1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Máy bay dùng năng lượng mặt trời hoàn thành chuyến bay vòng quanh thế giới

(Dân trí) - Máy bay vận hành hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời Solar Impulse 2 ngày 25/7 đã hạ cánh xuống sân bay ở thủ đô Abu Dhabi của UAE (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất), hoàn thành chuyến bay vòng quanh thế giới lịch sử.

Máy bay dùng năng lượng mặt trời hoàn thành chuyến bay vòng quanh thế giới

Máy bay Solar Impulse 2 chạy hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời (Ảnh: AFP)
Máy bay Solar Impulse 2 chạy hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời (Ảnh: AFP)

Vào thời điểm 20h ngày 25/7 (theo giờ địa phương), khi máy bay vận hành hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời Solar Impulse 2 đáp xuống sân bay Al Bateen ở Abu Dhabi, máy bay này đã vượt qua chặng đường gần 40.000 km, xuyên qua 4 châu lục gồm châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu, Bắc Phi và 2 đại dương là Thái Bình Dương, Đại Tây Dương. Các quốc gia mà Impulse 2 từng dừng lại gồm: Oman, Ấn Độ, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Tây Ban Nha, Italy, Ai Cập và Ả Rập Xê út.

Máy bay Solar Impulse 2 hạ cánh xuống sân bay Al Bateen ở Abu Dhabi ngày 25/7 (Ảnh: BBC)
Máy bay Solar Impulse 2 hạ cánh xuống sân bay Al Bateen ở Abu Dhabi ngày 25/7 (Ảnh: BBC)
Chặng bay cuối cùng của Solar Impulse 2 là từ Cairo (Ai Cập) tới Abu Dhabi (UAE) (Ảnh: Reuters)
Chặng bay cuối cùng của Solar Impulse 2 là từ Cairo (Ai Cập) tới Abu Dhabi (UAE) (Ảnh: Reuters)
Nhiều phóng viên tới đưa tin về sự kiện lịch sử của một máy bay bay vòng quanh thế giới với nhiên liệu hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời (Ảnh: EPA)
Nhiều phóng viên tới đưa tin về sự kiện lịch sử của một máy bay bay vòng quanh thế giới với nhiên liệu hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời (Ảnh: EPA)
Phi công Bertrand Piccard (phải) và phi công Andre Borschberg, đến từ Thụy Sĩ, là hai người thay phiên nhau điều khiển Solar Impulse 2 bay vòng quanh thế giới (Ảnh: EPA)
Phi công Bertrand Piccard (phải) và phi công Andre Borschberg, đến từ Thụy Sĩ, là hai người thay phiên nhau điều khiển Solar Impulse 2 bay vòng quanh thế giới (Ảnh: EPA)
2 phi công mang theo cờ Thụy Sĩ vẫy tay chào mọi người có mặt tại sân bay Al Bateen ở Abu Dhabi (Ảnh: Getty)
2 phi công mang theo cờ Thụy Sĩ vẫy tay chào mọi người có mặt tại sân bay Al Bateen ở Abu Dhabi (Ảnh: Getty)

Ông Bertrand Piccard và người đồng sáng lập dự án Solar Impulse, ông Andre Borschberg, đã luân phiên điều khiển chiếc máy bay dùng năng lượng mặt trời này kể từ khi khởi hành từ Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất hồi năm 2015 để bắt đầu hành trình bay vòng quanh thế giới. Ông Borschberg, 63 tuổi, đã xác lập kỷ lục thế giới là phi công bay một mình không nghỉ trong thời gian lâu nhất khi ông lái chiếc Solar Impulse 2 trong suốt 118 giờ đồng hồ, hoàn thành chặng bay kéo dài 8.924 km từ Nagoya (Nhật Bản) đến Hawaii (Mỹ).

Là người điều khiển Solar Impulse trong chặng bay cuối cùng từ Cairo (Ai Cập) tới Abu Dhabi (UAE), phi công Piccard đã đăng tải trên trang mạng xã hội Twitter của mình rằng: “Lần đầu tiên trong lịch sử một máy bay sử dụng năng lượng sạch có thể bay vòng quanh thế giới, Solar Impulse mới chỉ là bước khởi đầu”. Cũng theo ông Piccard, đi vòng quanh thế giới trên chiếc máy bay mang tính tiên phong trong lịch sử như Solar Impulse 2 là một cuộc phiêu lưu thực sự đối với ông.

Solar Impulse 2 bay qua các Kim tự tháp Ai Cập ngày 13/7/2016 (Ảnh: Solar Impulse)
Solar Impulse 2 bay qua các Kim tự tháp Ai Cập ngày 13/7/2016 (Ảnh: Solar Impulse)

Ngoài ra, phi công Piccard cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng sạch đối với thế giới ngày nay. “Mục tiêu của Solar Impulse 2 không phải để thay đổi ngành hàng không thế giới mà là để khuyến khích mọi người sử dụng những công nghệ có thể tái tạo được và cho mọi người thấy rằng họ có thể sử dụng những công nghệ này hằng ngày để có cuộc sống tốt đẹp hơn… Nếu chúng ta muốn bảo vệ môi trường, muốn chống lại biến đổi khí hậu, muốn những người nghèo nhất ở các làng mạc xa xôi trên thế giới được tiếp cận với năng lượng thì đó là nguồn năng lượng tái tạo”, ông Piccard nói.

Solar Impulse 2 là máy bay không chạy bằng nhiên liệu thông thường mà sử dụng hoàn toàn nguồn năng lượng mặt trời. Chiếc máy bay có duy nhất một chỗ ngồi này có độ sải cánh là 72m, dài hơn cả máy bay Boeing 747 và được trang bị hơn 17.000 tấm pin năng lượng mặt trời. Vào ban ngày trong điều kiện nhiều ánh sáng, các tấm pin này sẽ tích lũy điện năng, từ đó sẽ cho phép máy bay có khả năng thực hiện các chuyến bay vào ban đêm. Tuy nhiên, để tích đủ năng lượng cho máy bay, ban ngày máy bay phải được bay trong điều kiện thời tiết nhiều nắng.

Hành trình bay của Solar Impulse 2 (Ảnh: AFP)
Hành trình bay của Solar Impulse 2 (Ảnh: AFP)

Do được chế tạo bằng sợi carbon nên Solar Impulse 2 có trọng lượng chưa đến 2.300 kg, tức là chỉ tương đương với một chiếc xe hơi. Tuy nhiên, cũng vì trọng lượng nhẹ nên máy bay này dễ bị tác động bởi các yếu tố vật lý. Solar Impulse 2 chỉ di chuyển với tốc độ khoảng 80 km/giờ, tức là chỉ bằng 10-15% tốc độ của một máy bay phản lực thông thường, vì vậy nó cần phải bay trong nhiều giờ liền.

Dự án máy bay chạy bằng năng lượng mặt trời của Solar Impulse được khỏi xướng từ năm 2003 nhằm phát triển một mô hình máy bay mới thân thiện với môi trường. Chi phí ước tính cho dự án này khoảng 100 triệu USD trong 10 năm, với gói tài trợ chính của công ty năng lượng sạch Masdar ở Abu Dhabi và nhiều nhà tài trợ phụ khác. Chuyến hành trình vòng quanh thế giới của Solar Impulse 2 bắt đầu từ ngày 9/3/2015 và kết thúc ở nơi xuất phát là Abu Dhabi.

Thành Đạt

Tổng hợp