Biển Đông dậy sóng, vũ khí Nga thâm nhập Đông Nam Á
Nga tuyên bố đã sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác quân sự-kỹ thuật và buôn bán vũ khí với các thị trường mới nổi của khu vực Đông Nam Á.
Nga đẩy mạnh hợp tác quân sự và cung cấp vũ khí cho đông nam Á
Phát biểu bên lề Diễn đàn an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ở Singapore, còn được gọi là "Đối thoại Shangri-la” lần thứ 14, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov tuyên bố với phóng viên TASS hôm 1-6 rằng, Nga đã sẵn sàng hướng tới thị trường đông nam Á.
Thứ trưởng Antonov cho rằng, các yếu tố giúp Nga mở cửa các thị trường mới là khả năng ngày càng tăng xuất khẩu các loại vũ khí mới và dịch vụ bảo dưỡng, cũng như nguyện vọng của các nước trong khu vực đa dạng hóa nguồn cung kỹ thuật quân sự, trong bối cảnh tình hình biển Đông đang gia tăng căng thẳng.
Ông Antonov lưu ý rằng, vào tháng 6, tại Moscow sẽ tổ chức “Diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế ARMY-2015”. Như thường lệ, bên lề hoạt động này sẽ tiến hành các cuộc gặp làm việc, có nhiều khả năng ký kết những hợp đồng mới về cung cấp vũ khí và kỹ thuật quân sự của Nga.
Theo Thứ trưởng Quốc phòng Nga, sự hợp tác này có triển vọng tốt bởi trên thực tế, vũ khí và trang bị kỹ thuật của Nga/Liên Xô không chỉ nổi tiếng trong khu vực mà còn là chủ đạo trong tổng trang thiết bị quân sự của một số quốc gia như Việt Nam, Lào, Campuchia.
Theo Thứ trưởng Antonov, mở ra thị trường mới "sẽ góp phần bổ sung cơ hội để gia tăng xuất khẩu vũ khí mới và mở rộng phạm vi dịch vụ sau bán hàng, cũng như gia tăng phát triển kinh tế và đáp ứng nguyện vọng của khu vực về đa dạng hóa các nguồn cung cấp thiết bị quân sự".
Hiện nay, một số quốc gia đông nam Á như Việt Nam, Indonesia, Myanmar và các quốc gia khác đang sử dụng khá nhiều máy bay quân sự của Nga như các dòng Su-30, MiG-29. Các nước này cũng đang có những kế hoạch mua thêm các máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Nga như Su-35, Su-30SM...
Các chuyên gia Nga cho rằng, các nước ASEAN đều nghèo, ngân sách quốc phòng ít ỏi, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển Đông với Trung Quốc đang ngày càng gia tăng căng thẳng, sự thâm nhập sâu của vũ khí Nga vào khu vực đông nam Á có thể là tín hiệu đáng mừng với các nước trong khu vực này.
Điểm danh vũ khí Nga ở đông nam Á
Ngay sau đó, vào đấu tháng 4, Indonesia đã bắt đầu đàm phán với Nga để mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 Su-35S của Nga để thay thế hết các chiến đấu cơ F-5 Tiger của Mỹ. Rất có thể Indonesia sẽ là nước đầu tiên trong khu vực sở hữu loại chiến đấu cơ tối tân Su-35S.
Ngoài ra, Indonesia cũng chưa từ bỏ kế hoạch mua sắm các tàu ngầm lớp Kilo để tăng cường lực lượng tàu ngầm. Loại tàu ngầm diezen-điện của Nga hiện cũng đang được Thái Lan quan tâm trong kế hoạch tái xây dựng binh chủng tàu ngầm của nước này.
Cuối năm 2013, Nga đã ký hợp đồng bán thêm 18 máy bay chiến đấu đa chức năng Su-30MKM, có khả năng trang bị các tên lửa mới, bao gồm cả tên lửa siêu âm BrahMos cho Malaysia. Trị giá của mỗi máy bay loại này (bao gồm cả công tác bảo hành) là khoảng 50 triệu USD.
Ngoài ra, Nga còn bán cho Malaysia 12 chiếc máy bay trực thăng vận tải quân sự Mi-171Sh. Đồng thời, Moscow cũng đã xây dựng một Trung tâm huấn luyện bay rất bề thế vào năm 2011 và sau đó là một Trung tâm sửa chữa kỹ thuật vào năm 2012 tại Malaysia.
Ngoài ra, ở Đông Nam Á còn có Myanmar cũng sử dụng tới 32 máy bay chiến đấu MiG-29 của Nga, bao gồm các phiên bản máy bay chiến đấu MiG-29B, MiG-29SE và máy bay huấn luyện chiến đấu hai chỗ ngồi MiG-29UB.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng là một khách hàng truyền thống của vũ khí Nga với các loại máy bay chiến đấu của 2 hãng Mykoian và Sukhoi; tàu ngầm diezen-điện lớp Kilo; tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9, tàu tên lửa lớp Molniya, Tarantul, tên lửa phòng không S-300, tên lửa bờ đối hạm Bastion P…
Hai quốc gia Lào và Campuchia cũng sở hữu một số lượng nhỏ các máy bay chiến đấu thế hệ cũ thuộc các phiên bản của MiG-21, Myanmar cũng sở hữu một biến thể của MiG-21 là F-7M (biến thể xuất khẩu của J-7 do Trung Quốc thiết kế dựa theo MiG-21) và một số loại trực thăng Nga.