Mâu thuẫn NATO dâng cao, Thổ Nhĩ Kỳ muốn thoát liên minh?
Tổng thống Erdogan nói NATO lên kế hoạch tấn công Ankara, có thể xem xét lại tư cách thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ.
RT dẫn báo Haberturk của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang ngày càng dâng cao sau sự cố lấy ảnh chân dung Tổng thống Erdogan làm bia đỡ đạn, coi như kẻ thù.
Tờ Haberturk dẫn lời cố vấn trưởng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - ông Yalcın Topcu cho rằng, nước này nên xem xét lại tư cách thành viên của mình trong liên minh quân sự này.
Ông Yalcın Topcu nhắc tới lực lượng hùng hậu của Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ 2 trong khối NATO, chỉ sau Mỹ nhưng hành động của liên minh đối với Ankara là "tàn bạo và không khoan nhượng".
"Sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ vĩ đại trong tổ chức NATO đã trở nên đáng nghi ngại" - ông Topcu nói.
Trong khi đó, Tổng thống Erdogan cũng không nguôi ngoai khi nhắc tới sự cố mà NATO miêu tả ông là "kẻ thù" trong cuộc tập trận ở Na Uy và cảnh báo NATO đang lên kế hoạch thực hiện cuộc tấn công vào Thổ Nhĩ Kỳ.
"Những gì NATO đã làm là một vụ xì-căng-đan" - Tổng thống Erdogan nói trong một cuộc họp của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) ở tỉnh Bayburt hôm Chủ nhật.
"Họ biết rằng họ không thể ngăn bước chúng ta, đó là lý do tại sao họ ghim chúng ta vào bảng mục tiêu. Vấn đề không phải là cá nhân Tổng thống hay đó chỉ là cuộc diễn tập. Chúng ta đang trở thành mục tiêu. Mục tiêu của họ bây giờ là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ".
Nói tới kịch bản tấn công Thổ Nhĩ Kỳ của NATO, Tổng thống Erdogan cảnh báo, Ankara đủ tiềm lực để chống trả.
"Ngày nay đã có một Thổ Nhĩ Kỳ không thể so sánh với 15 năm trước trong mọi lĩnh vực - từ nền kinh tế đến ngành công nghiệp quốc phòng và từ thương mại sang ngoại giao. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất vũ khí và xe tăng của riêng mình" - ông Erdogan cảnh báo.
Căng thẳng xảy ra sau khi cơ quan tổ chức cuộc diễn tập chung của các quốc gia thành viên NATO được tổ chức tại Na Uy mắc phải sai lầm lớn khi in ảnh chân dung của Tổng thống Recep Tayip Erdogan và nhà sáng lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Ataturk xuất hiện trong bảng mục tiêu được chỉ định dành cho "kẻ thù".
Ngay lập tức 40 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ được cử tới tham gia cuộc tập trận đã bỏ về.
"Không đời nào lại có một liên minh như vậy" - Tổng thống Erdogan nói.
Sau đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã phát đi một tuyên bố trong đó gửi lời xin lỗi tới Tổng thống Erdogan về sự cố trên. Đây là một "hành động của cá nhân" và "không phải ánh quan điểm" của liên minh.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen cũng đã xin lỗi Tổng thống Erdogan vì những chuyện đã xảy ra trong cuộc tập trận. Na Uy cũng đã đuổi việc nhân viên trực tiếp gây ra sự cố trên.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã không chấp nhận lời xin lỗi này.
"Hôm qua, các bạn đã chứng kiến sự thiếu kiên nhẫn trong các bài tập của NATO ở Na Uy" - ông Erdogan nói trong một sự kiện được chiếu trên truyền hình hôm thứ Bảy. "Có một số sai lầm mà kẻ ngu ngốc không thể phạm phải mà chỉ do những kẻ thô lỗ gây ra mà thôi".
Tổng thống Thổ còn nói thêm, sai lầm đó đã "phản ánh quan điểm méo mó mà chúng tôi đã quan sát thấy ở NATO trong một thời gian dài".
"Chuyện này không thể bị phủ nhận chỉ bằng câu xin lỗi đơn giản" - lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.
Tổng Thư ký NATO xin lỗi Tổng thống Erdogan nhưng bị từ chối.
Những diễn tiến sự việc ngày càng tăng lên với những lời chỉ trích mạnh mẽ cùng với quan điểm từ cố vấn Tổng thống Erdogan khi đề xuất xem lại tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ.
Vốn là lực lượng hùng hậu, chỉ mạnh thứ 2 sau Mỹ ở NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều cách để lèo lái mối quan hệ đang chứa nhiều sứt mẻ này kể từ sau vụ đảo chính hụt hồi tháng 7/2016 khiến Thổ Nhĩ Kỳ tiến gần đến Nga hơn.
Theo Ngọc Dương
Báo Đất việt