hóa được vận chuyển bằng tàu đi qua mỗi năm.

Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp nhưng thúc giục các bên đàm phán, xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Mỹ cũng kêu gọi Trung Quốc ngừng các hoạt động khiêu khích trên biển, nhưng Bắc Kinh nói rằng Mỹ không phải là bên liên quan trong các vấn đề khu vực.

Bắc Kinh cũng chỉ trích Mỹ khi nước này hỗ trợ cho các nước khu vực như Việt Nam và Philippines về mặt quân sự thông qua chiến dịch “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama.

Thoa Phạm
Tổng hợp