DMagazine

Lời tố bằng máu trong vụ án mạng bí ẩn 30 năm chưa có lời giải

(Dân trí) - Vụ án một quý bà giàu có bị giết hại dã man 30 năm trước và bản án dành cho người làm vườn gốc Ma rốc đã trở thành một trong những vụ giết người bí ẩn nhất tại Pháp và khuấy động nhiều thuyết âm mưu.

Lời tố bằng máu trong vụ án mạng bí ẩn 30 năm chưa có lời giải 

Vụ án quý bà Ghislaine Marchal bị giết hại dã man và bản án dành cho người làm vườn gốc Ma rốc Omar Raddad đã trở thành một trong những vụ giết người bí ẩn nhất tại Pháp và khuấy động nhiều thuyết âm mưu.

Lời tố bằng máu trong vụ án mạng bí ẩn 30 năm chưa có lời giải - 1

Người làm vườn Omar Raddad (giữa) trong phiên tòa vào năm 1991  (Ảnh: NYT).

30 năm trước, nước Pháp chấn động khi góa phụ giàu có Ghislaine Marchal, 65 tuổi, được phát hiện chết trong phòng riêng tại căn biệt thự ở Cote d'Azur. Vấn đề ở đây là tính chất bí ẩn như phim trinh thám của vụ án.

Ngày 23/6/1991, bà Marchal sống một mình trong một căn biệt thự nghỉ mát La Chamade rộng lớn trên đồi Mougins. Hôm đó, bà chuẩn bị đến ăn tối tại nhà ông bà Koster.

Vào 11 giờ 48 phút, bà Marchal đã nói chuyện điện thoại với một người bạn nói sẽ đến thăm bà vào ngày hôm sau. Đến 13 giờ 30 phút, ông bà Koster vì sốt ruột nên gọi điện cho bà Marchal, nhưng không ai trả lời. Ngày hôm sau thi thể của bà Marchal được phát hiện trong phòng lò sưởi dưới tầng hầm. Những giờ phút cuối cùng của bà Marchal đã cung cấp các tình tiết then chốt cho vụ án. Bác sĩ pháp y kết luận bà tử vong trong ngày 23/6.

Điều trùng hợp là tối hôm trước khi xảy ra vụ án, người làm vườn gốc Ma rốc Omar Raddad đã thay đổi lịch làm việc. Ngày 23/6, ông đến làm việc cho bà hàng xóm Marchal. Sự thay đổi này chỉ ông Raddad và bà Marchal biết. 

Tại hiện trường, cánh cửa duy nhất bị khóa từ bên ngoài, đồng nghĩa với việc kẻ giết người đã tẩu thoát sau khi ra tay. Tuy nhiên, cánh cửa bên trong cũng bị khóa. Câu hỏi đặt ra là ai đã khóa cánh cửa từ bên trong? Là nạn nhân hay thủ phạm? Nếu vậy, thủ phạm đã trốn thoát như thế nào? Chi tiết gây tranh cãi hơn nữa là 2 dòng chữ viết nguệch ngoạc bằng máu của chính nạn nhân trên cánh cửa tố cáo tội ác của người làm vườn gốc Ma rốc: "Omar m'a tuer" (Omar đã giết tôi), khiến các điều tra viên tin rằng thủ phạm chính là Raddad. Ở một cánh cửa khác là thông điệp thứ 2: "Omar m'a t".

Lời tố bằng máu trong vụ án mạng bí ẩn 30 năm chưa có lời giải - 2

Các nhà điều tra xem xét kỹ lưỡng lời tố cáo viết bằng máu của nạn nhân trên cánh cửa phòng (Ảnh: NYT).

Cả 2 thông điệp đều được viết bằng máu của nạn nhân. Trong nhiều năm, các chuyên gia vẫn luôn tranh cãi liệu đây có phải là do nạn nhân viết hay không. Mọi uẩn khúc, đồn đoán và tranh cãi cũng bắt đầu từ manh mối đó. Dòng chữ được viết trên cánh cửa là "Omar m'a tuer", thay vì là "m'a tuée" như đúng chính tả. Chi tiết này làm dấy lên câu hỏi: liệu một quý bà giàu có có thật sự mắc lỗi chính tả như vậy, hay người làm vườn chỉ là nạn nhân bị đổ tội của một tội ác giết người khác và bị kết tội nhanh chóng chỉ vì là người nhập cư gốc Ả Rập?

Nếu người làm vườn bị oan, điều khó hiểu là vì sao hung thủ lại biết lịch làm việc thay đổi của ông này để có thể thực hiện hành động sát nhân rồi dàn cảnh để đổ tội cho ông. Trong khi đó, bằng chứng ngoại phạm của ông Raddad rằng ông đã về nhà để ăn tối, không được các nhân chứng thừa nhận.

Theo các chuyên gia điều tra, hiện trường vụ án cho thấy nạn nhân có thể đã hấp hối ít nhất từ 15-30 phút. Thời gian đó đủ để bà viết 2 dòng chữ kết tội. Sau đó, bà còn chặn cửa phòng bằng một chiếc giường và một thanh sắt để ngăn không cho tên sát nhân quay trở lại. Các chuyên gia cho rằng, việc kéo giường chặn cửa đó không thể thực hiện từ bên ngoài và sau đó không ai có thể rời khỏi phòng. Lập luận này loại trừ giả thuyết dàn cảnh và chứng tỏ rằng, bà Ghislaine chỉ ở một mình khi viết 2 dòng chữ cuối cùng.

Luật sư của gia đình nạn nhân cho rằng "dù các giám định viên khẳng định không thể xác định người viết, nhưng họ cũng không loại trừ khả năng người viết chính là bà Marchal". "Để có lợi cho Omar Raddad thì không có yếu tố mới nào đủ sức thuyết phục. Còn để chống lại Omar thì có rất nhiều yếu tố buộc tội. Do vậy, tôi yêu cầu tòa bác bỏ đơn xin xét lại bản án", luật sư cho biết.

Tình tiết tranh cãi

Bà Marchal xuất thân trong một gia đình nghèo khó ở vùng nông thôn nước Pháp, nhưng chồng của bà là một quý ông giàu có. Sau khi người chồng qua đời, bà thừa hưởng toàn bộ tài sản và rất giàu có. Trong khi đó, ông Raddad sinh ra và lớn lên ở Ma rốc, không biết chữ và hầu như không nói được tiếng Pháp.

Hiện trường vụ án rõ ràng không đứng về phía ông Raddad. Luật sư và gia đình nạn nhân cáo buộc chính người làm vườn này, vốn ham mê cờ bạc, đã giết nạn nhân vì tức giận khi bà Marchal không chịu ứng trước lương cho ông. Theo họ, sau khi Raddad trốn thoát khỏi tầng hầm và khóa cửa, bà Marchal vẫn còn sống và tố cáo ông ta bằng lời nhắn viết trên các cánh cửa. Họ cho rằng nạn nhân đã khóa cửa bên trong vì lo sợ ông Raddad sẽ quay lại.

Nhưng ông Raddad luôn khẳng định mình vô tội và cũng không có động cơ để giết bà Marchal - người luôn đối xử rất tốt với ông. Ông tuyên bố trước tòa rằng ông "sẵn sàng chết vì sự thật". Ông cũng nhắc lại việc ông đã tuyệt thực 45 ngày và định tự tử bằng cách nuốt dao lam. "Tôi xin thề 7 lần rằng tôi đã không giết bà Ghislaine", Raddad nói.

Những người ủng hộ người làm vườn cho rằng, kẻ giết người thực sự có thể đã viết lời nhắn như vậy để đổ tội cho người làm vườn và sau đó trốn thoát.

Nạn nhân là một người giàu có và có địa vị trong xã hội. Kẻ tình nghi là dân nhập cư nghèo khổ. Một thông điệp được viết bằng máu tố cáo tội ác của kẻ thủ ác. Nhưng cho đến nay, vụ án vẫn gây tranh cãi khắp nước Pháp chỉ vì một lỗi chính tả trong lời tố cáo bằng máu khiến nhiều người nghi ngờ nạn nhân đã bị buộc tội oan.

Chi tiết đáng chú ý nhất là không tìm thấy dấu vết DNA và dấu vân tay của ông Raddad tại hiện trường vụ án. Vào năm 2015, theo công nghệ xét nghiệm DNA hoàn toàn mới, giới chức điều tra phát hiện dấu vết của 4 người đàn ông không rõ danh tính tại hiện trường vụ án.

Sau đó, các chuyên gia phát hiện 35 dấu vết DNA từ một người đàn ông phù hợp với lời nhắn thứ hai được cho là soạn bằng máu của nạn nhân. Đại diện pháp lý của ông Raddad, Noachovich He, tuyên bố "DNA này chắc chắn là của kẻ sát nhân", đồng thời khẳng định đây không phải DNA của các nhà điều tra hoặc những người khác đến hiện trường sau đó. Một luật sư khác cũng cho rằng, đó là bằng chứng cho thấy ông Raddad vô tội và có sự hiện diện của một người thứ 3 tại hiện trường.

Tuy nhiên, thực tế vẫn không có gì để chứng minh rằng đó chính là thủ phạm. Các dấu vết DNA khả nghi có thể đã xuất hiện ở đó trước hoặc sau khi án mạng xảy ra. Cháu của nạn nhân và là đại diện pháp lý của gia đình, Sabine du Granrut, cũng kiên quyết nói rằng những phát hiện DNA này là do hiện trường không được xử lý cẩn thận và DNA hoàn toàn không nói lên điều gì.

Đối với những người ủng hộ ông Raddad, việc bị lỗi chính tả là bằng chứng cho thấy thông điệp không phải do bà Marchal viết, mà là do ai đó muốn đổ tội cho người làm vườn. Đáp trả, du Granrut nói rằng dì của mình thường hay mắc lỗi chính tả như vậy.

Vấn đề ở đây không phải là giả thuyết về một vụ án giết người cướp của hay vì tư thù cá nhân, mà là ở bí mật về cánh cửa bị khóa và tin nhắn cuối cùng viết bằng máu của nạn nhân đã bị sai lỗi chính tả.

"Hiện nay, khi được yêu cầu đưa ra một ví dụ về vụ án oan, mọi người ngay lập tức đề cập đến Omar Raddad", luật sư Henri Leclerc, người đại diện gia đình nạn nhân trong một phiên tòa xét xử năm 1994, nói.

Chờ đợi phiên tòa mới

Lời tố bằng máu trong vụ án mạng bí ẩn 30 năm chưa có lời giải - 3

Ông Raddad được ra tù vào năm 1998 sau khi được cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac ân xá (Ảnh: Getty).

Ngay sau khi ông Raddad bị kết tội vào năm 1994, đại diện pháp lý của ông cho biết "tội lỗi" duy nhất của người làm vườn này là: ông là người Ả Rập nhập cư.

Bản án đã được đưa ra cho người làm vườn người Omar Raddad vào năm 1994, nhưng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc bởi những uẩn khuất xung quanh vụ việc. Giới truyền thông liên tục nhảy vào cuộc với những bài viết gây thu hút dư luận. Nhiều nhà trí thức và ngay cả nhà vua Ma rốc cũng đã bênh vực người làm vườn, trong khi ông Raddad vẫn luôn kêu oan. 

Sau khi Nhà vua Ma rốc Hassan II can thiệp và Tổng thống Pháp lúc bấy giờ là Jacques Chirac ân xá, ông Radad đã được thả tự do sau 4 năm. Nhưng ông không bao giờ thoát khỏi tội giết người vì bản án vẫn còn đó. Vào tháng 9/1998, Omar được ra tù sau 7 năm bị giam giữ. Đến tháng 1/1999, ông đệ đơn thỉnh cầu được xem xét lại vụ án với hy vọng sẽ được khôi phục danh dự.

Ngày 17/10/2002, Tòa mở phiên tòa xét đơn kháng nghị của ông Raddad. Ngày 20/11/2002, Tòa quyết định các yếu tố do bên bào chữa đưa ra không đủ cơ sở để xét lại tội trạng của Omar Raddad. Do vậy, hồ sơ vụ án sẽ khép lại vĩnh viễn.

Tuy nhiên, cho đến nay, mọi tranh cãi vẫn chưa dừng lại. Ông Raddad, 59 tuổi, vẫn đang chờ tòa xem xét chấp thuận mở lại phiên xét xử tiếp theo vào tháng 6/2022. Trong khi đó, gia đình nạn nhân vẫn cho rằng ông Raddad có tội và phản đối mở lại phiên tòa mới.