1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lãnh đạo Đức muốn Ukraine gửi "tối hậu thư" cho Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Nếu Nga không đáp ứng "tối hậu thư" đó, Đức sẽ cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, lãnh đạo đảng đối lập của Đức nói.

Lãnh đạo Đức muốn Ukraine gửi tối hậu thư cho Nga - 1

Lãnh đạo đảng đối lập Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Đức, ông Friedrich Merz (Ảnh: Telegraph).

Trả lời phỏng vấn cuối tuần qua, ứng cử viên Thủ tướng Đức, lãnh đạo đảng đối lập Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), Friedrich Merz, kêu gọi các nước phương Tây cho phép Ukraine đưa ra tối hậu thư cho Nga và cho phép tấn công tên lửa tầm xa vào sâu lãnh thổ Nga nếu Điện Kremlin không tuân thủ.

Khi được hỏi liệu ông có cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Kiev nếu ông lãnh đạo chính phủ tiếp theo của Đức hay không, ông Merz nói, Đức sẽ làm mọi thứ để đảm bảo Ukraine có thể đối phó Nga thành công, ngoại trừ việc tham gia vào cuộc xung đột.

Chính trị gia này nhấn mạnh thêm, ông vẫn để ngỏ khả năng cung cấp tên lửa cho Ukraine và gợi ý Kiev đưa ra tối hậu thư rằng nếu Nga không ngừng các cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu dân sự trong vòng 24 giờ, phương Tây sẽ đồng thuận dỡ bỏ hạn chế vũ khí cho Ukraine.

"Nếu điều đó vẫn chưa đủ, chúng ta sẽ chuyển Taurus cho Ukraine một tuần sau đó", ông nói.

Kiev từ lâu đã kêu gọi Berlin cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus. Loại vũ khí do Đức sản xuất có tầm bắn khoảng 500km.

Chính phủ Ukraine cũng đang xin phép các đồng minh, đối tác phương Tây sử dụng vũ khí tầm xa được viện trợ để tấn công vào sâu lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, các đề xuất này đến nay chưa được chấp thuận.

Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Đức là quốc gia viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, chỉ sau Mỹ. Berlin đã cấp cho Ukraine hơn 11 tỷ USD kể từ tháng 1/2022 đến tháng 6 năm nay.

Phản ứng lại bình luận của ông Friedrich Merz, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói đó là cách chính khách Đức "mở cửa cho xung đột trên lãnh thổ của mình".

Moscow nhiều lần cảnh báo sự tham gia ngày càng tăng của phương Tây vào cuộc xung đột có nguy cơ gây ra xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO.

Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh thay đổi học thuyết hạt nhân quốc gia để cho phép triển khai vũ khí hạt nhân nếu Kiev sử dụng tên lửa tầm xa thông thường do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, ông Putin bác bỏ nhận định của một số lãnh đạo châu Âu về việc Nga sẽ tấn công một quốc gia NATO sau một vài năm nữa.

"Những gì họ nói về việc chúng tôi sẽ tấn công châu Âu sau Ukraine là hoàn toàn vô nghĩa… Đó chỉ là sự đe dọa để lấy tiền từ người dân của họ", ông Putin từng nói.

Trong khi đó, Tổng tham mưu trưởng Ba Lan, Tướng Wieslaw Kukula, hôm 12/11 kêu gọi nước này nâng cao mức độ sẵn sàng cả về quân sự và dân sự trước những gì ông mô tả là "mối đe dọa thực sự" từ Nga. Ông nhấn mạnh, các biện pháp phòng thủ của Ba Lan nên đi đôi với việc thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của công chúng.

Theo ông, Moscow có thể khai thác các kịch bản như NATO bị chia rẽ hoặc sự tham gia của Mỹ vào cuộc xung đột ở Thái Bình Dương để tăng cường "các hành động quân sự".

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine