1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Máy bay Malaysia trúng tên lửa: Sức ép quốc tế đè nặng lên Nga

(Dân trí) - Việc chuyến bay MH17 của Malaysia trúng tên lửa và bị rơi tại miền Đông Ukraine đang đặt Nga trước sức ép lớn từ cộng đồng quốc tế, khi rất nhiều nước cho rằng những phiến quân ly khai được Nga hậu thuẫn có liên quan đến thảm kịch này.

Đến nay Mỹ đã có những chỉ trích công khai việc Nga vũ trang cho các phần tử ly khai tại Đông Ukraine.

Nhà Trắng, dù không trực tiếp quy trách nhiệm cho Kremlin khiến chiếc máy bay mang theo 298 người bị phá hủy, nhưng đã gắn những nhận xét của mình với sự ủng hộ của Mátxcơva cho các phần tử ly khai, và hối thúc Tổng thống Putin ngừng làm tình hình thêm căng thẳng, và có “những bước đi rõ ràng” để hạ nhiệt.

Các nhân viên cứu hộ kiểm tra hiện trường vụ máy bay rơi
Các nhân viên cứu hộ kiểm tra hiện trường vụ máy bay rơi

Tổn thất khổng lồ về người trong vụ tai nạn, vốn đến ngay sau khi Mỹ tăng cường trừng phạt Nga vì cung cấp vũ khí cho phe ly khai, có nguy cơ sẽ tạo ra những hậu quả sâu rộng và khó lường.

Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình đã có một trong những bình luận mạnh mẽ nhất, khi nói rằng có những dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy các phiến quân do Nga hậu thuẫn phải chịu trách nhiệm, và cần có hành động để “khiến Putin biết rằng ông ta đã đi quá xa và chúng ta sẽ không chịu khoanh tay đứng nhìn”.

Bà Clinton kêu gọi EU gia tăng hơn nữa các lệnh cấm vận với Nga, trong khi thủ tướng Úc yêu cầu Nga giải thích về thảm kịch, bởi “giờ có vẻ chắc chắn rằng máy bay bị bắn hạ bởi tên lửa đất đối không do Nga cung cấp”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel thì nói rằng vẫn còn quá sớm để ra quyết định về các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn. “Vụ việc liên quan đến chiếc máy bay, như tối nhớ, thì diễn ra chưa đầy 24 giờ, và tại lúc này chúng ta cần phải tiến hành một cuộc điều tra độc lập”.

Trên chuyến bay MH17, có 173 hành khách mang quốc tịch Hà Lan, 44 người Malaysia, 27 người Úc, 12 người Indonesia, 4 người Đức, 4 người Bỉ, 3 người Phillippines, 1 người Canada, 1 người New Zealand và 9 người được cho là công dân Anh. Có 20 hành khách vẫn chưa được nhận dạng.

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết: “Chúng tôi đang nghiên cứu dữ liệu hành khách, đối chiếu thông tin để xác định chính xác số lượng và danh tính những người mang quốc tịch Anh”.

Kiev và Mátxcơva hiện vẫn đang đổ lỗi cho nhau về thảm họa này.

Ông Putin đã lệnh cho các cơ quan dân sự và quân sự hợp tác điều tra, nhưng theo thông báo của điện Kremlin “bi kịch này xảy ra trên lãnh thổ quốc gia nào thì nước đó phải chịu trách nhiệm”.

Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin sáng nay thì tuyên bố không có chuyện tên lửa có nguồn gốc từ quân đội Ukraine. Ông khẳng định quân đội nước mình không triển khai tên lửa loại đó tại khu vực xảy ra thảm kịch, và rằng cũng không có tên lửa nào bị các tay súng ly khai chiếm giữ những tuần gần đây.

Tên lửa Buk, nghi phạm chính của thảm kịch
Tên lửa Buk, nghi phạm chính của thảm kịch

Các chuyên gia an ninh và quân sự thì khẳng định hệ thống tên lửa đất đối không Buk do Nga chế tạo, vốn được biết tới nằm trong tay những tay súng ly khai thân Nga ở Ukraine, rất có thể là thủ phạm.

Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết máy bay có vẻ như đã bị “nổ tung trên bầu trời”, còn cơ quan tình báo Ukraine thì công bố băng ghi âm đoạn đối thoại được cho là giữa các lãnh đạo của phe ly khai, thảo luận việc người của họ chịu trách nhiệm về vụ tấn công với các sỹ quan Nga.

Trong hôm nay, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã có một cuộc họp khẩn, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế không ngừng kêu gọi cần có phản ứng.

Thông cáo báo chí của Hội đồng này kêu gọi tiến hành “một cuộc điều tra đầy đủ, kỹ lưỡng, độc lập và mang tính quốc tế” đối với vụ máy bay rơi, và “phải có trách nhiệm giải trình thỏa đáng”.

“Rõ ràng phải có một cuộc điều tra đầy đủ, minh bạch và mang tính quốc tế”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon khẳng định khi bày tỏ sự chia buồn với gia đình các nạn nhân.

Thanh Tùng
Theo Guardian