1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Lo phật lòng Mỹ, Israel xét lại thỏa thuận đầu tư xây cảng của Trung Quốc

(Dân trí) - Chính phủ Israel được cho là đang xem xét lại khoản đầu tư 2 tỷ USD của một công ty Trung Quốc vào dự án xây cảng ở vị trí địa chiến lược quan trọng vì quan ngại kế hoạch này có thể khiến đồng minh Mỹ phật lòng.

Cảng Haifa (Ảnh: Albatross Aerial Photography)
Cảng Haifa (Ảnh: Albatross Aerial Photography)

Năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải Israel và Tập đoàn cảng quốc tế Thượng Hải (SIPG) của Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác. Theo đó, SIPG sẽ đổ 2 tỷ USD vào cảng lớn thứ 3 của Israel, Haifa, biến nó trở thành cảng biển lớn nhất Israel. Đổi lại, chính phủ Israel cho phép SIPG quản lý cảng trong 25 năm. Dự kiến, tập đoàn Trung Quốc sẽ khánh thành cảng vào năm 2021.

Tuy nhiên, quyết định của Israel làm các chuyên gia và nhà quan sát dấy lên quan ngại vì mục đích của Trung Quốc trong dự án này do cảng Haifa nằm gần căn cứ hải quân Israel, nơi được cho là có kho tàu ngầm hạt nhân của nhà nước Do Thái.

Theo Jerusalem Post, Mỹ dường như đã gây áp lực lên Israel buộc cơ quan an ninh quốc gia nước này phải mở cuộc điều tra, đánh giá lại dự án hợp tác với SIPG. Lo lắng của Mỹ hoàn toàn là có cơ sở vì nếu công ty Trung Quốc giành quyền kiểm soát cảng Haifa, một cảng có vị trí địa chiến lược quan trọng trên Địa Trung Hải, thì tàu Mỹ có thể sẽ phải thay đổi hoàn toàn phương án di chuyển. Họ sẽ không thể đưa tàu hải quân tới cảng quân sự gần Haifa do lo ngại sẽ bị phía Trung Quốc theo dõi các hoạt động nhạy cảm và tối mật, giới chuyên gia nhận định.

Haifa là nơi mà quân đội Mỹ và Israel thường tiến hành tập trận chung. Trước đó, ông Shaul Chorev, cựu đô đốc Hải quân Israel, giáo sư khoa học chính trị tại đại học Haifa nhận định: “Việc để Trung Quốc mang hệ thống quản lý thông tin của họ vào cảng Haifa sẽ giống như là họ đang lắp đặt hệ thống trinh sát điện tử và khiến Mỹ quan ngại về an ninh mạng và vấn nạn rò rỉ thông tin. Tất cả sự lo ngại trên sẽ ảnh hưởng tới quan hệ quân sự giữa Mỹ và Israel”.

Ngoài Haifa, một công ty Trung Quốc khác cũng đã trúng thầu xây dựng một cảng khác ở thành phố Ashdod, phía nam Israel, cũng là một địa điểm chiến lược trên Địa Trung Hải.

Các dự án của Trung Quốc bề ngoài giống các dự án hợp tác thương mại song phương, song các chuyên gia cảnh báo chúng cũng ẩn chứa những tác động chính trị và quân sự.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã nỗ lực “nối dài” cánh tay vươn tầm ảnh hưởng toàn cầu thông qua các dự án xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng. Đáng chú ý nhất là Sáng kiến “Vành đai, con đường”, dự kiến tái lập “con đường Tơ lụa” kết nối các các châu lục vào năm 2049. Theo Trung tâm Quốc tế và chiến lược (Mỹ), Bắc Kinh sẽ có thể đầu tư vào sáng kiến trên ít nhất 8.000 tỷ USD.

Ngoài ra, giới quan sát quan ngại rằng thỏa thuận hợp tác ở cảng chiến lược Haifa có thể sẽ mở đường cho việc Trung Quốc hiện diện quân sự tại Địa Trung Hải.

Đức Hoàng

Theo SCMP