1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mặt trái của “làn sóng” du khách Trung Quốc ồ ạt đổ về Campuchia

(Dân trí) - Lượng khách du lịch Trung Quốc đổ về Campuchia tăng mạnh trong năm qua, nhưng một số người dân địa phương tại các địa điểm tham quan dường như không mấy lạc quan với tình hình này do lo ngại những mặt trái nảy sinh từ làn sóng đó.

Quần thể Angkor Wat của Campuchia (Ảnh: AFP)
Quần thể Angkor Wat của Campuchia (Ảnh: AFP)

Trong 8 tháng đầu năm 2018, lượt khách du lịch Trung Quốc tới Campuchia là 1,27 triệu, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, không phải người dân địa phương nào cũng cảm thấy vui mừng với con số này.

Siem Reap, cửa ngõ du lịch dẫn tới quần thể Angkor Wat nổi tiếng thế giới, nơi thu hút phần lớn là khách Trung Quốc, đã thay đổi chóng mặt cách làm du lịch tại đây.

Channy Murphy, chủ quán rượu Mad Murphy’s Irish, cho biết các khách hàng phương Tây của cô có xu hướng dần biến mất. Trong suốt những năm 2000, thị trường chính của du lịch Campuchia là các nước phương Tây như Mỹ, Pháp, Anh. Hiện giờ, số lượng du khách từ các nước này đã giảm và thay vào đó là du khách từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc.

Năm ngoái, Campuchia đón 5 triệu lượt khách, mang lại doanh thu chiếm 32,4% GDP. Phnom Penh đặt mục tiêu tăng con số này lên 12 triệu vào năm 2025. Khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm Campuchia hồi tháng 1 năm ngoái, ông cùng với Thủ tướng Hun Sen đã bàn bạc về cách để thu hút du khách Trung Quốc tới Campuchia.

Theo Murphy, du khách Trung Quốc thường đặt chuyến du lịch theo kiểu trọn gói. Họ sẽ hiếm khi “xé lẻ” ra ngoài sử dụng dịch vụ, vì bên công ty lữ hành đã lo toàn bộ mọi thứ.

Bill Laurance, nhà nghiên cứu từ đại học James Cook (Australia), cho biết du khách Trung Quốc thường có xu hướng không lựa chọn sử dụng dịch vụ do người địa phương làm chủ.

“Du khách Trung Quốc thường thích dịch vụ của người Trung Quốc như nhà hàng, khách sạn, cửa hàng đồ lưu niệm… Khi vận hành ở nước ngoài, các công ty Trung Quốc cũng có thói quen thuê người Trung Quốc làm nhân viên nhiều nhất có thể, hơn là thuê dân địa phương. Do vậy, những khoản doanh thu sẽ chảy thẳng vào túi các công ty Trung Quốc và người Trung Quốc còn người dân địa phương Campuchia sẽ không có nhiều lợi ích”, ông Laurance nói.

Ông Him Samnang, một hướng dẫn viên du lịch ở Siem Reap đồng tình với ý kiến trên. Ông Chhay Sivlin, Chủ tịch hiệp hội hãng lữ hành Campuchia cho biết người Trung Quốc có xu hướng sử dụng các dịch vụ do người Trung Quốc làm chủ một phần do rào cản về ngôn ngữ.

Chính vì vậy, người dân Campuchia hầu như không được hưởng lợi từ làn sóng khách du lịch này.

Sihanoukville, thành phố cảng du lịch nổi tiếng của Campuchia, cũng là nơi chứng kiến sự tăng trưởng đột phá của ngành công nghiệp du lịch và sòng bài nhờ các khoản đầu tư của Trung Quốc. Theo SCMP, cho tới thời điểm hiện tại, Bắc Kinh đã trở thành nước có nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) lớn nhất đổ vào Campuchia.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng này cũng gây ra những thiệt hại cho người Campuchia. Giá khách sạn tăng nhanh chóng, vượt qua khả năng chi trả của người Campuchia, dẫn tới việc số lượng du khách nội địa sụt giảm và ngược lại số lượng khách Trung Quốc lại tăng lên.

Sự tăng trưởng nóng kéo theo các hệ lụy về mặt xã hội. Truyền thông địa phương Campuchia nhiều lần đưa tin về những hành động chưa được đẹp của du khách Trung Quốc. Số liệu thống kê hồi đầu năm ngoái cho thấy trong 378 du khách bị bắt vì vi phạm tại Campuchia thì có 257 người Trung Quốc.

Đức Hoàng

Theo SCMP