Luẩn quẩn
Mối quan hệ vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga lại đứng trước những thách thức mới, khi ngày 27/8 NATO thông báo việc thiết lập Trung tâm huấn luyện và sát hạch quân sự chung giữa NATO và Gruzia tại ngoại ô thủ đô Tbilisi.
Động thái của NATO ngay lập tức vấp phải sự phản ứng dữ dội từ Nga. Mátxcơva nhấn mạnh, bước đi này của NATO sẽ khiến khu vực càng trở nên bất ổn.
Giới chức quân sự NATO khẳng định, động thái cấp thiết trên nhằm đối phó với Học thuyết biển sửa đổi mà Mátxcơva thông qua đầu tháng 8/2015.
Theo đó, Mátxcơva tuyên bố sẽ hoàn thiện thành phần và cơ cấu hạm đội biển Đen, phát triển hạ tầng cơ sở cho lực lượng này ở Crimea; củng cố vị trí chiến lược tại biển Đen, bảo đảm sự hiện diện đủ mạnh của hải quân Nga ở Đại Tây Dương và sự hiện diện thường xuyên tại Địa Trung Hải...
Những ai theo dõi tình hình quốc tế sẽ thấy, phần lớn những hiểm địa mà Nga nêu trong Học thuyết biển sửa đổi vốn là “sân sau” của NATO từ nhiều năm nay.
Trong khi đó, Mátxcơva lại cho rằng, việc sửa đổi Học thuyết biển của nước này liên quan tới những hoạt động quân sự dày đặc của NATO xung quanh biên giới nước Nga từ khi Mátxcơva sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi tháng 3 năm ngoái.
Với khẩu hiệu “giúp các quốc gia này bảo đảm an ninh và đối phó với những nguy cơ từ bên ngoài”, NATO đã lập Trung tâm thông tin chiến lược ở Riga (Latvia); thành lập lực lượng phản ứng nhanh và tái triển khai 150 xe tăng M1 Abrams, xe chiến đấu bộ binh Bradley ở Đông Âu; gia tăng máy bay chiến đấu F-16 có khả năng mang bom hạt nhân chiến thuật B-61; triển khai máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không trên lãnh thổ các nước Baltic, biển Baltic, biển Barents và sát khu vực Kaliningrad của Nga.
Theo thống kê của Mạng lưới các nhà lãnh đạo châu Âu, trong 18 tháng qua, tổ chức này ghi nhận 66 “cuộc đối đầu” giữa Nga và quân đội của NATO hoặc giữa Nga với Thụy Điển và Phần Lan là hai nước trung lập. Trong khi NATO lên kế hoạch thực hiện 270 cuộc tập trận trong năm nay, Nga tuyên bố sẽ tiến hành 4.000 cuộc tập trận.
Có vẻ như cuộc chạy đua quân sự giữa Mátxcơva và NATO đang trong “vòng tròn đối đầu” mà cả hai không thể dừng. Lịch sử thế giới từng chứng kiến những cuộc đối đầu căng thẳng, khủng hoảng và chỉ trong phút chốc dẫn đến xung đột dù không bên nào có ý định để chuyện đó xảy ra.
Theo Tùng Dương
Tiền Phong