1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Lò lửa" Trung Đông dậy sóng: Israel-Iran đang chạm lằn ranh đỏ chiến tranh

Ngọc Huy

(Dân trí) - "Lò lửa" Trung Đông một lần nữa dậy sóng khi chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran, tướng Mohammad Reza Zahedi cùng nhiều nhân vật quan trọng khác thiệt mạng, nghi do bị Israel tấn công ở Syria.

Lò lửa Trung Đông dậy sóng: Israel-Iran đang chạm lằn ranh đỏ chiến tranh - 1

Tòa nhà gần Lãnh sứ quán Iran ở Syria bị phá hủy sau một cuộc không kích nghi của Israel (Ảnh: Reuters).

Truyền thông nhà nước Iran ngày 2/4 xác nhận chỉ huy cấp cao của lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Chuẩn tướng Mohammad Reza Zahedi, cùng nhiều nhân vật quan trọng khác đã thiệt mạng trong vụ tấn công nghi do Israel thực hiện nhằm vào tòa nhà lãnh sự Iran ở thủ đô Damascus (Syria).

Tehran đã thề sẽ trả đũa. Vụ việc khiến hai nước đang chạm tới mốc ranh giới đỏ chiến tranh. Kịch bản nào có thể sẽ được Iran lựa chọn: Một cuộc tập kích trực diện nhằm vào Israel để khơi mào cho một cuộc chiến toàn khu vực hay những đòn đánh ủy nhiệm do Tehran đã xây dựng được lực lượng thân hữu hùng mạnh ở khu vực, vây quanh nhà nước Do Thái?

Kịch bản xung đột toàn diện: Không ai được lợi

Khi đánh giá về những khả năng Iran có thể thực hiện các đòn trả đũa, hãy cùng xem lại một tiền lệ. Đó là vụ Tư lệnh lực lượng Quds của Iran, tướng Qasem Soleimani, thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ tại Iraq năm 2020. Vai trò và tầm ảnh hưởng của tướng Qasem Soleimani quan trọng hơn nhiều so với người đồng nghiệp vừa thiệt mạng.

Ngay sau vụ ám sát tướng Soleimani, Iran đã tấn công trả đũa bằng cách phóng nhiều tên lửa vào các căn cứ của Mỹ ở tỉnh Erbil và Al Anbar tại Iraq. Tuy nhiên, sự việc chỉ dừng lại ở đó và không leo thang thêm nữa.

Theo nhà phân tích chính trị từ Đại học Tehran, Mohammed Marandi, hơn một năm sau khi ông Soleimani thiệt mạng, người dân Iran vẫn thương tiếc vị tướng quá cố.

Tuy nhiên, rõ ràng khi đặt lên bàn cân, sinh mệnh của một số yếu nhân không thể quan trọng bằng vận mệnh quốc gia. Tehran chắc chắn sẽ phải cân nhắc các kịch bản xảy ra khi tung ra đòn trả đũa và những phản ứng tiếp theo của Tel Aviv.

Israel thực tế không phải là đối thủ dễ dàng. Những bằng chứng là trong lịch sử từng chứng minh Nhà nước Do Thái luôn đứng vững trong 4 cuộc xung đột quy mô lớn với khối Ả rập. Không những thế, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày nay còn được đánh giá là có quy mô và thiện chiến bậc nhất khu vực Trung Đông và có khả năng đã sở hữu vũ khí hạt nhân.

Với đối thủ như Israel, việc Iran leo thang quân sự rất dễ dẫn tới cuộc xung đột toàn diện kéo theo nhiều quốc gia trong khu vực tham chiến. Kịch bản như vậy ở thời điểm hiện tại không có lợi cho Tehran bởi các lý do sau:

Thứ nhất, Israel đang có phần "sa lầy" trong cuộc xung đột tại Dải Gaza, làn sóng phản đối ít nhiều đang dâng cao trong nước. Nếu xảy ra một động thái quân sự của Iran có thể khiến dư luận trong nước Israel chuyển hướng về một đối thủ truyền kiếp. Điều này không khác gì "giúp hổ thêm cánh".

Thứ hai, Iran đã và đang xây dựng được lực lượng thân hữu đáng kể trong khu vực và gây ảnh hưởng tới các quốc gia Ả rập trong quan hệ với Israel. Trật tự này có thể bị phá vỡ nếu chiến tranh Iran và Israel xảy ra. Đây là điều Tehran hoàn toàn không muốn.

Thứ ba, không chỉ Israel có lực lượng quân sự mạnh mẽ, mà thực tế các đồng minh của Tel Aviv, đặc biệt là Mỹ cũng đang duy trì lực lượng đông đảo tại Trung Đông. Việc phát động một cuộc chiến như vậy là không khôn ngoan, thậm chí ảnh hưởng tới sự tồn vong của nhà nước Iran.

Chính vì những lý do trên, ngọn lửa chiến tranh toàn diện giữa hai nước khó xảy ra vì kết cục "lưỡng bại câu thương" đã hiện diện trước mắt.

Chiến tranh ủy nhiệm?

Thực tế cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Hamas và Thánh chiến Hồi giáo từ Dải Gaza nhằm vào Israel hồi tháng 10/2023 dù không chứng minh có sự liên hệ của Iran, nhưng đã chỉ ra sự thật rằng Israel đang bị các đối thủ bao quanh, không chỉ là từ các thực thể nhà nước, mà còn là các phong trào Hồi giáo vũ trang.

Dù trong nội bộ các phong trào Hồi giáo vũ trang có những bất đồng về ý thức hệ, nhưng khi nói về đối thủ Israel, tất cả đều đồng lòng. Điều này đã được thể hiện khi Israel mở chiến dịch quân sự trả đũa nhằm vào Dải Gaza năm 2023 và đang kéo dài tới hiện tại.

Trong khi đó, Iran đang có ảnh hưởng rất lớn tới các phong trào Hồi giáo vũ trang, đặc biệt là dòng Shitte trong khu vực. Tehran không cần ra mặt, mà chỉ cần hỗ trợ họ trong cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Israel. Bài học từ phong trào Houthi tại Yemen là điển hình rõ ràng.

Một cuộc chiến không có đối thủ cụ thể, dai dẳng sẽ mang lại tổn thất đáng kể hơn là một cuộc chiến chớp nhoáng.

Vậy một cuộc chiến âm thầm, ủy nhiệm do Iran phát động thông qua các phong trào Hồi giáo vũ trang như Hamas, Hezbollah, Houthi bao vây Israel kéo dài nhiều năm sẽ ra sao? Cuộc chiến như vậy sẽ bào mòn nhân lực, vật lực của Israel hiệu quả hơn nhiều so với cuộc chiến nóng và trực tiếp giữa hai nước.

Bản thân Israel cũng nhận ra vấn đề này và các cuộc không kích nhằm vào các vị trí của lực lượng thân Iran tại Syria đã minh chứng cho điều đó. Nhà nước Do Thái không muốn bản thân bị bao vây bởi các lực lượng thân Iran và sa lầy trong một cuộc chiến trường kỳ không có hồi kết.

Có thể nói, xung đột hiện hữu giữa Iran và Israel đã có truyền thống lâu dài và khó có thể giải quyết trong tương lai gần. Có thể so sánh họ như những võ sĩ trên võ đài đang thủ thế chờ sơ hở của đối phương để ra đòn, nhưng chưa sẵn sàng tung đòn knock-out.