1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Malaysia lộ lỗ hổng phòng thủ từ vụ máy bay mất tích

(Dân trí) - Các đồng minh và các quốc gia láng giềng đã lên tiếng chỉ trích Malaysia sau khi Thủ tướng nước này tiết lộ rằng chuyến bay MH370 đã quay trở lại và bay qua lãnh thổ nước này mà không bị radar quân sự phát hiện.

Các bộ đội Việt Nam tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia.

Các bộ đội Việt Nam tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia.
 
Malaysia đã bác bỏ các nghi ngờ về hệ thống phòng thủ của mình sau vụ biến mất bí ẩn của chuyến bay MH370, nhưng khẳng định rằng các bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng có thể “thay đổi lịch sử hàng không”.

Trong cuộc họp báo ngày 15/3, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho hay chiếc máy bay Boeing 777-200 của hãng hàng không Malaysia Airlines dường như đã bị khống chế ngay sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur, quay đầu trở lại khi đang bay qua Biển Đông và bay trở lại bán đảo Malaysia mà không thông báo cảnh báo các lực lượng phòng thủ nước này. Tiết lộ đó đã gây lo ngại trong số các quốc gia láng giềng và các đồng minh của Malaysia.

Sau vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ, các hệ thống phòng thủ khắp thế giới đã được thắt chặt và các biện pháp mới đã được thực hiện nhằm tăng cường việc phát hiện các máy bay đáng ngờ và chặn chúng trước khi chúng có thể bị bọn khủng bố sử sử dụng như các vũ khí.

Nhưng sự thất bại của Malaysia, quốc gia vốn có một hiệp ước phòng thủ với Anh, nhằm thông báo rằng máy bay đã đổi hướng, biến mất khỏi màn hình radar và sau đó bay qua không quận nước này đã cho thấy những lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống phòng thủ của quốc gia Đông Nam Á.

Hầu hết các quốc gia với lực lượng không quân hiện đại đều có thể phát hiện các máy bay thù địch đang lại gần từ khoảng cách 320 km tính từ bờ biển và điều các máy bay chiến đấu để chặn nó.

Trung Quốc, Ấn Độ, các nhà ngoại giao phương Tây và các nhà phân tích quốc phòng đã lên tiếng chỉ trích thất bại của Malaysia.

Một nguồn tin an ninh phương Tây cho biết mặc dù nỗ lực hiện thời là giúp Malaysia xác định chiếc máy bay mất tích, “có rất nhiều câu hỏi cần được trả lời - như làm thế nào nó lại có thể quay trở lại và đi đâu? Bạn có thể nghĩ tới chuyện các máy bay đã được điều động và người Malaysia có thể đã hành động”.

Sugata Pramanik, một lãnh đạo của cơ quan kiểm soát không lưu Ấn Độ, cho biết một máy bay có thể “dễ dàng không bị radar dân sự phát hiện bằng cách tắt hệ thống nhận và phát tín hiệu… Nhưng nó không thể tránh được các hệ thống phòng thủ”.

Tuy nhiên, một chỉ huy cấp cao của hải quân Ấn Độ, chuẩn đô đốc Sudhir Pillai, cho hay các radar quân sự của nước ông thỉnh thoảng bị tắt đi vì chúng tôi hạt động dựa trên một "nền tảng theo yêu cầu".
 
Không quân hoàng gia Malaysia vốn được khen ngợi và có một phi đội máy bay chiến đấu Sukhoi S30 và F16 và thường thực hiện các cuộc tập trận thường kỳ hải quân Anh, Úc, New Zealand và Singapore.
 
Chưa bàn tới các lỗ hổng an ninh, dồn sức tìm máy bay mất tích

Tuy nhiên, Bộ trưởng giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein đã bác bỏ các lo ngại trên và cho biết thảm họa là “một vụ việc bất ngờ” với các bài học dành cho tất cả mọi người.

“Không đúng khi nói rằng có sự vi phạm các thủ tục chuẩn ở đây… Điều mà chúng ta đang nói ở đây đều được khắp thế giới chú ý và có thể thay đổi lịch sử hàng không”, ông Hussein nói.

Giám đốc cơ quan hàng không dân sự Malaysia, ông Azharuddin Abdul Rahman, cũng đưa ra những bình luận tương tự. “Nhiều bài học sẽ được rút ra từ vụ việc này. Tôi đang làm việc trong lĩnh vực hàng không suốt 35 năm và tôi chưa từng gặp một vụ việc nào như thế này trước đó”, ông Rahman nói.

Tuy nhiên, 2 quan chức trên không nói rõ về các lỗ hổng của Malaysia liên quan tới chuyến bay MH370 và nhấn mạnh rằng Kuala Lumpur sẽ không tập trung vào chủ đề này cho tới khi tìm thấy máy bay và các hành khách cũng như phi hành đoàn.

Ngoại trưởng Anifah Aman nói thế giới “đang hiểu sai” khi quá tập trung vào các vấn đề an ninh và rằng ông vẫn hi vọng về một điều kỳ diệu trong việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.

“Sự tập trung phải được dành cho việc tìm kiếm máy bay. Tôi không ủng hộ bất kỳ giả thuyết nào ở thời điểm hiện tại. Vụ việc liên quan tới nhiều mạng sống. Lo lắng của tôi là máy bay ở đâu và cơ hội mong manh về khả năng mọi người an toàn và quay trở về… Chúng tôi tin vào những điều gì diệu và muốn nghĩ rằng họ đang an toàn và có thể trở về với gia đình”, ông Aman nói.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 15/3 xác nhận rằng chiếc Boeing 777-200 đã bay từ gần không phận Việt Nam trên Biển Đông vòng trở lại qua bán đảo Malaysia tới Eo biển Malacca, gần Penang, sau đó có thể bay theo hai hướng.
 
Chiến dịch tìm kiếm, hiện bao gồm 25 quốc gia, giờ đây đang tập trung vào hướng phía bắc từ biên giới Turkmenistan-Kazakhstan tới phía bắc Thái Lan và hướng thứ 2 là từ Indonesia tới nam Ấn Độ Dương.

Cuộc điều tra về những gì đã xảy ra với MH370 giờ đây tập trung vào 4 giả thuyết - tất cả đều dựa trên thừa nhận của Thủ tướng Najib hôm 15/3 rằng máy bay đã bị khống chế hoặc bị không tặc.

Tổng thanh tra cảnh sát Khalid Abu Bakar cho hay những người đã chiếm máy bay có thể là những kẻ không tặc hay những kẻ phá hoại, hoặc ai đó có vấn đề tâm lý hoặc có mối thù nào đó. Một cuộc điều tra hình sự đã được mở nhằm vào vụ mất tích của MH370.

Cho tới nay, chính phủ Malaysia không nói tới vụ mất tích của MH370 là một vụ không tặc hoặc một hành động khủng bố vì họ chưa tìm được bất kỳ bằng chứng nào về động cơ của kẻ đã cướp chiếc máy bay hôm 8/3.

Tuy nhiên, các bình luận của ngoại trưởng và cảnh sát trưởng Malaysia đã đánh dấu việc tự do sử dụng các cụm từ này sau khi Thủ tướng Najib xác nhận rằng máy bay đã khống chế và bị đổi hướng.

Malaysia không chứng kiến các hoạt động khủng bố ở quy mô như tại các quốc gia láng giềng Indonesia, Thái Lan và Philippines, mặc dù vài công dân Malaysia được cho là từng được mạng lưới khủng bố al-Qaeda huấn luyện.
An Bình
Tổng hợp