1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Máy bay chiến đấu J-10 Trung Quốc xuất khẩu ầm ầm… trên mạng

Trong mấy năm qua, truyền thông Trung Quốc đã nhiều lần đưa tin về các hợp đồng bán máy bay chiến đấu quốc nội thế hệ mới nhất của Trung Quốc là J-10 nhưng cho đến nay, các hợp đồng này vẫn chỉ là tin vịt, hiện J-10 vẫn không thể bán cho bất cứ nước nào.

 

Là loại máy bay chiến đấu quốc nội hàng đầu của Trung Quốc, nên việc J-10 bước ra thị trường xuất khẩu luôn là tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc và quốc tế. Tuy nhiên, theo tiết lộ mới nhất của trang mạng Defence News, khách hàng tiềm năng nhất của J-10 là Pakistan có thể sẽ trì hoãn kế hoạch mua loại máy bay chiến đấu này, vì lí do kinh tế và tham vọng theo đuổi một công nghệ tiên tiến hơn.

Defence News cho biết, trước đây đã có thông tin là ngay từ năm 2009, Pakistan đã bỏ ra 1,4 tỷ USD để ký hợp đồng với Trung Quốc mua 36 chiếc J-10. Cuối tháng 9 năm ngoái, một đoàn đại biểu quân sự Trung Quốc đã sang thăm Pakistan, nhưng không rõ nội dung đàm phán về J-10 có nằm trong chương trình nghị sự của đoàn này hay không. Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự Pakistan Kaiser Tufeller cho rằng, điều này là rất khó.

Máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc

Máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc

Trong điều kiện kinh tế hiện nay, Pakistan không đủ ngân sách để hoạch định các kế hoạch mua sắm vũ khí mới trong vòng vài ba năm tới. Theo các điều kiện cho vay của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, chính phủ Pakistan phải cắt giảm các khoản chi, trong đó chủ yếu là về mua sắm vũ khí, trang bị. Ngay cả khi một số đồng minh vùng Vịnh hỗ trợ kinh phí, thì ông Tufeller vẫn khẳng định, sự lựa chọn máy bay chiến đấu F-16 đã được kiểm nghiệm chất lượng là phù hợp nhất, so với J-10 còn tương đối lạ lẫm với quân đội Pakistan.

Bài viết phân tích, cũng có thể là Pakistan sẽ cân nhắc để mua J-10B, đây là phiên bản nâng cấp mới nhất của J-10, gần như là một thiết kế hoàn toàn mới. Trong chuyến bay thử lần đầu tiên năm 2009, J-10B sử dụng động cơ quốc nội WS-10A để thay cho loại AL-31FN của Nga. Nhà phân tích quân sự châu Á-Thái Bình Dương Richard Fisher cho rằng, J-10B được trang bị thêm các thiết bị tìm kiếm hồng ngoại và cửa hút khí cũng được thu hẹp lại làm tăng tính năng tàng hình, đồng thời khoang lái và các thiết bị điện tử cũng được nâng cấp mạnh hơn so với J-10.

Chuyên gia Tufeller đưa ra nhận định, việc theo đuổi công nghệ tiến tiến sẽ khiến cho Pakistan từ bỏ ý định mua J-10 và có thể theo đuổi kế hoạch mua máy bay chiến đấu tàng hình J-20. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, J-20 là loại máy bay dự định trong tương lai xa bởi hiện nay nó vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm, các tính năng còn chưa định hình rõ ràng, vì vậy, nói về kế hoạch mua J-20 ở thời điểm hiện tại e là quá sớm.

 

Biên đội máy bay JF-17 Thunder của Pakistan (phiên bản xuât khẩu của FC-1 Trung Quốc)

Biên đội máy bay JF-17 Thunder của Pakistan (phiên bản xuât khẩu của FC-1 Trung Quốc)


Tuy nhiên, ngay cả khi Pakistan muốn mua J-10 cũng không phải là đơn giản. Trong buổi trả lời phỏng vấn của “Thời báo Hoàn Cầu” ngày 25-09, Phó Tổng giám đốc Công ty xuất khẩu công nghệ hàng không Trung Quốc Mã Chí Bình, đã từng phát biểu: “Với tinh thần trách nhiệm, tôi có thể khẳng định là J-10 không được xuất khẩu sang Pakistan. Để bán một loại máy bay chiến đấu, đầu tiên là phải có giấy phép xuất khẩu quốc gia, nhưng cho đến nay J-10 không hề có bất cứ loại giấy phép xuất khẩu nào”.

Ông Mã Chí Bình cũng cho biết thêm, hiện nay có rất nhiều quốc gia châu Á và Mỹ latin đã khảo giá của J-10, có những nước đã đặt vấn đề hỏi mua hoặc hợp tác phát triển. Trong số này, bao gồm cả các bạn hàng truyền thống của Trung Quốc, nhưng cũng có rất nhiều quốc gia đang sở hữu rất nhiều máy bay chiến đấu của Liên Xô và Nga, đồng thời cũng có cả khách hàng đang dùng các loại máy bay chiến đấu của Pháp.

Theo Đức Thắng
An ninh thủ đô/Defence News