1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Liệu Trung Quốc có vượt được Mỹ và trở thành siêu cường thực sự trước khi già hóa?

Trung Quốc hiện nay là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và tham vọng của Trung Quốc không dừng lại ở đó. Tuy nhiên, tốc độ già hóa dân số nhanh tại nước này được cho là sẽ khiến Trung Quốc khó có thể vượt Mỹ về kinh tế, ít nhất là cho tới năm 2050.

Liệu Trung Quốc có vượt được Mỹ và trở thành siêu cường thực sự trước khi già hóa? - 1

Quốc kỳ Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Kết quả điều tra dân số Trung Quốc, được công bố vào tháng 5/2021, cho thấy thực trạng dân số Trung Quốc có nhiều điều đáng ngại. Tốc độ tăng dân số của Trung Quốc trong thập kỷ qua là thấp nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên ở nước này đã tăng tới mức chiếm 1/5 tổng dân số.

Như vậy số người Trung Quốc từ 65 tuổi trở lên có thể sẽ tăng gấp đôi trong 2 thập kỷ tiếp theo trong bối cảnh lực lượng lao động của nước này co ngót lại, khiến Trung Quốc trở thành "xã hội già cả" lớn nhất thế giới. Chính phủ Trung Quốc dự báo người già Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 1/3 dân số vào năm 2050, trong khi trẻ em thì chưa bước vào độ tuổi lao động.

Theo kết quả này, quốc gia đông dân nhất thế giới (1,4 tỷ người) vẫn cần thêm người để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, nhất là để vượt qua Mỹ. Vấn đề nằm ở sự già hóa dân số.

Nói cách khác, kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt với gánh nặng từ số người già tăng - cộng đồng này lao động ít hơn nhưng lại gây áp lực lớn hơn lên hệ thống y tế và quỹ lương hưu. Cũng nên nhớ, Trung Quốc hiện vẫn phải nỗ lực cải thiện hệ thống y tế và lương hưu.

Già hóa dân số khiến Trung Quốc khó đạt tham vọng vượt Mỹ về kinh tế

Nghiên cứu mới từ tháng 2/2021 dự báo rằng dân số già hóa của Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến Trung Quốc khó lòng vượt qua được Mỹ vào năm 2050. Thậm chí theo Mark Williams - Giám đốc của Capital Economics thì với các số liệu nhân khẩu học như thế này, "kinh tế Trung Quốc sẽ không bao giờ có khả năng vượt qua được kinh tế Mỹ".

Riêng năm 2020, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm 20% so với thập kỷ trước đó. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 1961.

Trước đó, dân số Trung Quốc bùng nổ mạnh khiến chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách một con vào cuối năm 1979. Chính sách này đã được sửa đổi thành mỗi gia đình có 2 con vào đầu năm 2016. Và giờ, thậm chí các cặp đôi trẻ còn được phép sinh 3 con.

Nhưng thế hệ trẻ hiện nay của Trung Quốc mắc phải "hội chứng 996". Họ phải làm việc từ 9h sáng đến 9h tối trong 6 ngày mỗi tuần. Ngoài ra họ có lối sống thay đổi đáng kể so với thời bố mẹ của mình. Tính trung bình, mỗi cặp vợ chồng trẻ chỉ có một con duy nhất. Đã vậy tuổi trung bình mà người Trung Quốc hiện nay kết hôn đã cao hơn - hiện đang tiến tới con số 30.

Tự động hóa có cải thiện được tình hình?

Ban lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ tình trạng này và đã tìm ra một hướng giải quyết, đó là tự động hóa. Trung Quốc ngày nay đang chuyển đổi theo hướng một cường quốc công nghệ cao. Có tới hơn 60% sản xuất robot trên thế giới là nằm ở Trung Quốc. Về mặt kinh tế, công nghệ thường làm gia tăng giá trị, nâng cao năng suất lao động lên nhiều lần, đồng thời giảm gánh nặng từ chi phí lao động tăng.

Nhưng cũng phải nhắc thêm rằng không phải dây chuyền sản xuất và dịch vụ nào cũng có thể tự động hóa. Công nghệ cao cũng đòi hỏi đội ngũ nhân lực trình độ cao. Liệu Trung Quốc đã có sẵn một đội ngũ như thế? Trung Quốc vẫn thấp hơn Mỹ về tỷ lệ dân số có bằng đại học. Mỹ có 24% dân số sở hữu bằng đại học trong khi con số của Trung Quốc chỉ là 19%. Nói cách khác, tự động hóa cũng đòi hỏi chính sách phát triển nhân lực phù hợp.

Thứ hai, tự động hóa không nhất thiết tạo ra bình đẳng, thậm chí còn nới rộng khoảng cách bất bình đẳng. Thì hiện nay các hãng công nghệ lớn của Mỹ đang thống trị chiếc bánh kinh tế và thúc đẩy bất bình đẳng thu nhập. Và do vậy, Trung Quốc sẽ phải có khả năng xây dựng các chính sách khác nhau để bảo đảm thu nhập được phân phối bình đẳng trong khi đồng thời cải thiện chất lượng hệ thống y tế và quỹ lương hưu. Nếu không giải quyết ổn thỏa các vấn đề này, Trung Quốc sẽ rơi vào cuộc vật lộn giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội.

Kịch bản kinh tế Trung Quốc sắp tới

Mối lo sợ hiện nay của Mỹ về kinh tế Trung Quốc cũng tương tự như mối lo sợ của Mỹ trước đây về sự trỗi dậy của kinh tế Nhật Bản vào giai đoạn từ thập niên 1970 đến thập niên 1990. Khi ấy kinh tế Nhật Bản tỏ ra có sức cạnh tranh lớn, hàng hóa Nhật Bản tràn ngập thị trường Mỹ, với ô tô rẻ hơn, tivi trông hấp dẫn hơn. Các doanh nhân Nhật Bản lúc ấy còn xâm nhập cả thị trường bất động sản tại Mỹ. Nhưng rồi dân số Nhật Bản già hóa và hệ thống tài chính của nước này cũng có vấn đề.

Có 3 kịch bản cho kinh tế Trung Quốc: 1- Trung Quốc vượt được Mỹ; 2- Đà tăng trưởng của Trung Quốc giảm xuống trước khi nước này trở thành một nước giàu và do đó không thể cất cánh và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình; và 3- Trung Quốc sẽ giàu và già cùng một lúc.

Các trí thức trong lĩnh vực kinh tế tin rằng Trung Quốc sẽ trải qua kịch bản thứ 3, đó là già và giàu cùng lúc. Trung Quốc có thể sẽ như Nhật Bản, bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm, không vượt qua được Mỹ nhưng vẫn là một nước thịnh vượng.

Ngay cả với kịch bản thứ 3, chặng đường phía trước Trung Quốc còn dài. Xét về mặt tổng sản phẩm quốc dân (GDP) dựa trên sức mua tương đương, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ. Nhưng tính về thu nhập bình quân thì Trung Quốc kém Mỹ tới 4 lần. Nói cách khác, Trung Quốc thậm chí còn chưa đạt tới cấp độ mà Liên Xô đạt được trước khi sụp đổ - khi ấy GDP bình quân của Liên Xô bằng 1/3 của Mỹ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm