1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lợn chết trôi sông và mặt trái của ngành thực phẩm Trung Quốc

(Dân trí) - Việc có tới gần 9.000 con lợn chết bị thả trôi sông Hoàng Phố tại Thượng Hải đang khiến người Trung Quốc không chỉ hoang mang mà còn làm bùng lên những chỉ trích, châm biếm. Đồng thời nó cũng cho thấy mặt trái của ngành thực phẩm nước này.

Cho đến ngày 16/3, có tổng cộng 8.965 con lợn chết đã được chính quyền thành phố Thượng Hải vớt lên khỏi sông Hoàng Phố, gấp gần 10 lần so với số lượng 900 con được phát hiện ban đầu.

Một bức tranh biếm họa về scandal lợn trôi sông tại Thượng Hải
Một bức tranh biếm họa về scandal lợn trôi sông tại Thượng Hải

Bất chấp những khẳng định của chính quyền địa phương rằng nguồn nước máy tại thành phố này vẫn an toàn, các xét nghiệm cho thấy một trong các mẫu nước đã bị nhiễm virus PCV, một loại virus gây bệnh phổ biến ở lợn nhưng không lây nhiễm sang người.

Phản ứng của người dân Trung Quốc những tuần qua từ chỗ hoảng sợ, lo lắng đã biến thành giận dữ và sau đó là châm biếm. Trong khi những cư dân cẩn trọng tại Thượng Hải lấy mẫu nước đi xét nghiệm và cho đăng tải trên mạng kết quả nước máy bị nhiễm bẩn và mất an toàn, nhiều người khác quay sang châm biếm.

“Đời thật là đẹp tại Thượng Hải. Chúng ta chỉ cần mở vòi nước và có ngay món súp thịt heo tươi”, một cư dân mạng nhận xét đầy châm biếm trên web. Và tuyên bố này đã được rất nhiều trang web đăng tải lại đến mức không thể biết đầu là nguồn chính.

Các cư dân mạng Trung Quốc còn đặt tên vụ scandal là “Cuộc đời của lợn”. Một người khác thì dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh để “chế” vào poster của bộ phim đoạt giải Oscar “Cuộc đời của Pi” (Life of Pi) rất nhiều xác lợn cả bên trong và xung quanh chiếc thuyền của nhân vật chính.

Một con lợn ốm bị bỏ lại ở lề đường tại thành phố Gia Hưng hôm 13/3 (Ảnh: AFP)
Một con lợn ốm bị bỏ lại ở lề đường tại thành phố Gia Hưng hôm 13/3 (Ảnh: AFP)

Suốt nhiều ngày liền, cơ quan chức năng không thể truy được nguồn gốc của số lợn chết trôi sông cho đến khi một trang trại ở thành phố Gia Hưng, thuộc tỉnh Chiết Giang kế bên thừa nhận đã ném nhiều xác lợn xuống sông.

Có một điều lạ nữa là cho dù Gia Hưng bị xem là nguồn phát tán lợn chết chính và báo giới địa phương khẳng định ít nhất 20.000 con lợn đã chết đột ngột vì bệnh hồi đầu năm, chính quyền thành phố này cho tới ngày thứ Ba vừa qua luôn một mực cho rằng chưa có cơ sở để xác định việc này.

Sau đó cũng chính họ xác nhận đã có 70.000 con lợn chết từ đầu năm đến nay tại Gia Hưng do thay đổi trong kỹ thuật chăm sóc, điều kiện khí hậu, nhưng một lần nữa quả quyết không có dịch cúm heo.

Khoảng tối của ngành chế biến thực phẩm

Vụ scandal lợn trôi sông kể trên xảy ra cùng lúc với việc một tòa án tại thành phố Wenling, cũng thuộc tỉnh Chiết Giang tuyên phạt 46 bị can với mức án từ 6 tháng tới 6 năm rưỡi tù giam vì tội chế biến và bán lợn nhiễm bệnh trong giai đoạn từ năm 2010-2012.

Trong chiến dịch thịt heo an toàn tại Wengling, được khởi động từ tháng 4 năm ngoái, cơ quan chức năng địa phương đã thu giữ hơn 6.000 kg các sản phẩm từ lợn bị phát hiện dương tính với nhiều loại virus.

An toàn thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối tại Trung Quốc
An toàn thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối tại Trung Quốc

Một số công ty chế biến thịt còn trở nên “nổi tiếng” với việc cung cấp sườn, thịt lợn hun khói và các loại xúc xích làm từ lợn nhiễm bệnh. “Chúng ta nên cảm thấy vui vì họ ném lợn chết xuống sông thay vì đặt chúng lên bàn ăn của chúng ta”, một cư dân mạng tại Thượng Hải có nickname "max0820" châm biếm trên tiểu blog Weibo.

Từ một thập kỷ trở lại đây, các hộ chăn nuôi tại Gia Hưng vẫn thường ném lợn chết xuống sông hoặc vứt ra ngay đường làng. Tại quận Nanhu của thành phố này, phóng viên của Tân Hoa Xã còn chứng kiến tận mắt cảnh lợn chết bị vứt bỏ gần một khu tiêu hủy.

Một người dân địa phương có họ là Chen cho biết, các hộ nuôi lợn thường ném xác lợn chết xuống sông bởi họ lo sợ rằng nếu người khác biết nhà mình có lợn bị chết thì không còn ai tới mua. Trước đây khi số lượng trang trại còn ít, xác lợn chết nhanh chóng bị cá tôm ăn. “Nhưng giờ có quá nhiều trang trại và lượng lợn chết trôi sông trở thành vấn đề môi trường nghiêm trọng”, Chen nói.

Gia Hưng hiện có hơn 100.000 trang trại nuôi lợn với khoảng 7 triệu con. Mỗi năm có khoảng 4,5 triệu con lợn được đưa ra thị trường và một nửa số này được cung cấp cho Thượng Hải.

Sau liên tiếp các scandal từ sữa bột nhiễm hóa chất công nghiệp melamine khiến 6 trẻ em thiệt mạng và 300.000 người khác mắc bệnh, dầu ăn được tái chế từ rác thải, thịt gà tồn dư kháng sinh quá mức hay mới đây nhất là gạo có chứa chất gây ung thư, rõ ràng ngành thực phẩm của Trung Quốc đang có những khoảng tối lớn về cả đạo đức kinh doanh lẫn hiệu quả thực thi của pháp luật.

Zhu Yi, một giáo sư tại đại học Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết việc có quá nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khiến vấn đề trở nên “khó giám sát và quản lý”.

“An toàn thực phẩm là một vấn đề đòi hỏi những nỗ lực liên tục. Bạn không thể cùng lúc làm mọi chuyện rồi dừng ở đó”, bà Yi nói. “Mô hình chăn nuôi gia súc hiện tại quá thô sơ còn tiêu chuẩn chất lượng thì quá thấp”.

Thanh Tùng
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm