“Lửa địa ngục” - tên lửa “con cưng” của quân đội Mỹ
Được phát triển từ năm 1974, tên lửa Hellfire - “Lửa địa ngục” có thể được xếp vào hàng “lão làng” trong kho vũ khí của quân đội Mỹ. Dù kho vũ khí của Mỹ liên tục được hiện đại hóa với rất nhiều tên lửa thế hệ “đàn em” ra đời, song Hellfire hiện vẫn được đánh giá là một trong những loại tên lửa tốt nhất của Mỹ và có mức độ sử dụng rộng rãi nhất.
Ban đầu, Hellfire được phát triển theo yêu cầu của quân đội Mỹ về một loại tên lửa nhằm mang lại lợi thế cho Mỹ trước những đội hình xe tăng lớn của Liên Xô. Yêu cầu cụ thể của quân đội Mỹ khi đó là “một loại tên lửa có thể phóng từ máy bay trực thăng và có khả năng xuyên thủng vỏ giáp chắc chắn của đội hình xe tăng Liên Xô”. Nhưng với những ưu điểm nổi trội của mình, Hellfire hiện đang được sử dụng với rất nhiều mục đích khác nhau trong nhiều dạng thức chiến tranh khác nhau mà Mỹ đang can dự.
Độ phủ sóng rộng khắp
Iraq năm 1991. Vào một tối khô và nóng trên sa mạc, hai lính trinh sát của Đội Hỗ trợ hỏa lực Stryker của quân đội Mỹ thực hiện nhiệm vụ thám thính một ngọn đồi, cách một chiếc xe tăng chiến đấu T-72 của Iraq khoảng 1km. Chiếc xe tăng được giấu dưới các vật ngụy trang để bảo vệ cho một cứ điểm nhỏ ở phía nam Baghdad.
Hai lính trinh sát khi đó được trang bị thiết bị định vị bằng laser. Sau khi nhận được yêu cầu hỗ trợ của hai binh sĩ này, một trước trực thăng AH-64 Apache được giao nhiệm vụ loại bỏ chiếc xe tăng của phía Iraq bằng tên lửa Hellfire. Hai lính trinh sát Mỹ đánh dấu mục tiêu bằng một chùm sáng có thể nhìn thấy được.
Và ở một khoảng cách an toàn, lơ lửng phía sau một ngọn đồi và ngoài tầm bắn của chiến xe tăng, chiếc Apache phóng đi một tên lửa AMG-114. Sau khi rời khỏi bệ phóng, bộ phận dò tìm của thiết bị định hướng đã phát hiện được tín hiệu laser mà hai lính trinh sát đã xác định mục tiêu và dẫn chiếc tên lửa tới thẳng chiếc T-72, loại bỏ ngay lập tức mối đe dọa.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều lần khai hỏa thành công của tên lửa Hellfire tại cuộc chiến tranh vùng Vịnh. Chiến tranh vùng vịnh cũng là thời kỳ hoàng kim nhất của Hellfire khi đơn vị trực thăng Apache tuyên bố có tới 500 xe tăng của Iraq bị loại tên lửa này tiêu diệt. Đó là chưa kể số lượng mục tiêu bị tiêu diệt bởi tên lửa Hellfire do trực thăng chiến đấu AH-1 Cobras sử dụng.
Syria năm 2017. Những tay súng của nhóm khủng bố Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chuẩn bị hành hình công khai hai tù binh mà chúng bắt được. Chúng dùng một chiếc xe thùng chở hai tù binh tới trước một đám đông ở Abu Kamal, phía đông Syria, sẵn sàng hành hình một cách man rợ nhất để thị uy nhằm dập tắt bất kỳ ý định phản kháng nào trong dân chúng.
Điều chúng không ngờ tới là một chiếc máy bay không người lái RAF Reaper của Mỹ lại tình cờ lượn qua khu vực này và nắm bắt toàn bộ tình hình. Do có rất nhiều dân thường có mặt trong khu vực, chiếc máy bay đã không nhắm bắn vào những kẻ chuẩn bị hành quyết.
Thay vào đó, chiếc máy bay nhằm vào hai tên chiến binh đang đứng trên một nóc nhà gần đó và lập tức khai hỏa. Quả tên lửa Hellfire không chỉ giết chết một tên mà còn khiến cuộc hành hình bị dừng lại ngay lập tức, hai tù binh trốn thoát khi những chiến binh IS tìm cách chạy trốn, còn đám đông nhanh chóng giải tán.
Những đặc tính nổi trội
Có thể nói, sau khi ra đời, tên lửa Hellfire hầu như không bao giờ vắng mặt tại khắp các chiến trường mà Mỹ tham gia trên thế giới. Với khối lượng khoảng 50kg, đầu đạn hình trụ nặng 18 cân, tên lửa Hellfire là tên lửa đất đối đất hoặc không đối đất, có khả năng xuyên thủng các loại giáp. Hellfire có thể được sử dụng các cuộc tấn công đa nhiệm vụ hoặc đa mục tiêu một cách cực kỳ chuẩn xác. Với khả năng dẫn đường chính xác, tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu ngay cả khi mục tiêu không nằm trong tầm nhìn của phương tiện khai hỏa. Đây là một đặc tính giúp các phương tiện trang bị tên lửa Hellfire an toàn hơn khi thực thi nhiệm vụ.
Tên lửa Hellfire được dẫn đường bằng laser. Tia laser có thể được chiếu vào mục tiêu từ chiếc máy bay khai hỏa, một chiếc máy bay hỗ trợ khác hay từ thiết bị quan sát trên mặt đất. Chính bởi khả năng nhận tín hiệu dẫn đường từ nhiều nguồn như vậy nên chiếc máy bay khai hỏa có thể nhắm bắn chính xác mà không cần nhìn thấy mục tiêu, đảm bảo sự an toàn sau khi phóng tên lửa. Ngoài ra, với bộ định vị đa điểm, một số tên lửa Hellfire có thể được khai hỏa cùng lúc và nhắm đến nhiều mục tiêu khác nhau.
Trong quá trình nâng cấp, Hellfire ngày càng được tăng cường về độ chính xác, khả năng sát thương và độ an toàn. Trong khi những phiên bản đầu chủ yếu dựa vào thiết bị định hướng laser thì các phiên bản sau đã được trang bị hệ thống radar và có tốc độ nhanh hơn.
Các biến thể có tốc độ nhanh nhất là AGM-114R và AGM-114T, có khả năng quay đầu nhanh chóng để tiêu diệt kẻ thù bay phía sau máy bay. Đầu đạn nổ văng mảnh mới cũng khiến tên lửa có khả năng sát thương cao hơn đối với nhiều loại mục tiêu đa dạng, có thể xuyên thủng giáp của các loại xe bọc thép.
Nền tảng sử dụng Hellfire tốt nhất vẫn là trực thăng chiến đấu Apache, nhưng nó còn có thể sử dụng với trực thăng AH-1s, máy bay không người lái, trực thăng Blackhawks, Kiowas, thậm chí là máy bay chiến đấu Cessnas. Các phương tiện trên mặt đất cũng có thể sử dụng loại tên lửa này. Lockheed đã tài trợ chương trình phát triển loại phương tiện Tấn công và Do thám tầm xa, sử dụng hỏa lực là tên lửa Hellfire hoặc DAGR – một loại vũ khí nhỏ hơn nhưng cũng sử dụng công nghệ của Hellfire.
Hải quân Mỹ phóng thử Hellfire từ tàu tác chiến ven bờ
Khả năng tác chiến đa nền tảng
Việc cải tiến Hellfire và các hệ thống phóng cho phép loại tên lửa này triển khai trên nhiều nền tảng khác nhau. Hải quân Mỹ giờ cũng đã sử dụng Tên lửa Hellfire AGM-114L trên tàu chiến để đối phó với các loại tàu tấn công nhỏ có tốc độ cao và các mối đe dọa khác.
Tháng 3/2017, Hải quân Mỹ đã tiến hành thử tên lửa Hellfire từ một tàu tác chiến ven bờ (LCS), đánh dấu lần đầu tiên áp dụng phương thức phóng tên lửa theo chiều thẳng đứng từ loại tàu chiến này. Các quan chức quốc phòng Mỹ đánh giá đây là bước phát triển quan trọng để gia tăng năng lực của các LCS trong các chiến dịch sau này.
Tàu tác chiến ven bờ LCS và tàu khu trục FF-frigate lớp kế tiếp đã trở thành đội tàu tác chiến thực tế nhiều nhất lực lượng hải quân. Hồi đầu năm nay, Hải quân Mỹ đã yêu cầu giới thiệu một loại tên lửa mới nhằm bổ sung thêm hỏa lực cho Hạm đội mặt biển. Vụ phóng thử tên lửa Hellfire là một phần trong chương trình thử nghiệm phát triển với loại hình Chiến tranh trên mặt biển. Việc sư dụng tên lửa Hellfire phóng theo phương thẳng đứng có thể tăng khả năng chống lại các thuyền tấn công nhỏ.
Tên lửa Hellfire phóng từ tàu chiến có một số điểm khác biệt so với loại phóng từ trực thăng và máy bay không người lái hiện nay. Khi phóng từ máy bay trực thăng, tên lửa thường “khóa” mục tiêu trước khi phóng. Nhưng với tàu chiến, tên lửa sẽ kích hoạt thiết bị dò tìm mục tiêu sau khi rời khỏi bệ phóng.
Trong những năm gần đây, Hải quân từng khai hỏa 12 quả tên lửa, trong đó 10 quả tên lửa đã đánh trúng mục tiêu. Tàu tác chiến gần bờ sử dụng hệ thống dò tìm mục tiêu “mọi thời tiết” bởi vì nó có thể phải hoạt động trong điều kiện mưa, mây mù và những điều kiện bất lợi khác.
Việc trang bị tên lửa Hellfire cho các hạm đội trên biển còn nhằm hướng tới mô hình kết hợp giữa tàu chiến và trực thăng MK-60 hoạt động ngoài tầm nhìn nhờ khả năng dẫn đường chuẩn xác mà không cần nhìn thấy mục tiêu của Hellfire. Đô đốc Michael Desmond, chỉ huy Hạm đội Detroit cho biết cuộc thử nghiệm mới đây là một dấu mốc quan trọng trong việc nâng cao năng lực chiến đấu không chỉ của các tàu tác chiến ven bờ mà còn của Hải quân Mỹ nói chung…
Theo Thúy Ngọc
Pháp luật Việt Nam