1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Lo ngại mối đe dọa từ Trung Quốc, Nhật Bản ráo riết cải tổ lực lượng tăng thiết giáp

Tăng hạng nhẹ thực sự phù hợp với lực lượng mà JSDF đang xây dựng - một lực lượng có khả năng đối phó với mối đe dọa mới đến từ Trung Quốc.

Những kinh nghiệm và bài học từ Thế chiến 2 đã khiến Nhật Bản nỗ lực nhiều hơn trong việc chế tạo xe tăng thời hậu chiến. Đến giai đoạn những năm 1990, Nhật Bản đã sở hữu một lực lượng thiết giáp lớn và đầy uy lực.

Lo ngại mối đe dọa từ Trung Quốc, Nhật Bản ráo riết cải tổ lực lượng tăng thiết giáp - 1

Xe tăng của Nhật Bản tham gia một cuộc tập trận ở núi Phú Sỹ. Ảnh: Getty.

Thế nhưng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) đã buộc phải điều chỉnh lại lực lượng tăng, thiết giáp trong những thập kỷ gần đây. Mối đe dọa từ một Trung Quốc đang trỗi dậy đã buộc Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (GSDF) phải chuyển đổi nhiều đơn vị thiết giáp và pháo binh đóng ở phía bắc (nơi mà lực lượng này từng có nhiệm vụ đáp trả một cuộc tấn công tiềm tàng của Liên Xô), sang thành các đơn vị cơ động có khả năng triển khai nhanh chóng đến khu vực tây nam.

Để thực hiện điều đó, JSDF đang thực hiện một loạt thay đổi, trong đó có việc đầu tư mạnh mẽ vào khả năng vận chuyển, thiết kế những mẫu xe bọc thép mới và cải tổ các vũ khí trang bị trên xe tăng.

Đối phó với Liên Xô

Lực lượng tăng thiết giáp của Nhật Bản thực sự khá hiện đại và đổi mới trong quá trình phát triển giữa các cuộc chiến tranh thế giới. Thế nhưng trong khi Đức và Đồng minh có năng lực công nghiệp để nâng cấp và chế tạo những chiếc xe tăng mới trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 thì ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản vẫn tương đối hạn chế.

Hơn nữa, trong Thế giới thứ 2, Nhật Bản từng có kế hoạch dồn quân xuống phía nam - nơi những trận đánh xe tăng khó diễn ra do điều kiện địa hình, nên hầu hết kinh phí và nguồn lực đều được dồn cho các lực lượng hải quân và không quân.

Sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, nhờ việc tiếp cận được với các công nghệ, thiết kế của phương Tây và nhận thức được tầm quan trọng của xe tăng, Nhật Bản đã tập trung nhiều hơn vào việc phát triển một lực lượng thiết giáp có khả năng đối phó với Liên Xô.

Trong phần lớn thời kỳ Chiến tranh Lạnh, lực lượng xe tăng của Nhật Bản bao gồm các xe tăng chiến đấu chủ lực Type 61 và Type 74, được trang bị lần lượt pháo 90 mm và 105 mm. Cả hai đều là những mẫu xe tăng uy lực ở thời điểm đó và đã được đưa vào sử dụng với số lượng lớn.

Vào năm 1990, GSDF đã giới thiệu mẫu tăng Type 90. Với trọng lượng 50 tấn, tích hợp pháo 120mm, đây được coi là mẫu xe tăng hạng nhất thời bấy giờ. Type 90 được trang bị giáp composite dạng mô đun cho phép thay thế ngay khi bị hư hỏng, máy đo khoảng cách laser, máy tính điều khiển hỏa lực, hệ thống kính ngắm ảnh nhiệt và quan sát ban đêm, tương tự như mẫu xe tăng Leopard 2A4 của Đức.

Nhật Bản cho rằng, quần đảo cực bắc Hokkaido - nơi gần nhất với lãnh thổ Liên Xô, sẽ là tuyến đầu trong trường hợp giao tranh xảy ra giữa hai bên, vì thế nước này triển khai hầu hết các loại xe tăng ở đó. Đến năm 1976, GSDF đã có khoảng 1.200 xe tăng và khoảng 1.000 khẩu pháo, chủ yếu ở Hokkaido, nơi phần lớn lực lượng thiết giáp vẫn đang đóng quân.

Nhẹ và cơ động hơn

Sau khi Liên Xô tan rã, JSDF quyết định cắt giảm số lượng xe tăng từ khoảng 900 chiếc vào năm 1995 xuống còn 570 chiếc hiện nay. JSDF có kế hoạch giảm tiếp số lượng xuống còn 300 chiếc trong những năm tới.

Hiện tại, GSDF tiếp tục mua tăng Type 90 để thay thế cho các mẫu đời cũ hơn là Type 61 và Type 74. Nhật Bản cũng phát triển những xe bọc thép mới nhằm thay thế cho tăng chiến đấu chủ lực Type 10 và tăng chiến đấu cơ động Type 16 trong 1 thập kỷ qua.

Ra mắt vào năm 2012, Type 10 được dùng để thay thế Type 74 và yểm trợ Type 90. Với trọng lượng 48 tấn khi được trang bị đầy đủ, Type 10 nhẹ hơn và cơ động hơn Type 90. Do có kích thước lớn nên Type 90 bị hạn chế khi hoạt động tại Hokkaido và quanh khu vực núi Phú Sỹ, trái lại Type 10 có thể hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp Nhật Bản cho phép.

Type-10 được trang bị giáp mô đun nano tinh thể thép có khả năng chống chịu rất cao đối với các loại vũ khí chống tăng. Các mô đun có thể được thêm hoặc bớt tùy thuộc vào nhiệm vụ mà nó thực hiện. Type-10 cũng được tích hợp một khẩu pháo 120 mm và một bộ nạp đạn tự động. Bộ thiết bị điện tử có lẽ là tính năng ấn tượng nhất của dòng xe tăng này với hệ thống chỉ huy - kiểm soát hiện đại cho phép nó giao tiếp và chia sẻ thông tin với các xe tăng và đơn vị khác của GSDF hoạt động ở gần nó.

Type 16 được ra mắt sau Type 10 một vài năm. Mặc dù được trang bị bánh lốp nhưng nó có tháp pháo và hoạt động như một xe tăng hạng nhẹ, có thể chiến đấu ở cự ly gần, thực hiện nhiệm vụ phản công hay hỗ trợ bộ binh bắn hỏa lực trực tiếp.

Nặng 26 tấn và được trang bị pháo nòng 105 mm, Type 16 có thể hoạt động an toàn trên toàn bộ mạng lưới đường bộ của Nhật Bản và được vận chuyển bằng máy bay của Lực lượng Phòng vệ trên không.

Trung Quốc - mối đe dọa mới

Việc sử dụng các xe tăng hạng nhẹ thực sự phù hợp với lực lượng mới mà JSDF đang xây dựng - một lực lượng có khả năng đối phó với mối đe dọa mới do Trung Quốc gây ra ở phía Tây Nam Nhật Bản.

Jeffrey Hornung, chuyên gia về an ninh và chính sách đối ngoại của Nhật Bản tại RAND Corporation, cho biết: "Khi Chiến tranh Lạnh đã lùi xa và nhiều mối đe dọa khác nhau xuất hiện, Nhật Bản bắt đầu thay đổi tư duy quốc phòng với việc đánh giá những mối đe dọa đó xuất phát từ đâu. Trong một thập kỷ rưỡi qua, mọi sự chú ý đều hướng tới mối đe dọa đến từ Trung Quốc".

Mối đe dọa đó chủ yếu xuất phát từ trên không và trên biển, tập trung vào quần đảo tranh chấp Senkaku (theo cách gọi của Nhật Bản)/Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc) trên biển Hoa Đông.

Các nhà lãnh đạo Nhật Bản tin rằng, do mục tiêu chính của Trung Quốc là giành quyền kiểm soát quần đảo Senkaku, nên nước này nhiều khả năng sẽ không thực hiện một cuộc đổ bộ quy mô lớn vào đất liền Nhật Bản trong trường hợp xung đột xảy ra. Do vậy, Tokyo không nhận thấy sự cần thiết phải triển khai xe tăng và pháo hạng nặng.

"Thay vì đó, họ đánh giá nguy cơ xung đột nhiều khả năng sẽ xảy ra tại những hòn đảo ở chuỗi đảo phía Tây Nam, vì thế GSDF cần phải được triển khai nhanh chóng tại khu vực này và có khả năng chiến đấu trong môi trường đó" chuyên gia Hornung nhấn mạnh.

GSDF đang phát triển các sư đoàn và lữ đoàn có khả năng triển khai nhanh, trong đó có một đơn vị mới, được huấn luyện đặc biệt trong chiến tranh đổ bộ. GSDF cũng mua thêm nhiều xe bọc thép và hệ thống pháo có khả năng vận chuyển dễ dàng, phát triển năng lực chống hạm và phòng không, đồng thời mua máy bay cánh quạt nghiêng V-22 Osprey để vận chuyển binh sỹ.

Tuy vậy, GSDF vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, đặc biệt là hạn chế về khả năng vận tải trên biển. Bất chấp mối đe dọa tại khu vực phía tây nam, một nửa số đơn vị có khả năng triển khai nhanh chóng của GSDF vẫn đóng tại Hokkaido.

Trong khi tăng Type 16 có thể vận chuyển bằng đường hàng không, Type 90 và Type 10 cần phải được vận chuyển qua đường biển.

Phần lớn các binh sỹ và khí tài quân sự của GSDF nhiều khả năng cần được vận chuyển bằng tàu nếu điểm đến là các đảo ngoài khơi của Nhật Bản. Hiện, Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản có ba tàu đổ bộ tăng lớp Ōsumi có thể thực hiện nhiệm vụ này. Nhật Bản có kế hoạch mua ba tàu vận tải mới vào năm 2024. Tuy vậy số lượng tàu có thể thực hiện nhiệm vụ vận chuyển binh sỹ và khí tài vẫn thấp ở mức đáng lo ngại.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm