1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lý do Nga chọn S-300 để đưa tới Syria giữa lúc “nước sôi lửa bỏng”

(Dân trí) - Việc Nga quyết định cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Syria được cho là nhằm khắc phục những điểm yếu của hệ thống S-200 lỗi thời sau khi xảy ra vụ rơi máy bay hồi tuần trước.

Tên lửa được phóng từ hệ thống phòng không S-300 tại giải đấu quân sự quốc tế 2017 ở Nga (Ảnh: Reuters)
Tên lửa được phóng từ hệ thống phòng không S-300 tại giải đấu quân sự quốc tế 2017 ở Nga (Ảnh: Reuters)

Vào ngày 24/9, Bộ Quốc phòng Nga thông báo sẽ chuyển hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Syria để bảo vệ vùng trời Syria trước “những vị khách không mời mà đến”. Tổ hợp phòng không mới không chỉ bao gồm bệ phóng và phương tiện phóng mà còn có hệ thống trinh sát tín hiệu, dự kiến được chuyển tới Syria trong vòng hai tuần tới.

Trước đó một tuần, máy bay trinh sát Il-20 chở 15 quân nhân của Nga đã bị hệ thống phòng không S-200 của Syria bắn nhầm. Nga đổ lỗi cho máy bay chiến đấu F-16 của Israel cố tình núp bóng Il-20 để tránh hỏa lực của S-200 khi các máy bay Israel đang thực hiện cuộc không kích tại Syria.

Sau vụ việc trên, Nga ngay lập tức triển khai biện pháp phòng ngừa bằng cách trang bị cho lực lượng phòng không Syria hệ thống S-300 được đánh giá lợi hại gấp đôi so với S-200. Mặc dù có tuổi thọ cao, song S-300 vẫn là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất thế giới và được đánh giá ngang bằng hệ thống Patriot của Mỹ.

Uy lực hệ thống phòng không S-300 của Nga

Theo trang tin RBTH, phiên bản phòng không S-300VM uy lực đang được Nga chuyển tới thủ đô Damascus của Syria. S-300VM có khả năng phát hiện các mục tiêu trên không ở cách xa từ 400-500km. Ngoài ra, hệ thống radar được trang bị trên S-300VM có thể phát hiện 65 mục tiêu trên không trung và có thể phóng 6-12 loạt đạn cùng một lúc.

Sau khi phát hiện và “khóa” mục tiêu, một tổ hợp S-300VM chỉ mất 7,5 giây để chuẩn bị phóng tên lửa tiêu diệt mục tiêu đó. Ngay cả trong trường hợp xe chở S-300VM vẫn đang di chuyển và tổ hợp phòng không này vẫn chưa vào vị trí phóng cố định, S-300VM cũng chỉ mất chưa đầy 6 phút để chuẩn bị cho quá trình khai hỏa.

Sự khác biệt cơ bản giữa hệ thống S-300 và S-200 đang được triển khai tại Syria là S-300 có thể đối phó hiệu quả với tất cả các máy bay và tên lửa hiện đại mà các đối thủ của chính quyền Syria đang sử dụng.

S-300 có thể hạ gục các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom chiến thuật tối tân được trang bị công nghệ tàng hình. S-300 cũng có thể đánh chặn các tên lửa hành trình Tomahawk - một trong những vũ khí tấn công chủ lực trên các tàu khu trục của Mỹ. Ngoài ra, S-300 cũng đủ khả năng đối phó với các tên lửa đạn đạo với tầm bắn lên tới 2.500 km và các tên lửa tầm trung được phóng từ các quốc gia láng giềng của Syria.

Hệ thống phòng không S-300 mà Nga dự định triển khai tại Syria có thể hoạt động ngay cả khi bị cản trở bởi hệ thống gây nhiễu hoặc các phương tiện tác chiến điện tử khác của đối phương.

Nguy cơ xung đột lan rộng

Máy bay chiến đấu F-15 của Israel (Ảnh: AFP)
Máy bay chiến đấu F-15 của Israel (Ảnh: AFP)

Business Insider dẫn lời nhà nghiên cứu Nikolai Sokov tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury cho biết, sau vụ việc máy bay Il-20 bị bắn rơi, Nga có thể sẽ triển khai lực lượng trực chiến tại những khu vực Syria đặt hệ thống phòng không. Đây cũng là những nơi Israel thường xuyên ném bom.

Các hệ thống phòng không hiện thời của Syria chưa đủ khả năng bắt được tín hiệu tối mật do các máy bay quân sự Nga gửi tới nhằm giúp nhận diện đâu là máy bay địch và đâu là máy bay ta. Trong vụ việc vừa xảy ra, do không nhận được tín hiệu này từ máy bay trinh sát Il-20 của Nga, nên phòng không Syria đã nhận diện nhầm đây là máy bay địch và trút hỏa lực phá hủy Il-20 trên Địa Trung Hải.

Nếu Nga chuyển hệ thống S-300 tới Syria và trang bị công nghệ nhận diện tín hiệu địch - ta, nguy cơ xảy ra các vụ bắn nhầm có thể được giải quyết. Tuy nhiên, trong trường hợp Syria vô tình để lọt các tín hiệu bí mật này ra ngoài, Mỹ hoặc NATO có thể tìm cách đánh lừa toàn bộ hệ thống phòng không của Nga, biến các máy bay của họ thành máy bay Nga. Như vậy những vụ bắn nhầm hoàn toàn có khả năng tái diễn.

Theo chuyên gia Sokov, hệ thống S-300 do Nga chuyển tới Syria sẽ được trang bị công nghệ để giúp phân biệt sự hiện diện của máy bay Nga. Tuy nhiên, Nga vẫn cần triển khai nhân sự để vận hành trực tiếp các hệ thống này tại Syria.

Khi các máy bay Israel không kích các vị trí đặt hệ thống phòng không của Syria, Israel có thể khiến các quân nhân Nga đang có mặt tại đây thiệt mạng. Nếu Israel khiến binh sĩ Syria thiệt mạng, chính quyền Syria có thể sẽ lên tiếng chỉ trích và phóng một vài quả tên lửa để đáp trả. Tuy nhiên, tiềm lực của quân đội Syria quá yếu và bị phân tán sau cuộc nội chiến kéo dài 7 năm, do vậy Damascus sẽ không thể gây tổn hại quá lớn cho Israel.

Tuy nhiên, nếu Israel khiến binh sĩ Nga thiệt mạng, lực lượng hải quân và không quân hùng hậu của Nga có thể được tập hợp nhanh chóng để đáp trả Israel. Trong khi đó, Israel cũng sở hữu lực lượng phòng vệ đáng gờm. Ngoài ra, cuộc đối đầu giữa Nga và Israel có thể kéo theo các lực lượng ủng hộ Israel như Mỹ và NATO vào cuộc, từ đó đẩy nguy cơ xung đột lên mức độ nghiêm trọng hơn.

Theo chuyên gia Sokov, việc Nga trang bị S-300 cho Syria không chỉ giúp kiềm chế các cuộc không kích của Israel mà còn đối phó với các cuộc ném bom của máy bay Mỹ tại Syria. Trong tương lai, khi tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu tại Syria, Israel và Mỹ không chỉ lựa chọn phương án mềm mỏng hơn mà còn phải tính toán đến nguy cơ đối đầu với một trong những lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới như Nga.

Thành Đạt

Tổng hợp