1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Giới hạn đỏ trong quan hệ Nga - NATO

Đối với nhiều nhà quan sát quốc tế, việc Tổng thống Nga V. Putin phê chuẩn học thuyết hàng hải mới hôm 26/7 được cho là một nước cờ có tính toán kỹ với những thông điệp mạnh mẽ...

Giới hạn đỏ trong quan hệ Nga - NATO - 1

...Nhưng cũng đầy tham vọng của nước Nga trong bối cảnh khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày càng tiến về phía Đông. Nhưng để đưa học thuyết này trở thành hiện thực trong thời điểm hiện nay là điều không đơn giản.

Khẳng định lại lợi ích trên biển

So sánh hai bản học thuyết hàng hải năm 2001 và bản sửa đổi năm 2015 của Nga có thể thấy rõ nước Nga không có nhiều thay đổi về nội hàm khái niệm, mà chỉ làm đậm hơn và khẳng định lại các lợi ích quốc gia cơ bản của Nga trên biển. Bản học thuyết hàng hải sửa đổi dài 46 trang vừa được thông qua khẳng định, với vị trí địa lý trải dài qua hai lục địa Á – Âu và với lịch sử lâu đời, nước Nga luôn là một cường quốc biển.

Nga có nhiều lợi ích quốc gia to lớn từ các vùng nội thủy, lãnh hải, các vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn. Nga có quyền tài phán và các quyền lợi khác trên biển, trên không, trong lòng biển và dưới đáy biển. Học thuyết khẳng định nhận thức của Nga về tự do hàng hải tại các vùng biển mở bao gồm tự do đi lại dưới nước, trên không, quyền đánh bắt cá, nghiên cứu khoa học biển, lắp đặt cáp quang và các đường ống dưới nước.

Nga cũng có quyền lợi về tài nguyên và không gian đại dương ở sáu khu vực trọng điểm là Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Băng Dương, biển Caspie và Nam Cực, trong đó Đại Tây Dương là khu vực trọng điểm nơi NATO ngày càng đặt ra nhiều nguy cơ đe dọa tới an ninh của nước Nga.

Thực chất, thông qua việc này, Nga muốn vẽ ra cho các nước châu Âu và thế giới thấy rõ những ranh giới đỏ mà Nga không thể nhượng bộ và muốn chuyển đi một thông điệp mạnh mẽ tới NATO trong bối cảnh NATO ngày càng bao vây, tiến sát về phía Đông của Nga.

Thông điệp cứng rắn

Nét mới của học thuyết hàng hải sửa đổi lần này là nước Nga đã đưa ra cách tiếp cận kép để bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển.

Một mặt, với những lời lẽ mềm mại, Nga khẳng định tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi, nhất là các điều ước quốc tế mà Nga tham gia. Nga cũng ưu tiên sử dụng các biện pháp chính trị đối ngoại, pháp lý, kinh tế… trong việc giải quyết các mâu thuẫn trên biển. Có lẽ đây là những thông điệp mà nước Nga muốn nói với toàn thế giới.

Dù sao đi nữa, phải thừa nhận rằng những thành tựu mà loài người đạt được về pháp lý biển, nhất là Công ước về Luật Biển năm 1982 và các văn kiện pháp lý liên quan tới biển và đại dương thực sự là những bước tiến to lớn của nhân loại. Nga không thể không tôn trọng, trong đó có những nguyên tắc rất có lợi như tự do hàng hải ở các vùng biển mở…

Nhưng mặt khác, nước Nga cũng gửi đi những thông điệp cứng rắn, nhất là về bảo đảm tiềm lực hải quân và khả năng sử dụng hiệu quả các tiềm lực đó trong trường hợp cần thiết nhằm hỗ trợ về quân sự cho các hoạt động trên biển của nhà nước.

Nga dành ưu tiên cao cho việc hoàn thiện thành phần và cơ cấu hạm đội Biển Đen, phát triển hạ tầng cơ sở cho lực lượng này ở Crimea, củng cố vị trí chiến lược tại Biển Đen, bảo đảm sự hiện diện đủ mạnh của hải quân Nga ở Đại Tây Dương và sự hiện diện thường xuyên tại Địa Trung Hải.

Bên cạnh đó, Nga cũng sẽ tìm cách giảm thiểu các thách thức và đe dọa trên biển đối với an ninh quốc gia.

Sau khi tiếp quản Crimea, đây là lần đầu tiên Nga công khai việc điều chỉnh lại thế bố trí chiến lược trên biển ở quy mô quốc gia. Đây cũng là thông điệp thứ hai mà Nga muốn nói với NATO về khả năng đáp trả cứng rắn trong tương lai nếu NATO vượt qua các ranh giới đỏ như đã nêu ở trên.

Chỉ có điều, nếu như việc khẳng định lại các lợi ích quốc gia là công khai và rõ ràng thì thông điệp này lại được bọc kín đáo trong những ngôn từ mềm mại, khôn khéo.

Nhưng dù là những thông điệp công khai hay kín đáo, điều hiển nhiên và không ngoài xu thế tất yếu khách quan hiện nay là việc Nga cũng giống như nhiều cường quốc khác, thông qua việc làm mới học thuyết hàng hải đã cho thấy rõ thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương và không một quốc gia nào có thể bỏ qua những lợi ích to lớn mà đại dương mang lại.

Nga tiếp tục khẳng định quyền khai thác và bảo vệ tài nguyên đại dương thế giới như tiến hành các hoạt động hiện đại hóa quy mô lớn và trang bị kỹ thuật hiện đại đối với các xí nghiệp đánh bắt cá, cải tổ nghề cá, thành lập các cơ sở khoa học – sản xuất và phát triển đội ngũ cán bộ cho các tổ chức đó nhằm khai thác các tài nguyên biển…

Nga cũng nhấn mạnh hoạt động vận tải biển như là những biện pháp có tầm quan trọng hàng đầu đối với sự thịnh vượng của nước Nga trong tương lai thông qua việc duy trì và phát triển hạm đội và hạ tầng cơ sở cảng biển nhằm giảm chi phí vận tải, tăng khối lượng vận tải ngoại thương, duy trì sự độc lập và an ninh quốc gia.

Ngoài ra, Nga còn nhấn mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học biển và hoạt động của hải quân Nga trên cả sáu vùng biển trọng yếu. Tất cả điều trên cho thấy nước Nga cũng không thể cưỡng lại trước các xu thế vươn ra biển của các cường quốc trên toàn cầu. Tiếng gọi từ biển cả thực sự rất khó cưỡng. Nếu không có hành động kịp thời Nga có thể bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các nước lớn khác.

Không dễ thực hiện

Tuy vậy, việc triển khai học thuyết này trên thực tiễn lại không hề đơn giản. Ẩn sau các thông điệp mạnh mẽ về đối ngoại là những điều chỉnh sâu rộng về nội bộ, nhất là việc tăng cường vai trò và sức mạnh cho các lực lượng hải quân.

Việc tăng cường trang bị các phương tiện và vũ khí hiện đại cho các lực lượng hải quân… để thực hiện tốt học thuyết này thực sự rất tốn kém và không thể làm trong ngày một ngày hai, nhất là trong bối cảnh nước Nga đang bị Mỹ và phương Tây bao vây, cô lập và cấm vận như hiện nay.

Không những thế, giá dầu thế giới hiện đang ở mức rất thấp và được dự báo có thể tiếp tục đi xuống. Trong khi đó, Nga lại là nước phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu nhập từ dầu lửa và xu hướng này sẽ tác động mạnh tới việc triển khai chính sách, cả đối nội và đối ngoại của Nga trong thời gian tới.

Điểm quan trọng khác là trong bối cảnh NATO ngày càng dồn ép nước Nga về phía Đông, Nga dường như tỏ ra lạnh nhạt hơn với châu Âu nhưng nồng ấm hơn với Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương.

Liệu sự nồng ấm này có giúp Nga đạt được mục tiêu chiến lược lâu dài trên biển hay không? Xu hướng Nga – Trung xích lại gần nhau sẽ tác động như thế nào tới cục diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhất là tình hình Biển Đông, vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải.

Rõ ràng, tiềm lực của Nga là rất lớn, đặc biệt là về an ninh – quốc phòng, nhưng với muôn vàn khó khăn cả trong nước và quốc tế như hiện nay, thì việc đưa học thuyết này trở thành hiện thực là không dễ thực hiện.

Theo Hải Dương

Thế giới và Việt Nam

Học thuyết hàng hải mới của Nga

Dài 46 trang, gồm sáu phần: Những vấn đề chung, cơ sở pháp lý và một số khái niệm cơ bản được sử dụng trong Học thuyết; Mục tiêu, nhiệm vụ và các nguyên tắc của chính sách hàng hải; Nội dung chính sách hàng hải quốc gia; Bảo đảm thực thi chính sách hàng hải; Quản lý nhà nước về hoạt động hàng hải; và Kết luận.

Bốn hướng hoạt động hàng hải:

Vận tải biển: tạo thuận lợi cho việc duy trì và phát triển hạm đội và cơ sở hạ tầng cảng biển nhằm bảo đảm độc lập về kinh tế và an ninh quốc gia, giảm chi phí vận tải, tăng khối lượng vận tải ngoại thương và quá cảnh qua lãnh thổ Nga.

Khai thác và bảo vệ tài nguyên đại dương thế giới: tiến hành hiện đại hóa quy mô lớn và tái trang bị kỹ thuật đối với tổ hợp đánh bắt cá và xí nghiệp, cải tổ hạm đội nghề cá, lập cơ sở khoa học - sản xuất và phát triển cán bộ.

Nghiên cứu khoa học biển: mở rộng cơ sở nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng bảo đảm cho sự phát triển bền vững của hoạt động trên biển, củng cố an ninh quốc gia và giảm thiệt hại do thiên tai và thảm họa.

Hoạt động hải quân: sử dụng biện pháp quân sự nhằm tạo lập và duy trì điều kiện thuận lợi trên biển cho sự phát triển bền vững và thực hiện lợi ích quốc gia.

Sáu hướng khu vực:

Đại Tây Dương: Hướng này còn gồm Biển Baltic, Biển Đen, Biển Azov và Địa Trung Hải. Nga không chấp nhận việc NATO mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự đến gần biên giới với Nga.

Bắc Cực: Là một cửa ngõ để tàu bè của Nga đi ra Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Tại đây có Hạm đội Biển Bắc đóng vai trò quyết định trong đảm bảo khả năng phòng thủ đất nước từ phía biển và đại dương.

Thái Bình Dương: Khu vực Viễn Đông gắn liền với Thái Bình Dương có nguồn tài nguyên khổng lồ, đặc biệt là trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Nga. Nga coi việc phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc là một trong những trọng tâm.

Biển Caspie: Khu vực này sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản và vi sinh to lớn, đòi hỏi Nga có cách tiếp cận đồng bộ trong việc khai thác.

Ấn Độ Dương: Phát triển quan hệ hữu nghị với Ấn Độ là hướng quan trọng nhất trong chính sách hàng hải của Nga tại khu vực này.

Nam Cực: Nga cho rằng sự có mặt thường xuyên và tích cực của Nga tại khu vực với tư cách là quốc gia thành viên Hiệp ước về Nam Cực sẽ bảo đảm cho nước này tham gia giải quyết vấn đề quốc tế liên quan đến việc sử dụng Nam Cực.

 

Giới hạn đỏ trong quan hệ Nga - NATO - 2