Mắc kẹt giữa "chảo lửa" tại Kazakhstan
(Dân trí) - Melaniya Pavlova, 21 tuổi, người Mỹ gốc Nga đã có một trải nghiệm khó quên khi bị mắc kẹt suốt đêm trên máy bay ở Kazakhstan vì bất ổn ở quốc gia này.
Melaniya Pavlova đến Almaty, Kazakhstan cùng bạn bè hôm 2/1. Cô và các bạn đặt vé trở lại Moscow, Nga vào 5/1 khi làn sóng biểu tình biến thành bạo động nổ ra ở đây hồi đầu tuần này khiến máy bay chở Melaniya Pavlova không thể cất cánh.
"Sau khi chúng tôi hoàn tất thủ tục ký gửi hành lý, toàn bộ hệ thống gặp sự cố do mất kết nối internet", Pavlova kể lại.
Các hành khách sau đó được phát vé viết tay. Tuy nhiên, máy bay vẫn không thể cất cánh vì người biểu tình tràn vào sân bay. "Những người biểu tình đã chiếm đài kiểm soát không lưu và các phi công không muốn mạo hiểm cất cánh. Vì vậy, tôi mắc kẹt cùng với những người đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia và Kyrgyzstan", cô cho biết.
Pavlova và toàn bộ hành khách mắc kẹt trên máy bay suốt đêm. Họ được phát thức ăn, nhưng không thể rời đi trước khi hết giờ giới nghiêm vào sáng hôm sau. Đến khoảng 2h sáng, phi hành đoàn đã đánh thức hành khách và cho biết họ có thể rời máy bay, tuy nhiên, chỉ có 5 hành khách rời đi vì hầu hết những người còn lại không biết đi đâu trong tình hình đó.
Pavlova đã gọi điện nhờ sự hỗ trợ của lãnh sự quán Nga và Mỹ, nhưng lãnh sự quán Nga đang trong kỳ nghỉ năm mới, trong khi lãnh sự quán Mỹ khuyến cáo họ nên ở lại máy bay, tránh xa cửa sổ và hỏi liệu họ có đủ thực phẩm không.
Sau một đêm mắc kẹt, cô không còn lựa chọn nào khác là ở lại thành phố đang chìm trong bạo loạn. Cô và các bạn đã ở lại trong một khách sạn do đại sứ quán Pháp chi trả. Họ luôn nơm nớp lo sợ. "Thi thoảng chúng tôi cho chú chó đi dạo. Chúng tôi nghe thấy rất rõ những tiếng súng. Chúng tôi không biết làm thế nào để rời Kazakhstan", cô nói.
Các hãng hàng không đồng loạt hủy chuyến sau khi người biểu tình chiếm sân bay quốc tế Almaty. Một số chuyến tàu cũng bị hủy, hơn nữa, cô lo ngại phương tiện di chuyển này không an toàn trong tình hình hiện nay ở Kazakhstan.
"Những vụ cướp bóc đang diễn ra. Chúng tôi muốn tới Bishkek, Kyrgyzstan, sau đó quay lại Moscow, nhưng ngoài đó thực sự rất nguy hiểm. Chúng tôi không muốn mạo hiểm", cô cho biết.
Các cuộc biểu tình ở Kazakhstan từ đầu tuần này sau quyết định của chính phủ khiến giá năng lượng tăng gấp đôi. Làn sóng biểu tình ban đầu là ôn hòa nhưng đã nhanh chóng trở thành bạo lực khi người biểu tình xông vào đốt phá các trụ sở chính quyền, đụng độ với cảnh sát, cướp bóc, hôi của. Giới quan sát cho rằng, đây là làn sóng biểu tình nghiêm trọng nhất ở Kazakhstan kể từ khi quốc gia này giành độc lập cách đây 30 năm.
Chính phủ Kazakhstan đã ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm, nội các Kazakhstan cũng đồng loạt từ chức nhằm xoa dịu biểu tình. Tuy vậy, làn sóng biểu tình vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.