1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mặt trái những khoản đầu tư “khủng” của Trung Quốc tại các nước Thái Bình Dương

(Dân trí) - Trong khi người dân các nước khu vực Thái Bình Dương lo ngại rằng sinh kế có thể bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện ồ ạt của lao động Trung Quốc, thì giới chuyên gia lo ngại một khi các nước này rơi vào “bẫy nợ” của Bắc Kinh, họ sẽ buộc phải để Trung Quốc đặt căn cứ quân sự tại đây.

Công nhân Trung Quốc tại một dự án xây dựng do nước này đầu tư ở Papua New Guinea. (Ảnh: ABC News)
Công nhân Trung Quốc tại một dự án xây dựng do nước này đầu tư ở Papua New Guinea. (Ảnh: ABC News)

Trên những con phố chật hẹp, ồn ào của thủ đô Port Moresby, Papua New Guinea, có thể dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện của Trung Quốc ngày càng rõ ràng.

Một công nhân Trung Quốc đang chỉnh sửa lại logo của tập đoàn Đường sắt Trung Quốc bên ngoài công trình tòa nhà đang xây dựng. Trong khi đó, một nhóm các lao động thuộc tập đoàn kỹ thuật cảng biển Trung Quốc đang làm việc trên đường.

“Dần dần, họ tham gia vào tất cả những hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Người dân nước tôi không thể cạnh tranh lại được”, SCMP trích lời Martyn Namorong, người khởi động chiến dịch bảo vệ công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư địa phương. Thông thường, khi Trung Quốc đầu tư tài chính vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, họ sẽ mang lực lượng lao động của họ sang cùng và điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh kế của người dân Papua New Guinea trong tương lai.

Quốc gia với dân số chỉ 8 triệu người được cho là một trong những mục tiêu mới nhất của Bắc Kinh trong nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của họ trên trường quốc tế.

Trung Quốc đã đổ tiền đầu tư vào khu vực hơn 10 hòn đảo ở Thái Bình Dương bao gồm Fiji, Niue và Đông Timor. Động thái dồn dập của Bắc Kinh dường như đã khiến Mỹ và đồng minh Australia quan ngại do phương Tây từ sau Thế chiến 2 luôn mong muốn duy trì đường vận tải biển tại khu vực này mở cửa, tự do và ổn định.

Chuyên gia kỳ cựu Eric B. Brown tại Viện Hudson (Mỹ) cho rằng Trung Quốc rõ ràng có mục đích chiến lược trong việc "bơm" một lượng tiền lớn tới vùng Thái Bình Dương. “Chủ quyền của các nước này có thể bị tổn tại bởi phương pháp làm kinh tế như thế này. Và sự xuất hiện và gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc có thể gây nên những mối đe dọa về mặt quân sự với các nước như Australia, cũng như ảnh hưởng tới khả năng của hải quân Mỹ và đồng minh trong việc duy trì tự do và trật tự trong khu vực Thái Bình Dương”, ông Brown nhận định.

Việc Trung Quốc mạnh tay chi những khoản tiền “khủng” đầu tư vào những dự án trong kế hoạch “Vành đai, con đường” của họ đã làm dấy lên mối quan ngại trong các tổ chức quốc tế và Mỹ rằng những quốc gia nghèo sẽ không có khả năng trả những khoản nợ “khổng lồ”.

Sri Lanka được coi là một ví dụ điển hình cho tham vọng của Trung Quốc trong việc gia tăng ảnh hưởng tại khu vực. Sri Lanka đã phải cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược trong vòng 99 năm sau khi họ không thể trả được những khoản nợ do chính Bắc Kinh cho vay để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trung Quốc cũng đã giành lấy vị trí của Nhật Bản, trở thành quốc gia cho vay song phương lớn nhất với Papua New Guinea và dự kiến đến hết năm, hòn đảo này có thể nợ Bắc Kinh 1,9 tỉ USD, chiếm khoảng 25% tổng nợ của nước này.

Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cảnh báo rằng những quốc gia vay tiền của Trung Quốc như Samoa, Tonga, Vanuatu cũng có nguy cơ bị rơi vào cảnh nợ nần trong tương lai.

Hồi tháng 4, chính quyền Polynesia thuộc Pháp đã chấp nhận khoản đầu tư 320 triệu USD từ Trung Quốc cho một dự án nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Giáo sư Hugh White của đại học Quốc gia Australia cho biết “không có gì ngạc nhiên” nếu Trung Quốc sẽ muốn gia tăng hiện diện ở khu vực Thái Bình Dương, tác động tới những “nước nhỏ, dễ bị tổn thương”. Ông White cho rằng Bắc Kinh dường như đang muốn trở thành “thế lực ở Đông Á, và Tây Thái Bình Dương”.

Thêm vào đó, bằng những khoản nợ, giới quan sát cho rằng Trung Quốc dường như có thể tác động tới việc buộc các nước nhỏ đồng ý cho họ đặt căn cứ quân sự ở những vị trí chiến lược.

Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối các nhận định của giới chuyên gia rằng họ đang đi theo con đường “ngoại giao bẫy nợ” và sẽ gia tăng ảnh hưởng trên mọi mặt tại quốc gia đang cho vay và rộng hơn là tới khu vực.

Tuy nhiên, chuyên gia Jonathan Pryke của Viện Lowy (Australia) cho rằng Trung Quốc đã có tác động nhất định tới khu vực Thái Bình Dương và điều này làm dấy lên những nỗi lo lắng vì không ai biết chính xác ý định của Bắc Kinh là gì.

Đức Hoàng

Theo SCMP