1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lý do Thủ tướng Đức chủ động gọi điện cho Tổng thống Nga bàn về Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Bất chấp sự phản đối của Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz chủ động điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về triển vọng chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Lý do Thủ tướng Đức chủ động gọi điện cho Tổng thống Nga bàn về Ukraine - 1

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: AFP).

Giới chức Nga và Đức đều xác nhận, trong tuần này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm kéo dài một giờ đồng hồ, trong đó tập trung thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine. Đây là cuộc thảo luận đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ cuối năm 2022.

Cựu Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng Thủ tướng Scholz đã tham khảo ý kiến của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vài tháng trước về khả năng điện đàm với nhà lãnh đạo Nga.

"Tổng thống Zelensky phản đối ý tưởng này và Thủ tướng Scholz đã kiềm chế", ông Kuleba cho hay.

Tuy nhiên, ông Kuleba cho biết, sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Thủ tướng Scholz đã quyết định gọi điện cho chủ nhân Điện Kremlin bất chấp những phản đối trước đó của ông Zelensky.

Giới chức Đức khẳng định cuộc điện đàm xoáy vào triển vọng chấm dứt xung đột ở Ukraine. Trong cuộc điện đàm, ông Putin nhắc lại, Moscow sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với Kiev dựa trên những điều kiện đã nêu ra hồi tháng 6 như: Ukraine phải cam kết trung lập, công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga.

Theo bản tóm tắt của chính phủ Đức, ông Scholz kêu gọi Nga chấm dứt xung đột ở Ukraine với lập luận Moscow đã không đạt được mục tiêu sau gần 3 năm. Ông cũng khẳng định Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

Bất chấp những tuyên bố này, ông Scholz vẫn vấp phải chỉ trích của Kiev. Cuộc điện đàm cho thấy sự tiếp xúc giữa Điện Kremlin và phương Tây có thể gia tăng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với chiến thắng thuộc về ứng viên Cộng hòa Donald Trump.

Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng cuộc điện đàm đã mở ra "chiếc hộp Pandora" qua việc tác động tiêu cực đến những nỗ lực cô lập Nga. Ông Zelensky cho biết, ông và nhiều quan chức châu Âu khác đã cảnh báo Thủ tướng Scholz không liên lạc với Tổng thống Putin.

Theo ông Zelensky, việc nhà lãnh đạo Đức chủ động điện đàm với Tổng thống Nga không mang lại giá trị nào cho con đường dẫn đến "hòa bình công bằng" tại Ukraine, mà chỉ làm suy yếu sự cô lập Moscow.

Christian Mölling, cựu chuyên gia an ninh tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, cho rằng việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine có thể là lý do cho việc cuộc điện đàm diễn ra ở thời điểm này.

"Châu Âu lo ngại ông Trump qua mặt họ trong vấn đề đàm phán. Họ muốn đảm bảo rằng mình cũng có mặt tại bàn đàm phán", ông Mölling nhận định và cảnh báo thêm rằng một cuộc điện đàm như vậy tiềm ẩn rủi ro.

Theo ông, Nga có thể cho rằng, điều này cho thấy châu Âu không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chủ động nói chuyện hay nói cách khác là nỗ lực của phương Tây cô lập Nga đã thất bại.

"Lý do cho cuộc điện đàm này là ông Scholz sắp có cuộc bầu cử và cử tri đang yêu cầu chính phủ Đức tiến tới hòa bình chứ không phải xung đột. Chúng tôi nghĩ sẽ có những cuộc gọi khác từ các nhà lãnh đạo phương Tây", Sergei Markov, một nhà phân tích chính trị tại Moscow và là cựu cố vấn Điện Kremlin, nhận định.

Hồi tháng 10, ông Scholz tuyên bố sẵn sàng nối lại liên lạc trực tiếp với ông Putin, nhưng Điện Kremlin đã bác bỏ và nhấn mạnh rằng Moscow không có lý do gì để làm như vậy. Động thái này của ông Scholz đáng chú ý bởi không lâu trước đó, Đức là một trong những quốc gia phản đối bất cứ liên lạc nào với Nga.

Cựu Ngoại trưởng Ukraine Kuleba cho rằng, động thái của ông Scholz có một số hàm ý, bao gồm việc Nga đã "thoát ra khỏi sự cô lập của châu Âu" và Đức là một trong những yếu tố mở đường.

Theo New York Times, Pravda

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm