1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lý giải nguyên nhân Nga bán vũ khí cho Trung Quốc

Dù cay đắng thừa nhận 70% mẫu vũ khí do Trung Quốc sản xuất được sao chép từ Nga, nhưng Moskva vẫn không ngừng bán vũ khí cho Bắc Kinh.

Cay đắng thừa nhận

Ngày 30/5, website của Đài truyền hình quân đội Zvezda (Nga) đã đăng tải bài viết thừa nhận về tình trạng Trung Quốc sao chép vũ khí do Nga sản xuất.

Theo đó, có đến 70% mẫu vũ khí do Trung Quốc sản xuất được sao chép từ Liên Xô và Nga sau này, đây là kết luận về chương trình phát triển vũ khí gây nhiều tranh cãi của Trung Quốc. Kết luận này được đưa ra dựa trên sự phát triển của nền công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc phát triển chủ yếu dựa vào sự bảo trợ của Liên Xô.

Và trong quá trình hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước những năm 1950, Liên Xô cung cấp giấy phép sản xuất như tên lửa chống hạm P-15 Termit, máy bay chiến đấu Mig-15.

Đến những năm 1990, khi Nga - Trung nối lại quan hệ sau khi Liên Xô sụp đổ, sự hợp tác kỹ thuật quân sự giữa 2 nước có những chuyển biến mới. Đặc biệt sau khi Nga cung cấp giấy phép sản xuất tiêm kích Su-27 cho Trung Quốc với tên gọi J-11 đã mở đường cho một làn sóng sao chép vũ khí Nga một cách dữ dội.
Tiêm kích J-11B được Trung Quốc sao chép từ Su-27 của Nga
Tiêm kích J-11B được Trung Quốc sao chép từ Su-27 của Nga

Những sản phẩm đình đám mà Trung Quốc sao chép từ Nga tạo nên một cuộc tranh cãi gay gắt giữa 2 nước về quyền sở hữu trí tuệ. Và tiêm kích J-11B chính là sản phẩm sao chép gây nhiều tranh cãi nhất giữa Nga - Trung sau khi Nga cung cấp giấy phép sản xuất tiêm kích Su-27 cho Trung Quốc với tên gọi J-11.

Việc "chế biến" thành công Su-27 thành J-11B đã tạo nhiều tiền đề cho Trung Quốc tiếp tục phát triển ngành công nghiệp quốc phòng gây tranh cãi.

Theo đó, ngay khi Trung Quốc mua được từ Nga 76 chiếc tiêm kích Su-30MKK và 24 chiếc Su-30MK2. Sau đó, Trung Quốc đã tạo phiên bản song sinh của tiêm kích này thành J-16. Ngoài ra, bản sao tiếp theo khiến Nga cay đắng chính là hệ thống phòng không HQ-9 được sản xuất theo nguyên mẫu S-300 của Nga.

Ngoài việc sao chép trực tiếp từ những nguyên mẫu có được từ Nga, Trung Quốc còn bị tố tiến hành sao chép bằng gián điệp công nghiệp. Theo Military Factory, sau một thời gian dài không thuyết phục được Moscow bán tiêm kích trên hạm Su-33, Trung Quốc đã lặn lội sang “cầu cạnh” Ukraine bán mẫu T-10K của Su-33 mà nước này đang nắm giữ.

Không ngoài tính toán của người Nga, không lâu sau đó, mẫu thử nghiệm tiêm kích trên hạm do Trung Quốc sản xuất đã xuất hiện với tên gọi J-15.

Bản sao gây tranh cãi tiếp theo là hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật M20. Lần đầu tiên xuất hiện tại triển lãm quốc phòng IDEX-2013 tại Dubai, UAE, tên lửa đạn đạo chiến thuật M20 lập tức thu hút sự chú ý đặc biệt của giới quân sự thế giới.

M20 thu hút sự quan tâm của dư luận không phải đặc tính kỹ thuật ưu việt của nó mà vì nó giống tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander của Nga một cách kỳ lạ.

Dù nhà sản xuất Trung Quốc khẳng định M20 chính là sản phẩm nước này tự nghiên cứu chế tạo, tuy mới chỉ xuất hiện ở dạng mô hình nhưng điều đó cho thấy các nhà sản xuất Trung Quốc đã sẵn sàng để cho ra đời một biến thể Iskander “made in China”.

Ngoài những sản phẩm sao chép bất hợp pháp kể trên, ngay từ thời Liên Xô, Trung Quốc đã sản xuất thành công phiên bản nội địa của máy bay Tu-16 thành H-6, súng trường AK-47, xe tăng T-54/55...
Tên lửa đạn đạo chiến thuật M20 được cho rằng sao chép từ Iskander của Nga
Tên lửa đạn đạo chiến thuật M20 được cho rằng sao chép từ Iskander của Nga

Lý giải mối thâm tình Nga - Trung

Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến Nga vẫn coi Trung Quốc là đối tác chiến lược là do các hợp đồng mua sắm vũ khí lớn của Trung Quốc đưa nước này trở thành khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga với kim ngạch chiếm từ 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí.

Trung Quốc đã có cuộc đại mua sắm tiểu đoàn tên lửa S-300 của Nga. Đầu tiên là hợp đồng mua 2 tiểu đoàn tên lửa đối không tầm xa S-300PMU trị giá 220 triệu USD ký kết vào năm 1990. Đến năm 1994, Trung Quốc lại ký hợp đồng mua thêm 2 tiểu đoàn S-300PMU1 trị giá 400 triệu USD. Năm 2001, Bắc Kinh mua thêm 2 tiểu đoàn S-300PMU1 nữa trị giá 400 triệu USD.

Năm 2002, Trung Quốc mua 2 hệ thống S-300F biến thể trang bị trên tàu chiến trị giá 200 triệu USD để trang bị cho tàu khu trục Type-051C. Năm 2003, ký hợp đồng trị giá 980 triệu USD để mua 4 tiểu đoàn S-300PMU2.
Đến cuối năm 2008, Trung Quốc có tổng cộng 160 xe phóng S-300 các loại, trong đó có 32 xe phóng S-300PMU, 64 xe phóng S-300PMU1, 64 xe phóng S-300PMU2, số tên lửa đã chuyển giao hơn 1000 quả.

Giai đoạn 1996-2000, Trung Quốc đặt mua tổng cộng 29 hệ thống tên lửa đối không tầm thấp TOR trị giá 700 triệu USD.

Mới đây nhất là hồi đầu năm 2015, Trung Quốc được cho là đã hoàn tất thỏa thuận mua 6 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-400 từ Nga với tổng trị giá lên tới trên 3 tỷ USD, theo Want China Times.

Từ những khoản lợi nhuận khổng lồ mang lại từ việc bán vũ khí cho Trung Quốc, người Nga đã bất chấp việc bị sao chép công nghệ, vẫn coi Bắc Kinh là đối tác chiến lược cho nghành công nghiệp xuất khẩu quốc phòng của mình.

Theo Chúc Sơn
Đất Việt