1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lo nguy cơ gián điệp, Australia, Nhật đưa sinh viên Trung Quốc vào tầm ngắm

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhiều đại học ở Australia, Nhật Bản được cho đang ngày càng gắt gao hơn trong việc quyết định hợp tác với sinh viên, nghiên cứu sinh Trung Quốc do lo ngại từ phía chính phủ về nguy cơ gián điệp.

Lo nguy cơ gián điệp, Australia, Nhật đưa sinh viên Trung Quốc vào tầm ngắm - 1

Các nhà nghiên cứu trong một phòng thí nghiệm Nhật Bản (Ảnh minh họa: SCMP).

Khi Wang Ximing (nhân vật dùng tên giả vì lý do bảo mật), một sinh viên Trung Quốc mới tốt nghiệp ngành công nghệ và vật liệu nano, bắt đầu tìm kiếm các chương trình nghiên cứu sau đại học, các đại học ở Nhật Bản là lựa chọn hàng đầu của anh.

Tuy nhiên, Wang, 23 tuổi, đã nghiêm túc suy nghĩ lại sau khi biết được thông tin rằng các cơ sở giáo dục ở Nhật Bản giờ đây dường như được yêu cầu phải giao cho chính phủ nước này những thông tin chi tiết về người nước ngoài học các môn khoa học và công nghệ mà Tokyo đánh giá là "nhạy cảm".

Các lĩnh vực này bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), mật mã lượng tử và công nghệ máy bay không người lái, những công nghệ có thể ứng dụng trong cả dân sự và quân sự.

"Mặc dù chính phủ Nhật Bản đã không nói rõ ràng rằng nước ngoài cụ thể là nước nào, nhưng từ những gì tôi đã đọc, dường như là họ đang nhắm mục tiêu vào sinh viên Trung Quốc. Tôi cũng đọc được rằng thị thực của sinh viên Trung Quốc gần đây được kiểm tra kỹ lưỡng hơn để ngăn nguy cơ đánh cắp công nghệ tiên tiến", Wang nói.

Wang trước đó theo học Đại học Beihang ở Bắc Kinh, cơ sở có mối quan hệ chặt chẽ với ngành công nghiệp quốc phòng và quân sự của Trung Quốc.

"Với lý lịch của mình, tôi chắc chắn rằng mình sẽ bị soi xét rất nhiều hoặc thậm chí bị từ chối, vì vậy thực sự chẳng có ích lợi gì khi cố gắng cả", Wang nói.

Wang cũng đã bỏ qua các trường đại học của Australia, nơi có một số khóa học về công nghệ nano và khoa học nano tốt nhất, do căng thẳng song phương giữa Trung Quốc và Australia ngày càng gia tăng.

Năm 2019, Australia đã chỉnh sửa các hướng dẫn nhằm ngăn chặn "sự can thiệp của nhân tố nước ngoài vào các đại học" của Canberra. Một số biện pháp được đề xuất bao gồm huấn luyện cho sinh viên nhận biết đâu là sự can thiệp của người nước ngoài và báo cáo cho chính quyền khi có tình huống khả nghi.

Wang nhìn nhận rằng, cả Nhật Bản và Australia có thể đều đang cảnh giác trước nguy cơ sinh viên Trung Quốc có thể trở thành gián điệp.

Quan điểm của Wang khá tương đồng với nhiều sinh viên Trung Quốc đang muốn ra nước ngoài du học. Căng thẳng Mỹ - Trung đã làm Washington gia tăng nghi ngờ họ có nguy cơ là gián điệp, một quan điểm hiện cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các quốc gia như Australia. Mỹ từ năm 2018 tới nay đã xét xử nhiều vụ việc học giả Trung Quốc, hoặc có liên hệ với Trung Quốc bị cáo buộc làm gián điệp về kinh tế và công nghệ cho Bắc Kinh. Khoảng 9 trường hợp đã nhận tội.

Mối nghi ngờ cũng lan sang các trường ở Nhật Bản, do Mỹ thúc đẩy các đồng minh ở châu Á hạn chế công dân Trung Quốc tiếp cận nghiên cứu trong các lĩnh vực như chế tạo robot, hàng không, kỹ thuật và công nghệ cao.

Trong số 703.500 công dân Trung Quốc đang du học ở nước ngoài vào năm 2019, 20% là ở Australia, 24,5% ở Mỹ và 17,6% ở Nhật Bản, theo các số liệu do SCMP tổng hợp.

Nhật Bản, Australia nâng cao cảnh giác

Tháng 11 năm ngoái, Australia công bố danh sách 63 công nghệ quan trọng cần được bảo vệ, thắt chặt hơn nữa thông tin mà người nước ngoài có thể tiếp cận. Các công nghệ bao gồm từ truyền thông 5G đến công nghệ lượng tử, AI, nam châm tiên tiến, in 3D, máy bay không người lái và vaccine.

Thủ tướng Scott Morrison cho biết các biện pháp này nhằm "cân bằng giữa cơ hội kinh tế với rủi ro an ninh quốc gia", ám chỉ mối quan ngại của Canberra về việc chuyển giao công nghệ nhạy cảm cho nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, dưới hình thức hợp tác học thuật.

Sau đó, Australia công bố các hướng dẫn mới cho các trường đại học nhằm giảm nguy cơ can thiệp từ nước ngoài và chuyển giao công nghệ nhạy cảm.

Trong khi đó, năm ngoái, Nhật Bản công bố rằng các trường đại học sẽ phải xin phép Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp trước khi tổ chức giảng dạy các công nghệ quan trọng cho sinh viên nước ngoài ở lại Nhật Bản hơn 6 tháng.

Hướng dẫn mới được đề xuất cũng đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải thông báo với đại học mình đang công tác nếu nhận được ngân sách từ một tổ chức bên ngoài. Trường đại học chịu trách nhiệm điều tra mối quan hệ giữa sinh viên nước ngoài theo học và chính phủ nước ngoài.

Những lo ngại của Nhật Bản là hợp lý, vì nhiều nghiên cứu khoa học và công nghệ tiên tiến của nước này có thể được sử dụng cho các mục đích quân sự, chuyên gia Hinata-Yamaguchi tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Tiên tiến của Đại học Tokyo nhận định.

"Với những căng thẳng địa chính trị, có nhiều lý do chính khiến Nhật Bản muốn ngăn những công nghệ rơi vào tay các quốc gia có thể sử dụng chúng chống lại lợi ích của Nhật Bản", chuyên gia trên nói.

Nhà nghiên cứu Satoru Nagao từ Viện Hudson cho rằng, căng thẳng Mỹ - Trung leo thang đã khiến Nhật Bản xem xét lại hệ thống kiểm soát công nghệ của họ, trong bối cảnh Washington dường như lo ngại những dữ liệu 2 bên chia sẻ có thể lọt vào tay bên thứ 3.

"Sinh viên Trung Quốc là một vấn đề lo ngại", ông Nagao nói, cảnh báo rằng các quy định hiện tại của Nhật Bản vẫn chưa đủ để ngăn người nước ngoài có thể tiếp cận với công nghệ nhạy cảm.

Theo www.scmp.com